24/09/2018 8:31 AM
CafeLand - Ông Rechard Ker, Trưởng nhóm Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa Công ty Cyberjview (Malaysia), cho rằng để phát triển thành phố thông minh, trước tiên phải có hệ thống giao thông kết nối, bảo đảm giao thông thuận tiện trong đô thị.

Từ những bụi cỏ, lán trại với rắn

Malaysia đã đầu tư rất lớn để xây dựng hạ tầng cho đô thị Cyberjaya trong những năm đầu nhưng người dân lại không sử dụng. "Nếu có mặt ở Cyberjaya vào những năm đó, bạn sẽ khó lòng tưởng tượng được, vùng ven chỉ toàn rắn và khỉ lại có thể mọc lên một trung tâm công nghệ tầm cỡ thế giới”, ông Richard Ker cho biết.

Ông cho biết, trước khi Malaysia quyết định xây dựng đặc khu kinh tế vào năm 1997, tất cả những gì Cyberjaya có chỉ là những bụi cỏ mọc um tùm, lán trại và những căn nhà thấp tầng lụp xụp.

Song, lãnh đạo nước này nhận ra vùng đất tưởng chừng chỉ có sỏi và đá lại mang một ý nghĩa quan trọng về mặt địa lý. Nằm giữa thủ đô Kuala Lumpur và sân bay quốc tế, có thể xem Cyberjaya là vị trí trung chuyển lý tưởng cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất và sáng tạo công nghệ.

Tuy nhiên, theo ông Richard Ker, mặc dù Cyberjaya có vị trí đắc địa, nhưng đường cao tốc giữa sân bay và thủ đô lại không chạy qua. Chưa kể, khi vừa mới đi vào xây dựng, Malaysia lại gặp khủng hoảng kinh tế năm 1999, khiến việc kết nối giao thông lại càng khó khăn hơn.

Đường đi xấu, thời gian xây dựng và hoàn thiện cao tốc kéo tài, Chính phủ Malaysia khi đó đã phải khéo léo sử dụng biện pháp tình thế là điều chỉnh tuyến tàu điện hướng vào khu đô thị này. Thế nhưng, sự bất tiện là điều không tránh khỏi, số chuyến tàu phục vụ hạn chế, số lượng hành khách bị giới hạn.

Khó khăn dường như đã tạo động lực cho các phát kiến về giao thông ra đời. Hệ thống Cyberjaya BTS là một ví dụ. Cyberjaya BTS được hiểu là dịch vụ giao thông chuyên biệt, cho phép cư dân dễ dàng đặt lịch di chuyển trực tuyến 24/7. Nhờ được lên lịch trước, dịch vụ này đón khách tận nhà và trở tới bất kỳđâu trong khu đô thị.

Song song với đó, đường cao tốc kết nối với Kuala Lumpur được gấp rút hoàn thiện, giúp cắt giảm thời gian di chuyển từ một tiếng thành 25 phút.

Trong thành phố, các dịch vụ di chuyển tân tiến bắt đầu ra đời. Socar - một startup đến từ Hàn Quốc-đã tung ra dịch vụ thuê xe ô tô, bằng cách hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng, chọn xe gần nhất, chỉ cần đưa ứng dụng vào gần cửa xe để mở và cứ thế lái đi.

Về mặt chính sách, Chính phủ Malaysia dành cho vùng đất này tất cả những ưu đãi tốt nhất. Từ bảo lãnh để các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng thành lập và phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện… cho tới miễn thuế 10 năm đầu tiên, tạo điều kiện để nhân công nước ngoài làm việc và sinh sống tại Malaysia.

Sau 22 năm hình thành và phát triển, Cyberjaya hiện đã là một đô thị thông minh có diện tích lên tới 7.000 ha- tương đương 3.500 sân bóng đá và dân số 103.000 người, chủ yếu nằm trong độ tuổi 20 - 49.

Tính trong 10 năm gần nhất, đô thị này nhận đầu tư 1,87 tỉ USD, đón 486 công ty thành lập, gồm những tên tuổi lớn như Dell, IBM, Huawei… và tạo ra trên 40.000 việc làm. Những con số biết nói này đã cho thấy quyết định của lãnh đạo Malaysia khi đó là thức thời.

Đến những toà cao ốc, thương mại

Ông Richard Ker chia sẻ, từ kinh nghiệm phát triển và quản lý đô thị thông minh kiểu mẫu Cyberjaya, họ đúc rút ra nhiều bài học quý báu.

Bài học đầu tiên là việc tạo ra hệ thống giao thông kết nối và đảm bảo giao thông trong thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ sở hạ tầng tốt, môi trường thành phố đáng sống.

Từ một khu mỏ, Cyberjaya mọc lên nhiều tòa nhà, chung cư, văn phòng san sát nhau. Nhưng tại đây không hề thiếu các công viên cây xanh, có hồ điều hòa, cũng như các khu vực đi bộ, tập thể dục cho các cư dân.

Trước khi Malaysia quyết định xây dựng đặc khu kinh tế vào năm 1997, tất cả những gì Cyberjaya có chỉ là những bụi cỏ mọc um tùm, lán trại và những căn nhà thấp tầng lụp xụp.

Cyberiaya xây dựng công viên hồ điều hòa lớn phục vụ cho người làm việc sau 5h chiều đến thư giãn, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng khác dùng điện mặt trời, thu nước mưa, xây dựng khu thương mại phục vụ nhân dân…

Một trong những kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh còn có hệ sinh thái công nghệ. Theo ông Rechard Ker, việc có hệ sinh thái công nghệ sẽ giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Chính quyền thành phố cung cấp không gian làm việc cho doanh nghiệp khởi nghiệp, không phải trả chi phí thuê mặt bằng.

