Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội không ít người bình luận, cho rằng đây là một dự báo quá lạc quan, thiếu chính xác. Tuy vậy, số liệu thông kế lại cho thấy quy mô của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam tính theo sức mua tương đương đã vượt qua Singapore từ hơn 20 năm trước; còn nếu tính theo giá hiện hành thì có thể vượt Singapore từ năm 2026 chứ không cần phải chờ đến năm 2029.
Hiểu đúng về quy mô nền kinh tế
"Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng này, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa", chuyên gia kinh tế Irvin Seah của DBS Bank tại Singapore nói trong báo cáo ra ngày 28/5. Như vậy, quy mô nền kinh tế mà vị chuyên gia của DBS nói đến ở đây thực chất được đo lường bằng tổng sản phẩm quốc nội theo giá hiện hành (GDP). Để hiểu rõ về khái niệm này trước hết chúng ta cần tìm hiểu thêm về khái niệm GDP.
GDP viết tắt của chữ Gross Domestic Product – Tổng sản phẩm trong nước là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm hoặc quý).
Trên thực tế, GDP được đo lường thông qua điều tra, khảo sát một nhóm doanh nghiệp, người dân nhất định, sau đó phải ước tính nên số liệu tổng thế cho một nền kinh tế. Chính vì lẽ đó GDP thường chỉ là một con số tương đối, chứ không phải con số chính xác. Nếu thay đổi cách tính thì con số GDP sẽ hoàn toàn khác. Bên cạnh GDP, người ta cũng có khá nhiều chỉ số khác để đo lường quy mô nền kinh tế như GNI, GNDI…
Việc so sánh GDP giữa các quốc gia cũng hết sức tương đối bởi giá cả thị trường ở mỗi quốc gia là hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, dịch vụ cắt tóc ở Việt Nam chỉ có giá 2 USD/lần, nhưng ở Singapore là 20 USD/lần, cao gấp 10 lần Việt nam, trong khi đó sản phẩm đầu vào đầu ra có thể hoàn toàn như nhau. Những sản phẩm không thể ngoại thương giữa hai quốc gia thường có giá rất khác nhau làm cho việc so sánh GDP giữa hai nền kinh tế thường không chính xác.
Để khắc phục điều này, các nhà kinh tế đưa ra khái niệm GDP theo sức mua tương đương (GDP PPP - purchasing power parity). GDP được đo lường tất cả hàng hóa dịch vụ ở các quốc gia khác nhau bằng cùng loại tiền tệ, cùng mức giá. Chẳng hạn, dịch vụ cắt tóc thực tế ở Việt Nam trị giá 2 USD, Singapore là 20 USD, tuy nhiên nếu lấy dịch vụ này chuẩn ở mức thì 10 USD, thì khi tính GDP PPP cho nền kinh tế ở Việt Nam và Singapore cùng lấy mức giá là 10 USD.
Thực tế việc tính GDP bằng chỉ số PPP cũng hết sức tương đối vì dựa vào rất nhiều giả định về hàng hóa, dịch vụ tương đương. Hiện nhiều tổ chức thực hiện việc tính này như gồm cả Quỹ tiền tệ quốc tế, Đại học Pennsylvania và Ngân hàng thế giới. Kết quả do các tổ chức khác nhau đưa ra cho cùng một quốc gia có thể có khác biệt, thậm chí khác biệt lớn. Các con số về sức mua tương đương (PPP) đối với nền kinh tế hay bình quân đầu người ở các quốc gia chỉ là ước tính chứ không phải thực tế.
Nguồn: WB
Trở lại với việc so sánh quy mô nền kinh tế Việt Nam và Singapore. Số liệu thống kê cho thấy, GDP Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 247 tỉ USD, trong khi đó GDP Singapore đạt 361 tỉ USD. Xét theo thu nhập bình quân đầu người thì ở Việt Nam chỉ đạt 2.587 USD, còn Singapore là 64.041 USD. Xét theo sức mua tương đương tổng GDP của Việt Nam năm 2018 là 716 tỉ USD, còn Singapore là 565 tỉ USD. Trong khi đó, xét về thu nhập bình quân đầu người theo sức mua tương đương thì giữa Việt Nam và Singapore lần lượt là 7.500 USD và 100.344 USD.
