18/02/2015 10:16 AM
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứ quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng 2015 là năm được kỳ vọng có nhiều sự thay đổi về thể chế, chính sách... Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta phải chờ thêm ít nhất 5 năm.

Nhiều cơ hội cải cách

Ông đánh giá như thế nào về những tác động tích cực của thay đổi thể chế 2014 đến môi trường kinh doanh Việt Nam cũng như cơ hội cải cách về thể chế trong 2015?
TS. Nguyễn Đình Cung: Trong năm 2014 quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp được mở rộng và được đảm bảo một cách chắc chắn hơn. Doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm, các rào cản thị trường được giảm bớt và doanh nghiệp được tạo thuận lợi trong kinh doanh.

Trong giai đoạn 2015 - 2016, đây là các năm kết thúc nhiệm kỳ cũ, khởi đầu nhiệm kỳ mới, tôi nhìn thấy có nhiều cơ hội cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế.

Về mặt thể chế, trong năm 2015 - 2016 sẽ tiếp tục tiến hành sửa đổi nhiều luật và bộ luật quan trọng như Bộ luật Dân sự, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Đó là những đạo luật tạo ra khuôn khổ nền tảng thể chế kinh tế thị trường.

Cụ thể, năm 2015 sẽ sửa Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, cần thay đổi từ vai trò, chức năng, cơ cấu, cách thức quản lý nhà nước và thị trường. Cần nhấn mạnh hơn yếu tố duy trì trật tự thị trường, hình như chúng ta quá coi nhẹ hoặc quan niệm chưa phù hợp về trật tự thị trường.

Chúng ta hay dùng các bộ, UBND tỉnh để can thiệp và làm thị trường méo mó, chia cắt, không thúc đẩy tính cạnh tranh. Do vậy, vấn đề không chỉ là thay đổi vai trò, chức năng của nhà nước nói chúng, Chính phủ nói riêng mà cần thay đổi cách thức, quản lý nhà nước.

Cần thiết lập các tổ chức, cơ quan chuyên trách độc lập để duy trì trật tự thị trường, giảm chi phí thủ tục hành chính, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém buôn lậu, kiểm soát độc quyền.

Bên cạnh đó, làm sao để hợp đồng giao dịch trên thị trường tự do hơn, chi phí giao dịch được giảm xuống, giao dịch được an toàn hơn, xử lý tranh chấp thật hiệu quả và nhanh gọn, việc gia nhập thị trường thuận lợi hơn, thông thoáng hơn nữa... từ đó thúc thẩy hoạt động kinh doanh một cách lành mạnh.
Những bộ luật và luật sửa đổi trong 2015 -2016 Bộ luật Dân sự, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ giúp giải quyết các vấn đề tồn tại trên.

Tôi cho rằng, năm 2015 có cơ hội thay đổi rất lớn, nhưng nếu không tận dụng được thì có thể phải chờ ít nhất 5 năm sau mới làm được. Điều đó rất đáng tiếc.

Về triển vọng chung của nền kinh tế trong năm 2015 thì sao, thưa ông?

Kinh tế vĩ mô đang được ổn định và củng cố vững chắc. Tín hiệu phục hồi tăng trưởng đã rõ hơn song vẫn còn thấp xa so với mức trung bình năm 1990 - 2010.

Về triển vọng kinh tế vĩ mô cho năm 2015, trong điều kiện bình thường, dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay có thể ở mức 6,02%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với năm 2014.

Thâm hụt thương mại sẽ lên tới khoảng 3,9 tỷ USD, chủ yếu do giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu thô. Trong khi đó mức giá tiêu dùng sẽ khoảng hơn 4%, cao hơn so với năm 2014.

Phải làm doanh nghiệp Việt mạnh lên!

Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Thái Lan đang thực hiện ý đồ đưa các kênh phân phối vào Việt Nam trước, sau đó khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập (cuối năm 2015) sẽ đưa các doanh nghiệp sản xuất vào, và chèn ép các doanh nghiệp Việt Nam?

Mình đừng có cái nhìn bi quan thế. Phải nhìn theo hướng tại sao điều kiện như nhau mà họ có cơ hội còn mình lại không. Từ đó đi tìm kiếm cơ hội do thị trường mang lại.

Cũng đừng nhìn cho rằng nên hạn chế họ. Phải tự hỏi tại sao doanh nghiệp Việt Nam không làm được như vậy, từ đó có những chính sách nâng đỡ họ, hỗ trợ khuyến khích họ, tạo điều kiện về thể chế để thúc đẩy họ, để các doanh nghiệp có cơ hội cùng thắng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, càng phản đối thì càng thua thiệt. Họ vào là hiện tượng khách quan bình thường, đừng hạn chế hay cấm đoán họ.

Thế còn vấn đề mình sẽ quản lý cạnh tranh bình đẳng như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng cần nhấn mạnh hơn việc quản lý cạnh tranh, kiểm soát loại bỏ các phân biệt đối xử bất đình đẳng.

Nếu các doanh nghiệp nước ngoài vào đây thực hiện hành vi tạo ra phân biệt đối xử thì ta sẽ phải can thiệp để thiết lập lại thị trường. Cùng với đó là phải nâng đỡ các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Chính sách hiện hành đang có xu hướng tăng ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt với dự án lớn, có thể tạo hệ lụy cho ngân sách. Nhiều bằng chứng cho thấy FDI có tác động chèn lấn đến doanh nghiệp trong nước.

Nhưng ông Trương Đình Tuyển cũng đã từng nói nói không thể có chuyện ưu đãi ngược, ưu tiên cho doanh nghiệp nước ngoài rồi đến doanh nghiệp nhà nước rồi mới đến doanh nghiệp tư nhân được.

Nói như thế không có nghĩa là rút ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài mà phải nâng ưu đãi đối với doanh nghiệp Việt Nam lên để đảm bảo sự cân bằng, cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Xin cám ơn ông!

Mạnh Nguyễn (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.