15/03/2021 8:49 AM
CafeLand - Năm của Đại dịch Covid-19, lạm phát trở thành vấn đề nóng của toàn cầu. Đặc biệt, gần đây, tháng 2/2021, lạm phát Việt Nam tăng 1,5% so với tháng đầu năm, mức tăng cao nhất trong 8 năm qua.

Nỗi lo lạm phát toàn cầu

Diễn biến lạm phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, chính sách tài chính – tiền tệ, chỉ số giá tiêu dùng, giá nguyên liệu thô, giá xăng dầu, tỷ giá hối đoái. Năm 2020, Covid-19 khiến nền kinh tế toàn thế giới tê liệt. Năm 2021 được trông đợi là năm phục hội và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, song song với đó lạm phát đang trở thành nỗi lo của nhiều quốc gia.

Để kích thích kinh tế trước sốc đại dịch Covid-19, nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương bơm hàng tỷ USD giúp nền kinh tế sớm hồi phục. Điển hình, mới đây Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngay khi lên nắm quyền, đã công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, lên tới 1.900 tỷ USD. Chính việc “bơm tiền” này làm dấy lên lo ngại về lạm phát.

Đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ trước đây nay.

Các ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và JP Morgan nhận định một siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa dài hạn đã bắt đầu, căn cứ vào 6 yếu tố như phục hồi kinh tế, nới lỏng định lượng, các kế hoạch kích thích kinh tế, giá trị đồng đô-la Mỹ giảm, lạm phát và chính sách thân thiện với môi trường.

Ngân hàng JP Morgan cho rằng có thể một siêu chu kỳ tăng giá nguyên liệu thô dài hạn đang đến gần. Quả thực, giá nguyên liệu thô đầu năm nay đang tăng trở lại. Cụ thể, giá đồng, nguyên liệu vô cùng quan trọng phản ánh nền kinh tế phục hồi hay suy thoái, đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Giá các kim loại công nghiệp như nhôm, paladi, kẽm, coban cũng tăng mạnh.

Tương tự, giá dầu thô cũng đạt mức cao nhất trong vòng một năm qua. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng dầu tỷ lệ thuận với sự phục hồi kinh tế. Chẳng hạn, giá dầu thô Tây Texas (WTI) đã giảm chỉ ở mức 37,6 USD/thùng trong năm ngoái khi kinh tế suy thoái, gần đây đã vượt qua 70 USD/thùng.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ số giá tiêu dùng của các nước phát triển sẽ tăng 1-2% trong năm nay trong khi năm ngoái chỉ số giá tiêu dùng gần như giữ nguyên mức 0%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ, lên đến 0,9%. Chỉ số lạm phát lõi tăng còn mạnh hơn, tăng từ 0,2% của tháng 12/2020 lên 1,4% của tháng 1/2021.

Nước Mỹ, nền kinh tế dẫn dắt các chính sách của thế giới, đang đứng trước lo ngại về lạm phát tăng trở lại, thể hiện qua lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng trở lại sau khi đạt mức thấp vào tháng 8 năm ngoái.

Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s Analytics cảnh báo rằng "Áp lực lạm phát sẽ ập đến rất nhanh. Lạm phát sẽ ảnh hưởng đến mọi "ngõ ngách" của thị trường tài chính, từ các ông lớn công nghệ cho đến các giao dịch theo chu kỳ. Tôi nghĩ rằng đến lúc đó sẽ không có bất kỳ hầm trú ẩn nào".

Nỗi lo không của riêng ai

Năm Covid-19 là năm mà việc bơm tiền xảy ra trên khắp thế giới và Việt Nam không ngoại lệ. Việc chính sách tiền tệ nới lỏng và tiền rẻ tiếp tục được duy trì để phục vụ phục hồi kinh tế, gây những áp lực không nhỏ đến nỗ lực kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm 2021. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2021 tăng 1,52% so với tháng trước, tăng 1,58% so với tháng 12/2020 – mức tăng cao nhất trong 8 năm gần đây.

Giá lương thực và chi phí vận tải tăng cũng góp phần đẩy chỉ số lạm phát lên cao, 2 chỉ số chiếm tỷ trọng 34% và 10% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng chung. Trong đó, chi phí vận tải tăng mạnh do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng kéo dài từ năm ngoái. Mức tăng này sẽ gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất cũng như giá tiêu dùng trong ngắn hạn.

Giá điện tăng mạnh được xem là một động lực chính. Theo Tổng cục Thống kê, giá điện đã tăng 20% ​​so với tháng trước. Giá thịt heo tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong 2 tháng đầu năm 2021. Giá ngũ cốc toàn cầu cũng đang tăng cao gây ra nhiều rủi ro tăng giá mạnh.

Đặc biệt, ảnh hưởng từ giá xăng dầu quốc tế tăng, tăng kỷ lục 7 tuần tăng liên tiếp, chạm mức cao nhất trong 14 tháng gần nhất. Có thời điểm giá xăng RON95 đã tăng lên mức 76,39 USD/thùng, xăng RON92 đạt 74,56 USD/thùng.

Theo đó, giá xăng bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng gần 800 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng bán lẻ E5RON92 và RON95 đã lần lượt tăng lên 17.722 và 18.881 đồng/lít (đợt điều chỉnh ngày 12/3)

Không chỉ là giá xăng dầu, trang điện tử Financial Time ngày 17/2/2021 đăng đánh giá của giới chuyên gia rằng, nguyên liệu thô toàn cầu đang đứng trước “siêu chu kỳ tăng giá”.

Ngoài các yếu tố cung và cầu, tỷ giá hối đoái cũng là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lạm phát khi Việt Nam là quốc gia xuất - nhập khẩu cao. Hiện, tỷ lệ chuyển giao của tỷ giá ngoại hối của Việt Nam cao nhất trong khối ASEAN.

PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng “Diễn biến lạm phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tốc độ tăng trưởng kinh tế, chính sách tài chính - tiền tệ, công tác quản lý giá cả thị trường. Năm ngoái, chúng ta đặt mục tiêu lạm phát 4% và đã hoàn thành tốt. Cần lưu ý rằng, mức lạm phát này đạt được trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,91%. Còn năm nay, mục tiêu tăng trưởng GDP là 6% thì mục tiêu lạm phát 4% sẽ là một thách thức không nhỏ”.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
Hiếu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.