Nghiên cứu của Tom Parsons, một nhà địa chấn học động đất tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, cho thấy các thành phố trên khắp thế giới đều đang chìm dần dưới sức nặng của sự phát triển đô thị - đồng thời với mực nước biển đang dâng cao.

Parson nói: “Khi mới xây dựng, mọi thứ sẽ ổn định. Theo thời gian, các tòa nhà, đặc biệt là những tòa nhà lớn nặng, có thể tiếp tục chìm xuống vô thời hạn khi đất bên dưới bắt đầu mất hình dạng ​​và lún xuống, đặc biệt nếu khu vực xây dựng là nơi giàu đất sét”.

Parsons lập luận rằng sức nặng của phát triển đô thị sẽ ngày càng đáng kể trên toàn thế giới khi người dân tiếp tục di cư đến các thành phố, từ đó sẽ chứng kiến ​​nhiều tòa nhà hơn để thích ứng với sự gia tăng dân số. Theo một ước tính, khoảng 70% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực đô thị lớn vào năm 2050.

Trong khi đó, nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore theo dõi 48 thành phố qua hình ảnh vệ tinh trong giai đoạn từ 2014 đến 2020 cho thấy mức lún trung bình là 16 mm mỗi năm, trong đó một số thành phố lún đến 43mm.

Một nghiên cứu khác đo độ sụt lún của 99 thành phố trong giai đoạn 2015-2020 chỉ ra nhóm 10 thành phố đang lún nhanh nhất thế giới. Đứng đầu là thành phố Thiên Tân, Trung Quốc lún với tốc độ 5,2 cm mỗi năm Jakarta, Indonesia, khoảng 3,4 cm mỗi năm, thành phố Hồ Chí Minh lún ở mức 2,8 cm. Kobe, Nhật Bản và Houston, Mỹ cũng nằm trong nhóm này.

Liên Hợp Quốc ước tính, mực nước biển dâng trung bình trên toàn cầu là khoảng 3 mm mỗi năm. Cùng với tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, vấn đề các thành phố sụt lún đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đẩy cuộc sống người dân những khu vực bị ảnh hưởng vào tình cảnh đáng lo ngại. Nhiều nhà khoa học đã dùng đến từ thảm họa để nói về tình trạng này, gọi là thảm họa khởi phát chậm.

Mỹ

San Francisco

Vào cuối năm 2020, các kỹ sư bắt đầu thực hiện một dự án trị giá 100 triệu USD để ngăn tòa tháp Millenium của San Francisco nghiêng và lún sâu hơn vào lòng đất. Khách thuê những căn hộ xa xỉ đã biết từ 4 năm trước đó rằng tòa nhà cao 58 tầng này đã sụt lún khoảng 16 inch trong hơn một thập kỷ.

Tom Parsons đã ước tính rằng trọng lượng chung của tất cả các tòa nhà ở khu vực San Francisco là khoảng 1,6 nghìn tỷ kg, hay 3,5 nghìn tỷ pound. Chỉ điều đó thôi cũng có thể khiến đất lún xuống 80 mm hoặc hơn 3 inch theo thời gian khi thành phố phát triển.

Nghiên cứu trước đây vào năm 2018 cho rằng các địa điểm ven biển ở khu vực đông đúc xung quanh San Francisco, với dân số hơn 7 triệu người, đang chìm với tốc độ gần 2 mm một năm. Một số khu vực đang chìm với tốc độ lên đến 10 mm mỗi năm. Khu vực này cũng phải đối mặt với các mối đe dọa về lũ lụt thảm khốc do mực nước biển dự kiến ​​sẽ tăng gần một foot vào năm 2050, và ba foot vào cuối thế kỷ này.

New York

Thành phố New York, với những tòa nhà chọc trời và tình trạng xây dựng dường như không bao giờ ngừng nghỉ cùng 8 triệu cư dân đang sinh sống, đang chìm xuống với tốc độ tương đương Venice của Italy, vốn nổi tiếng là thành phố có tốc độ chìm nhanh nhất thế giới.

Vấn đề càng tồi tệ hơn khi các thành phố này tiếp tục gia tăng dân số và mật độ xây dựng. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, thành phố này đang chìm 1-2 mm mỗi năm khi mực nước biển dâng cao và các cơn bão ngày càng đe dọa nhiều hơn đến khu vực.

London

Nước Anh đã trải qua thời kỳ hạn hán kéo dài sau mùa đông ẩm ướt kể từ năm ngoái. Điều đó khiến đá xốp bên dưới phần lớn phía Đông Nam nước Anh, bao gồm cả London, di chuyển nhiều hơn bình thường, làm nứt hoặc nghiêng nhiều ngôi nhà lịch sử của thành phố trong những khu phố sang trọng nhất.

Thiệt hại này đã gây ra khoản thanh toán bảo hiểm cao nhất trong gần hai thập kỷ, và các chuyên gia cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

Đông Nam Á

Các thành phố tại Đông Nam Á từ Bangkok đến Manila đang phải chống chọi với mực nước biển dâng cao, theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc. Việt Nam, Myanmar và Philippines nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu của tổ chức phi chính phủ German Watch.

Jakarta

Nhiều năm trở lại đây, thành phố Jakarta, một siêu đô thị với 10 triệu dân luôn nằm trong nhóm các thành phố lún nhanh nhất thế giới. Việc bơm nước ngầm quá mức đã khiến thành phố chìm xuống khoảng 10 cm mỗi năm. Trong đó, một số khu vực ven biển, nơi cư dân nghèo hơn phải đối mặt với lũ lụt kinh niên, đang chìm ở mức 25 mm mỗi năm. Điều này khiến Jakarta trở thành một trong những đô thị chìm nhanh nhất trên thế giới.

Từ năm 1970 đến nay, có những khu vực ở Jakarta đã lún tới 4m. Theo Học viện Công nghệ Bandung, Indonesia, với tốc độ sụt lún như hiện tại thì đến năm 2050, 95% thành phố sẽ chìm dưới mực nước biển, trong đó nhiều khu vực chìm sâu tới 5 mét dưới mức nước biển.

Các nhà lãnh đạo Indonesia thậm chí đã quyết định chuyển thủ đô ra khỏi Jakarta để giảm bớt một phần áp lực cho thành phố quá đông đúc này.

Bangkok

Bangkok đang nằm ở độ cao 1,5 mét so với mực nước biển và đang chìm 2-3 cm mỗi năm. Nghiên cứu từ năm 2020 chỉ ra thủ đô của Thái Lan sẽ là nơi đầu tiên hứng chịu toàn bộ tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hội đồng Cải cách Quốc gia Thái Lan báo cáo rằng thủ phủ này có thể bị nhấn chìm hoàn toàn trong thế kỷ tới.

Nguyên nhân là nền đất của Bangkok tuy đặc nhưng lại mềm, vì thế ngập lụt dễ xảy ra. Lượng mưa lớn, mực nước dâng cao và hoạt động khai thác nước ngầm hằng năm cũng góp phần vào tình trạng ngập lụt.

Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh đang lún xuống với tốc độ 16,2 mm mỗi năm, gấp khoảng 4 lần so với Jakarta. Khai thác nước ngầm là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng này.

Đồng thời, việc quá nhiều tòa nhà cao tầng tập trung tại khu vực có nền đất yếu cũng làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún

Lam Vy (Tổng hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.