15/08/2013 10:09 AM
CafeLand - Sông Đà Thăng Long (STL) đang rơi vào vòng xoáy không có lối thoát khi vốn chủ sở hữu đã âm và không có khả năng triển khai một vài tòa nhà tại dự án chục nghìn tỷ Usilk City. Thảm cảnh này của STL không có gì là bất ngờ vì cách thức làm ăn đầy rủi ro đã nhìn thấy từ trước. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là nhiều ngân hàng, công ty tài chính “sừng sỏ” vẫn dính vào bẩy của STL và tự biến mình thành con tin.

Phối cảnh dự án Usilk City. Ảnh: Internet

Cho đến nay kết quả kinh doanh Q2/2013 của STL chưa được công bố nhưng xem ra tình hình khó được cải thiện. Tính đến quý 1/2013, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của STL là âm 187 tỷ đồng làm bay mất vốn điều lệ 150 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 8,59 tỷ đồng. Trong khi đó tổng tài sản của công ty vẫn còn lên tới 5.550 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là công ty đang gánh một khoản nợ vô cùng khổng lồ và không có vốn đối ứng.

Xem xét lịch sử tài chính của STL khiến cho không ít người giật mình sửng sốt không hiểu vì sao một công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng lại có thể dễ dàng vay ngân hàng đến 3.043 tỷ đồng, tức là vốn vay cao gấp 20 lần vốn điều lệ. Nếu so với toàn bộ số nợ của công ty thì ngày cả thời “hoàng kim” nhất năm 2010 thì đòn bẩy tài chính (Tổng nợ/vốn chủ sở hữu) của STL cũng lên tới 22 lần.

Bất chấp tình trang vô cùng rủi ro đó thay vì phải củng cố tình trạng tài chính để giữ an toàn thì STL lại liên tục vay vốn để đầu tư vào hàng loạt dự án với tổng số vốn dự kiến lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Sông Đà Thăng Long mạo hiểm là một chuyện bình thường nhưng điều khó hiểu là không ít ngân hàng tiếp tay cho công ty bằng cách tiếp tục cho vay hàng nghìn tỷ bất chấp tình trạng rủi ro đang hiện diện.

Thuyết minh báo cáo tài chính Q1/2013 của STL cho thấy, vào thời điểm 31/2013 công ty vẫn đang vay ngắn hạn 5 ngân hàng với tổng cộng số tiền là 525 tỷ đồng. Có hai ngân hàng cho vay nhiều nhất NH TM CP Quân Đội 250 tỷ đồng, tiếp theo là Ngân hàng An Bình 214 tỷ đồng. Ngoài số tiền vay ngắn hạn ngân hàng STL còn vay tổ chức và cá nhân 127 tỷ đồng. Chắc chắn một điều là dòng tiền kinh doanh của STL sẽ không đủ để thanh toán cho nợ ngắn hạn và lãi suất phát sinh.

Tuy nhiên, số nợ ngắn hạn của STL cũng chưa thấm tháp vào đâu so với con số 2.389 tỷ đồng nợ dài hạn. Cụ thể, số nợ vay dài hạn của tổ chức tín dụng lên tới 741 tỷ đồng. Trong đó Ngân hàng Quân đội – CN Mỹ Đình tiếp tục gánh 107 tỷ đồng, còn Công ty Tài chính CP Sông Đà và Tài chính CP Điện Lực lần lượt là 450 và 128 tỷ đồng.

Một khoản nợ rất lớn trong nợ dài hạn 1.479 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Những thông tin chi tiết về về trái phiếu này không được thuyết minh trên báo cáo tài chính. Tuy nhiên, các thông tin trước đó cho biết trong số đó có 1.000 tỷ đồng phát hành 2 đợt mỗi đợt 500 tỷ đồng vào cuối quý 3 và quý 4 năm 2010 để thực hiện dự án Usilk City. Ba công ty tài chính là Sông Đà, Điện Lực, Than – Khoáng sản mua 600 tỷ đồng trái phiếu của STL. Cho đến nay một phần trái phiếu đã đến hạn thanh toán nhưng STL vẫn chưa thể trả được tiền.

Hiện nay, toàn bộ số tiền mà STL vay đều đang nằm trong hàng tồn kho, chi phí xây dựng dỡ dang tại hàng loạt sự án mà công ty đang đầu tư như Usilk City (Hà Nội), chung cư cao cấp Sao Mai (TP HCM), Khách sạn 5 sao (Huế), Khu Đô thị biển An Viên (Nha Trang)… Ngoài ra, gần 700 tỷ đồng được STL đầu tư tài chính trong các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng họ hàng Sông Đà.

Điều đáng nói dù có trong tay rất nhiều hàng tồn kho, dự án bất động sản và cổ phiếu nhưng tính thanh khoản của những tài sản này rất thấp. Không chỉ có vậy, nếu có bán được thì giá trị thanh lý những tài sản này của STL cũng chưa chắc đủ gánh số nợ công ty. Có thể nói những chủ nợ là ngân hàng, công ty tài chính hiện nay chính là “con tin” của Sông Đà Thăng Long. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại có thể trở thành “con tin” và không biết nợ của STL được họ xếp vào nợ xấu hay chưa?

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.