Ngoài ra, chính quyền thành phố còn phối hợp với các cơ quan Chính phủ, hình thành không gian làm việc chung (co-working space), mời các nhà đầu tư trong nước và khu vực đến thành phố thuyết trình kế hoạch kinh doanh của họ. Đến nay, Cyberjaya đã giúp đỡ 430 doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động. Đó cũng nằm trong ý tưởng phải phát triển được đội ngũ nhân tài, xây dựng trường đại học riêng đào tạo kỹ sư để có thể tuyển dụng sinh viên khi ra trường.

Chính quyền thành phố xác định, phải suy nghĩ, làm việc như những công ty khởi nghiệp. Nghĩa là khi gặp các vấn đề gì, phải có tư duy như khởi nghiệp có thể điều chỉnh, thực hiện công việc, và đặc biệt luôn phải truyền thông tới công chúng những việc mình đang làm.

Một bài học khác không kém phần quan trọng được chuyên gia Richard Ker nhắc đến: “Ở Cyberjaya không có chuyện bạn sẽ được làm việc một mình”.

Bởi theo ông, thách thức lớn nhất khi bắt tay xây dựng một thành phố thông minh là, mọi người ai làm việc nấy và không có sự liên quan, liên kết tới nhau.

Dẫn chứng là Cyberjaya đã thành lập một hội đồng gồm ba bên: trung tâm khởi nghiệp (gồm các doanh nghiệp, startup), đại diện địa phương và công ty đảm nhiệm xây dựng Cyberjaya, với mục tiêu ba tháng nhóm họp một lần.

Áp dụng vào thực tế, ngay khi một vấn đề, một điểm đen được nêu ra, Cyberjaya sẽ nhóm họp các bên và lập tức đưa ra phương án điều chỉnh. Bởi mục tiêu cuối cùng vẫn là giải quyết nhanh, triệt để, tránh để tình trạng tiếp diễn kéo dài.

“Nếu Cyberjaya xử lý các vấn đề chậm trễ, cập nhật kém so với thời đại, sẽ không ai coi đây là đô thị thông minh nữa. Do đó, hội đồng đi tới thống nhất, chúng tôi luôn phải suy nghĩ như một công ty khởi nghiệp”, ông Richard Ker nói.

Bài học cho Việt Nam

Để thực hiện được tất cả những điều đó, chiến lược xuyên suốt tại đô thị thông minh Cyberjaya là công nghệ sẽ được áp dựng vào từng con phố, căn nhà, cũng như người dân. Yếu tố cộng đồng sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó là tích cực tuyên truyền, kết nối các doanh nghiệp lại với nhau.

Quay trở lại vấn đề tại Việt Nam, ông Richard Ker cho rằng, việc áp dụng ngay lập tức toàn bộ các kinh nghiệm trên là điều khó thực hiện.

Do đó, Việt Nam nói chung, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng nói riêng chỉ nên chọn ra hai đến ba điểm để áp dụng dần dần vào thực tế.

Ông đề xuất, trước hết, Việt Nam nên tập trung vào việc xây dựng một cộng đồng thông minh. Bởi khi bắt đầu xây dựng một đô thị kiểu mẫu như Cyberjaya, người dân nên được đưa lên hàng đầu.

“Các bạn nên tư duy như một công ty khởi nghiệp. Giải pháp mà các bạn đưa ra phải là thứ mà người dân thực sự cần. Từ việc tham khảo ý kiến, cho tới gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về các vấn đề trong cuộc sống. Bởi nếu tất cả những gì các bạn đưa ra chỉ cho thấy sự tốn kém, mất thời gian, họ chắc chắn sẽ không ủng hộ”, ông Richard Ker nhấn mạnh.

Nhìn từ kinh nghiệm xây dựng đô thị Cyberjaya, vị này cho biết, ban đầu Malaysia đưa ra rất nhiều kế hoạch tổng thể. Tuy nhiên, chỉ 10 - 20% trong số đó là thực sự khả thi.

Điều này dẫn tới, trong khoảng 10 năm đầu hình thành, đô thị này dù được rót hàng triệu USD để xây dựng hạ tầng. Nhưng cuối cùng, người dân lại không dùng. Do vậy, Việt Nam muốn phát triển thành phố thông minh thành công, cần thí điểm từng bước, từ đó kịp thời điều chỉnh, tránh sai phạm, lãng phí.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội,đánh giá tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường.

Thành phố sẵn sàng hướng tới một mô hình thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Khi hình thành các dịch vụ công, Hà Nội sẽ định hình, phân loại dần trên tinh thần dịch vụ công nào tư nhân có thể làm được thì chuyển cho tư nhân làm. Các nguồn lực sẽ được huy động từ người dân và dịch vụ người dân sử dụng. Thành phố cũng có chủ trương xã hội hóa các hình thức thuê dịch vụ liên quan, phần mềm, hạ tầng cua các doanh nghiệp trên tinh thần thuê tối đa từ đường truyền, bảo mật, viết phần mềm...

  • Bảy giải pháp phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

    Bảy giải pháp phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

    CafeLand - Tại phiên giới thiệu về đô thị thông minh trong khuôn khổ IREC 2018, TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), đã chỉ ra những vấn đề trong câu chuyện phát triển đô thị tại Việt Nam. Ông đã đưa ra 7 giải pháp ứng dụng phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.