Như vậy, xét về quy mô nền kinh tế Việt Nam đã cao hơn Singapore tới 27%, nhưng xét về thu nhập bình quân đầu người theo sức mua tương đương thì người dân Singapore đang cao hơn Việt Nam khoảng 13,3 lần, còn theo giá hiện tại thì cao hơn 24 lần.
Nguồn: WB
Việt Nam sẽ vượt Singapore từ 2026
Xét về quy mô nền kinh tế theo theo USD giá hiện hành thì Hoa Kỳ hiện nay đang đứng đầu thế giới với 19.391 tỉ USD, chiếm 21% GDP toàn cầu. Quốc gia đứng thứ 2 là Trung Quốc với GDP là 1.238 tỉ USD. Như vậy, hiện GDP Trung Quốc đã bằng 65% kinh tế Mỹ, con số này cao hơn rất nhiều so với mức 35%, cách đây 10 năm. Xét về sức mua mua tương đương thì quy mô kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ từ năm 2013.
Theo quy luật phát triển kinh tế thì thường các nước có mức thu nhập bình quân càng cao thì tốc độ tăng trưởng càng chậm. Các nước có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn các nước có mức thu nhập cao. Singapore hiện nay là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, còn Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới do đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang cao hơn khá nhiều so với Singapore.
Thực vậy, tính từ năm năm 2011 đến nay tốc độ tăng trưởng GDP thực trung bình Việt Nam đạt 6,21%, trong khi Singapore chi đạt 3,86%. Tốc độ tăng trưởng GDP tính theo USD giá hiện hành trong giai đoạn này Việt Nam là 9,93%, còn Singapore là 4,74%. Như vậy, dù tính theo GDP thực hay GDP tình theo USD giá hiện hành thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn cao hơn Singapore khá nhiều.
Hiện nay, kinh tế Singapore chịu ảnh hưởng khá lớn từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. HongKong và Trung Quốc Đại lục là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Singapore. Tăng trưởng GDP quý 1-2019 của Singapore chỉ đạt 1,2%, trong khi đó Việt Nam đạt mức 6,79%. Theo dự báo của ADB thì tăng trưởng GDP của Singapore chỉ đạt mức 2-3% trong nhưng năm sắp tới.
Khác với Singapore, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi bởi chiến tranh thương mại. Thời gian sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc và cả những doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam. Do đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam là khá sáng sủa. Mức tăng trưởng trung bình có thể đạt 6,5% trong những năm tới.
Như vậy, với giả định tăng trưởng GDP tính theo USD giá hiện hành hàng năm Việt Nam có thể đạt 8%, còn của Singapore đạt 3% (giả định tỷ giá tương đối ổn định) thì chỉ đến năm 2026 thì quy mô kinh tế Việt Nam tính theo giá hiện hành sẽ vượt qua Singapore. Dù vậy, xét về mức sống người dân đo lường bằng GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương thì Việt Nam hiện nay vẫn còn kém hơn 13,3 lần so với Singapore.
Do đó, để đuổi kịp mức sống người dân Singpore hiện nay và mức tăng trưởng vẫn được duy trì như 10 năm gần đây thì Việt Nam cần 40 năm nữa. Trong khi đó, để đuổi kịp được thu nhập danh nghĩa của người dân sống ở Singapore thì kinh tế Việt Nam phải duy trì được mức tăng trưởng cao khoảng 6,5%/năm liên tục trong 60 năm, còn Singapore phải tăng trưởng ở mức khoảng 2%/năm. Đây là một kịch bản vô cùng khó diễn ra trên thực tế.
Nguồn: WB và dự báo của CafeLand
-
Xuất khẩu gạo 2024 dự kiến lập kỷ lục mới trên 8 triệu tấn
Nhiều tín hiệu tích cực cho thấy xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam sẽ tiếp tục lập mốc mới. Theo các chuyên gia, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục của năm 2...
-
Xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc 2024: Sẽ đạt mốc 200 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, trung bình mỗi tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt gần 17 tỷ và nhận định sẽ được duy trì trong 2 tháng cuối năm, đưa thương mại Việt Nam - Trung Quốc sẽ lập kỷ lục mới với 200 tỷ USD....
-
Hà Lan là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Âu
Hiện nay, Hà Lan đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất, là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Hà Lan ở khu vực châu Á, ...