CafeLand - Trên đây là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) khi nói về sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (Siêu Ủy ban) trong thời gian tới.

Trong hội thảo “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng chia sẻ: Tôi thấy tâm lý chần chừ, phân vân của anh em đang trong trạng thái chuyển đổi từ các Bộ chuyên ngành về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. "Vậy nên, nhiều dự án đang trong giai đoạn chờ chuyển đổi. Nó khiến đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước giảm sút”.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM

Theo ông Cung, dù về lý thuyết, sự chuyển giao nguyên trạng sẽ ít mang lại xáo trộn, nhưng tâm lý chờ đợi, không muốn thực hiện khi chưa biết chắc sẽ về đâu trong các doanh nghiệp Nhà nước là có.

Ông Cung đề xuất, cần giao cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước những nhiệm vụ đủ cao để những người tài mới có thể hoàn thành chứ không giao những nhiệm vụ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành.

“Nếu giao nhiệm vụ đủ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành thì việc bổ nhiệm cán bộ sẽ trở nên lung tung vì bất cứ ai vào đó cũng có thể hoàn thành công việc, hưởng mức bổng lộc rất lớn. Đó cũng là cách để loại bỏ con ông cháu cha được bổ nhiệm vào vị trí quản lý doanh nghiệp Nhà nước”, ông Cung giải thích.

Theo thống kê, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 doanh nghiệp giao "Siêu Ủy ban" làm đại diện chủ sở hữu là trên 820.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp gần 1,5 triệu tỷ đồng. Điều này tương đương Ủy ban nắm giữ gần 50% giá trị vốn nhà nước và tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

“Siêu ủy ban” đang xây dựng hệ thống cổng thông tin và sẽ quản lý doanh nghiệp trên cơ sở các bộ chỉ số. Việc tiếp cận doanh nghiệp sẽ dựa trên 3 yếu tố gồm: Mô hình công nghệ thông tin, Cơ sở dữ liệu trực tuyến và Giám sát, quản lý doanh nghiệp thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu. Từ đó, Ủy ban sẽ có cơ sở tham mưu cho Chính phủ cách quản lý vốn hiệu quả nhất.

Dự kiến, số lượng doanh nghiệp nhà nước chuyển giao về “Siêu Ủy ban” có cùng bộ chỉ số chung và chia nhỏ thành 4 nhóm với từng bộ chỉ số riêng. Việc áp dụng bộ chỉ số nhằm kết nối, giám sát và theo dõi trực tiếp hoạt động của doanh nghiệp để nắm việc tăng giảm giá trị vốn nhà nước, tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, đóng góp ngân sách, năng suất lao động, tiền lương…

Ngoài ra, Ủy ban còn cần xây dựng đội ngũ chuyên gia phân tích, đánh giá có chuyên môn và năng lực phù hợp để có thể đưa ra các quyết định kịp thời, hợp lý, trước hết là các phân tích cảnh báo, ngăn ngừa các nguy cơ gây thất thoát, mất vốn nhà nước, các dự án kém hiệu quả.

Dự kiến, Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thông qua, quá trình chuyển giao doanh nghiệp sẽ hoàn tất chậm nhất là vào cuối năm 2018. Để tránh xảy ra tình trạng chậm chuyển giao về Tổng Công ty đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) như trước kia, Nghị định quy định rõ chậm nhất trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, các bộ có liên quan và Ủy ban hoàn thành ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
  • VTC, CIPM không còn nằm trong danh sách quản lý của “Siêu Uỷ ban”

    VTC, CIPM không còn nằm trong danh sách quản lý của “Siêu Uỷ ban”

    CafeLand - Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo lần 2 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (Siêu Uỷ bản). Trong đó, số tổng công ty chuyển về cơ quan này quản lý đã giảm từ 21 xuống 19 so với dự thảo lần 1.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.