“Hiện nay để giảm lãi suất, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Một trong những biện pháp kỹ thuật là giảm dự trữ bắt buộc. Nếu dự trữ bắt buộc hạ xuống, các ngân hàng sẽ giảm được chi phí đầu vào, đồng thời tăng thanh khoản trên thị trường”, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Vũ Viết Ngoạn, nói với TBKTSG.
Lãi suất luôn là một trong những mắt xích trọng yếu giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Muốn thế về lâu dài, nó phải được nhìn nhận cả từ góc độ của thị trường tài chính. Ảnh: THÀNH HOA
Theo ông Ngoạn, vẫn còn quan điểm cần cân nhắc có nên hạ lãi suất không vì e ngại lạm phát có thể cao trở lại. Giữa mục tiêu ổn định vĩ mô và tăng trưởng, nên ưu tiên cái nào? “Cá nhân tôi cho rằng lạm phát hiện chưa đáng ngại. Nếu chúng ta kiểm soát được lạm phát dưới 5%, ví dụ ở mức 4%, thì hoàn toàn có thể giảm lãi suất. Tất nhiên việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ cơ bản phải có lộ trình. Tăng trưởng năm nay khó khăn hơn, cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Ngoạn nói.
Giảm dự trữ bắt buộc không còn là câu chuyện mới. Nó đã được giới tài chính - ngân hàng khơi gợi từ nhiều tháng nay. Đến cuối năm 2015, tổng vốn huy động toàn hệ thống ở mức khoảng 5 triệu tỉ đồng, trong đó 80% bằng tiền đồng. Hiện dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng là 3% tổng huy động cho các kỳ hạn dưới 12 tháng và 1% cho kỳ hạn từ một năm trở lên. Phần lớn vốn huy động của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn, nên mức dự trữ bắt buộc 3% rất phổ biến. Tổng dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng, do đó, khoảng 120.000 tỉ đồng. Mức dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ cao hơn, 6-8% tùy kỳ hạn ngắn/dài. Tính ra dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng đang gửi ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thấp hơn 140.000-150.000 tỉ đồng.
Nay nếu dự trữ bắt buộc giảm về 2%, các ngân hàng sẽ có thêm 50.000 tỉ đồng vốn giá rẻ để cho vay. Còn nếu dự trữ bắt buộc hạ xuống 1%, con số trên lên tới 100.000 tỉ đồng - một nguồn vốn rất lớn.
Giữa các con số này là sự cân lên đặt xuống của nhà điều hành và mong mỏi của các chủ thể trên thị trường, đặc biệt doanh nghiệp.
Trước hết, mức dự trữ bắt buộc 3% của Việt Nam cao hay thấp? Ông Vũ Viết Ngoạn nhận xét mức 3% này so với Trung Quốc là thấp, so với các nước trong khu vực thuộc loại trung bình, còn so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu là cao. Tất nhiên chính sách tiền tệ còn phải dựa trên đặc thù từng quốc gia, khu vực.
Giảm dự trữ bắt buộc, về phía NHNN, là giảm đi các dư địa chính sách điều hành. Khi dự trữ bắt buộc cao, điều hành chính sách có điều kiện để linh hoạt hơn.
Đối với tổ chức tín dụng, giảm dự trữ bắt buộc sẽ tác động có lợi ngay lên giá thành huy động vốn, qua đó có thể hạ lãi suất cho vay. Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát biểu trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp ngày 29-4-2016 là giá vốn đầu vào đang ở mức 7,8%/năm; trong đó lãi suất huy động 4,9%/năm, dự phòng rủi ro 1,22%; dự phòng thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%. Chênh lệch lãi ròng (giữa giá vốn và cho vay) của các ngân hàng Việt Nam khoảng 0,7% trong khi của ngân hàng các nước trong khu vực là 2,2-2,5%. Lãi suất cho vay của Việt Nam bình quân 8,5%/năm còn của khu vực ASEAN khoảng 6-7%/năm.
Để lãi suất cho vay của Việt Nam ngang bằng các quốc gia ASEAN, một mặt các ngân hàng phải tiết kiệm mạnh chi phí, mặt khác NHNN giảm dự trữ bắt buộc và quan trọng hơn hết là tháo gỡ nợ xấu cùng các tài sản không sinh lời khác.
Một yếu tố không thể không nhắc đến đang gây áp lực lên lãi suất là trái phiếu chính phủ. Với việc phát hành trái phiếu chính phủ năm nay theo kế hoạch tới 220.000 tỉ đồng, trong đó 85% lượng mua thuộc về các ngân hàng thương mại, thì rõ ràng nguồn vốn giá thấp cho tín dụng đang bị san sẻ quá nhiều. Chỉ riêng trong bốn tháng đầu năm, theo BIDV, các ngân hàng đã nắm giữ 97.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ trong số 102.000 tỉ đồng được phát hành. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ của Kho bạc đang chèn ép nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vay!
Để cân bằng lợi ích giữa các bên và thuận lợi cho nhà điều hành cũng như ngân hàng, NHNN nên chăng hạ dự trữ bắt buộc và cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn này để đầu tư trái phiếu chính phủ. Như vậy các ngân hàng có thêm lợi nhuận, sử dụng được nhiều hơn vốn huy động để cung ứng cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo được cân đối ngân sách quốc gia từ nguồn huy động trái phiếu.
Lãi suất luôn là một trong những mắt xích trọng yếu giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Muốn thế về lâu dài, nó phải được nhìn nhận cả từ góc độ của thị trường tài chính. Vốn đầu tư cho nền kinh tế không thể chỉ mãi trông cậy vào ngân hàng, còn kênh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp 10 năm nay vẫn đì đẹt. Càng ngày huy động vốn qua thị trường chứng khoán càng khó khăn hơn. Doanh nghiệp niêm yết hễ cứ ra kế hoạch huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu là cổ đông e ngại. Nhà đầu tư chỉ muốn nhận cổ tức tiền mặt hay chia cổ phiếu thưởng. Đóng tiền mua cổ phiếu họ không ham. Một khi thị trường vốn cứ teo tóp, vốn ngân hàng buộc phải phình ra từ nguồn huy động của dân cư để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế, sự khập khiễng không thể cứ để kéo dài.
Nên chăng NHNN hạ dự trữ bắt buộc và cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn này để đầu tư trái phiếu chính phủ. Như vậy các ngân hàng có thêm lợi nhuận, sử dụng được nhiều hơn vốn huy động để cung ứng cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo được cân đối ngân sách quốc gia từ nguồn huy động trái phiếu.
Lưu Hảo (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.