12/04/2021 8:56 AM
CafeLand - Với các nước trong khu vực Đông Nam Á, việc duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc chuẩn bị ứng phó với tình trạng nước biển dâng.

Việc phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ cung cấp thêm nhà ở, công viên và cao ốc văn phòng cho TPHCM, một trong những thành phố lớn nhất Việt Nam. Song, điều quan trọng thành phố này phải tính đến là sự sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm đối diện với khu trung tâm thương mại của thành phố dọc theo sông Sài Gòn. Trong quy hoạch tổng thể, Thủ Thiêm sẽ kết hợp các kênh nhân tạo, ao hồ và các khu vực ngập nước để thích ứng với thủy triều dâng và tình trạng lũ lụt.

Tầm nhìn xa này rất cần thiết đối với nhiều thành phố tại Đông Nam Á. Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực rất đáng kinh ngạc, GDP tăng 5% mỗi năm kể từ năm 2014, Đông Nam Á cũng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Các thành phố tại Đông Nam Á từ Bangkok đến Manila đang phải chống chọi với mực nước biển dâng cao, theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc. Cơ quan Phát triển Công nghệ Không gian và Địa tin học cho biết khu vực phía tây Jakarta đang chìm với tốc độ hàng năm là 15cm, trong khi Bangkok đang chìm thêm từ 1 đến 2cm mỗi năm.

Việt Nam, Myanmar và Philippines nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu của tổ chức phi chính phủ German Watch.

Jeremy Kelly, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về các thành phố trên toàn cẩu của JLL, Global Cities Research Center, cho biết Đông Nam Á có một số thành phố phát triển nhanh và năng động nhất trên thế giới. Do sự di cư ồ ạt và tốc độ đô thị hóa lớn hơn, nhiều thành phố tại đây đang sử dụng quá mức nguồn tài nguyên hiện có.

“Các thành phố như Manila, TPHCM, Bangkok và Jakarta nằm ở vùng trũng thấp. Mực nước biển dâng cao trở thành một yếu tố gây áp lực cho sự phát triển”, Kelly cho biết.

Các thành phố trên đà tăng trưởng

Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng phát triển cao nhất trên toàn thế giới. Hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM nằm trong số những thành phố có tiềm năng kinh tế và bất động sản lớn nhất trên toàn cầu, lần lượt xếp thứ bảy và thứ ba trong Chỉ số thành phố năng động toàn cầu của JLL.

Stephen Wyatt, Giám đốc điều hành JLL Việt Nam, nhận định chính sách thân thiện với doanh nghiệp cộng với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia đã giúp Việt Nam tạo ra một nền kinh tế với mũi nhọn là xuất khẩu, qua đó tạo động lực cho hai thành phố Hà Nội và TPHCM phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Manila đã nhảy vọt lên vị trí cao nhất từ ​​trước đến nay trong báo cáo JLL, xếp ở vị trí thứ tám nhờ “nhân khẩu học thuận lợi, nền kinh tế trong nước mạnh mẽ và cơ sở tài năng lành nghề”, báo cáo cho biết.

Janlo de los Reyes, trưởng bộ phận nghiên cứu của JLL Philippines, cho biết: “Nhu cầu về tài sản thương mại và nhà ở tại vùng đô thị Manila là do nhu cầu từ nhóm dân số trẻ với thu nhập khả dụng tăng cao”.

Nước biển dâng

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ở khu vực này có thể kìm hãm triển vọng tăng trưởng. Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính đến năm 2100, chi phí trung bình của biến đổi khí hậu đối với Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có thể chiếm tổng cộng 6,7% GDP mỗi năm. Con số này cao gấp đôi so với mức thiệt hại trung bình trên toàn cầu.

Các chính phủ trong khu vực đang hành động để giải quyết vấn đề này. Chính phủ Indonesia đã bắt đầu xây dựng thủ đô mới ở Kalimantan, với kỳ vọng sẽ trở thành đô thị thông minh, xanh và bền vững.

Việc thành lập thành phố Clark mới của Philippines vào năm 2016 được coi là một giải pháp thay thế và tăng khả năng chống chịu với thiên tai cho thành phố này, do Clark nằm ở vị trí cao, được bao quanh bởi một dãy núi và cách Manila 100 km về phía bắc.

Trong khi đó, Singapore đã cam kết dành 72 tỉ đô la Mỹ để bảo vệ quốc gia này trước tình trạng nước biển dâng. Thủ tướng Lý Hiển Long đã gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước và cũng quan trọng như quốc phòng”. Singapore còn có cả một quỹ phòng chống lũ lụt và xây dựng tường chắn sóng dọc bờ biển.

Kelly cho biết: “Sự quản trị và lãnh đạo như Singapore là những yếu tố cực kỳ quan trọng để giảm thiểu mối đe dọa đến từ biến đổi khí hậu. Vấn đề quản trị ngày càng trở nên quan trọng trong những thập kỷ tới để các thành phố phát triển thành công, phù hợp với tương lai và có khả năng phục hồi”.

Đối với Thủ Thiêm, mọi thứ cuối cùng cũng đang tiến triển sau một thập kỷ dở dang do vấn đề đền bù và phát triển cơ sở hạ tầng chậm. Nhìn lại, sự khởi đầu muộn của Thủ Thiêm có thể đã mang lại lợi thế nếu học hỏi được từ các thành phố khác, khi khu đô thị này chuẩn bị chống chọi với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Lam Vy (Jones Lang Lasalle)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.