08/09/2018 8:17 AM
CafeLand - Tại phiên giới thiệu về đô thị thông minh trong khuôn khổ IREC 2018, TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), đã chỉ ra những vấn đề trong câu chuyện phát triển đô thị tại Việt Nam. Ông đã đưa ra 7 giải pháp ứng dụng phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Nhiều tồn tại trong hệ thống đô thị

Sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế, hệ thống đô thị Việt Nam đã và đang phát triển cả về lượng và chất. Cả nước đã có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5% (năm 2017). Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, được phát triển mở rộng về qui mô đất đai, dân số, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế.

Theo ông Văn, sự phát triển nhanh của hệ thống đô thị Việt Nam trong những năm qua có sự đóng góp lớn từ tăng trưởng của thị trường bất động sản. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, làm thay đổi diện mạo các đô thị. Các dự án bất động sản hiện nay đã được quy hoạch, xây dựng theo mô hình tổ chức không gian đa chức năng gồm nhà ở, thương mại, dịch vụ, giải trí… với kiến trúc hiện đại đã trở thành các trung tâm mới thu hút cộng đồng, góp phần làm phong phú không gian và hệ thống công trình nhà ở và dịch vụ đô thị.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các dự án khu nhà ở, khu đô thị đã góp phần nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng, phát triển các dịch vụ, tiện ích đô thị cả về số lượng và chất lượng. Sự tăng trưởng của thị trường bất động sản từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TS. Nguyễn Tường Văn.

Tuy nhiên, ông Văn cũng cho rằng, hệ thống đô thị nói chung và thị trường bất động sản nói riêng hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Mô hình tăng trưởng đô thị chưa đa dạng, tăng trưởng thiếu bền vững, năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế. Sử dụng tài nguyên đất đai đô thị chưa hiệu quả, phát triển các dự án nhà ở, dự án khu đô thị còn dàn trải, thiếu thông tin về nhu cầu của thị trường. Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật khung đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, kết nối giữa khu vực phát triển mới và khu vực hiện hữu, dẫn đến những vấn đề như ngập lụt, ách tắc giao thông trong đô thị.

Thị trường bất động sản đã từng bước được hoàn thiện và phát triển mạnh, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ, thiếu tính ổn định và bền vững, đã có thời kỳ tăng trưởng quá nóng có lúc tạo “bong bóng”, có lúc “đóng băng”. Hệ thống thông tin về thị trường còn thiếu độ tin cậy và chưa thực sự minh bạch; chưa có nhiều hình thức, giải pháp huy động các nguồn lực xã hội cho thị trường bất động sản.

Những năm qua, thị trường bất động sản chỉ sôi động chủ yếu tại các khu vực đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Tại các đô thị vừa và nhỏ sức hút về di dân nhập cư không cao, hoạt động kinh doanh bất động sản còn thiếu hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu là do các đô thị vừa và nhỏ tiềm năng phát triển chưa nhiều do thiếu kết nối liên vùng, ít cơ hội việc làm và điều kiện cơ sở hạ tầng trong đô thị còn khó khăn.

Xu hướng đô thị thông minh

Trong xu thế toàn cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, phát triển đô thị thông minh đã và đang trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới bởi những lợi ích cụ thể trong việc cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản trị đô thị cũng như nâng cao chất lượng của các đô thị.

Với mục tiêu phát triển đô thị thông minh Việt Nam một cách thống nhất, ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 tầm nhìn 2030 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg.

Theo ông Văn, với thực trạng tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế bao gồm cả về tài chính và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các quốc gia phát triển, có kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh.

Ông Văn đưa ra 7 giải pháp ứng dụng đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bền vững.

Thứ nhất, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của xã hội, thị trường bất động sản;

Thứ hai, bổ sung hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh; hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình hình thành và phát triển; ban hành các hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, vận hành, kiểm soát quá trình phát triển đô thị để cộng đồng có thể tham gia cùng xây dựng và phát triển;

Thứ ba, áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị để từng bước chuẩn hóa các quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị và nhà ở, xây dựng công trình và tối ưu hóa hiệu quả công tác quản lý vận hành;

Thứ 4, nghiên cứu cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ các giải pháp mang tính đột phá cả về công nghệ và phi công nghệ như: mô hình tổ chức không gian đô thị; phát triển các loại hình công trình xanh, thông minh, các công trình có chức năng hỗn hợp (mô hình căn hộ khách sạn cho thuê; chung cư kết hợp với văn phòng hoặc với trung tâm thương mại, công trình đầu mối giao thông);

Thứ 5, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường; đảm bảo kết nối dễ dàng với các khu vực khác bằng nhiều hình thức đa dạng (đường sắt đô thị, xe bus, taxi); hệ thống các công trình hạ tầng xã hội cấp đô thị để nâng cao chất lượng tiện ích từ đó có thể gia tăng cơ hội giao dịch cho thị trường bất động sản;

Thứ 6, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức của cộng đồng xã hội bao gồm các mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý vận hành, hướng đến xây dựng cộng đồng dân cư có khả năng hội nhập, có khả năng tiếp cận, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin đồng thời cũng tạo cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển năng động, gia tăng phân khúc sản phẩm đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều cơ hội mới cho thị trường;

Thứ 7, nghiên cứu các chính sách thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản trong nước tăng quy mô về cả tài chính và phạm vi hoạt động.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.