05/09/2014 4:00 PM
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong vấn đề thành lập BQT (Ban quản trị) nhà chung cư chịu trách nhiệm cao nhất là UBND TP.

10% tòa nhà chung cư có BQT

Theo quy định, nhà chung cư phải có Ban quản trị. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhà chung cư được đưa vào khai thác sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức Hội nghị các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư.

Tuy nhiên, trên thực tế đa số nhà chung cư hiện nay trên địa bàn Hà Nội chưa có BQT. Thậm chí, nhiều chung cư đã đi vào hoạt động nhiều năm cũng vẫn chưa thể thành lập được BQT.

Mới đây, UBND TP Hà Nội cho biết, đến nay toàn thành phố mới thành lập được 79 Ban quản trị nhà chung cư hoặc cụm nhà chung cư, đang quản lý 95 trong tổng số 478 tòa nhà cao tầng. Như vậy, tỷ lệ nhà chung cư thành lập được ban quản trị chỉ chiếm trên 10% cũng đồng nghĩa với việc hàng vạn hộ dân đang không có người đại diện cho chính mình.

Khảo sát tại nhiều chung cư trên địa bàn các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân… hàng loạt khu chung cư cao tầng từ hạng sang đến bình dân dù đưa vào sử dụng từ lâu chung cư vẫn hoạt động trong cảnh không BQT.

Tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư có 47 tòa nhà và dự kiến thành lập 9 ban quản trị. Theo HUD, hiện tại đã lập được 3 ban quản trị.

Thông tin do HUD công bố mới đây, trong số 126 dự án đô thị, chung cư tại Hà Nội do tổng công ty này làm chủ đầu tư, HUD mới chỉ thành lập được 17 ban quản trị nhà chung cư. Dự kiến, số lượng ban quản trị sẽ tăng lên 38 trong thời gian tới.

Thời gian qua cho thấy, loạt tranh chấp trong quản lý, vận hành nhà chung cư gây nên sự bất ổn trong chính mỗi chung cư tạo nên nhiều bức xúc dư luận.

Như tại 2 tòa nhà chung cư NC1 và NC2 khu đô thị La Khê (quận Hà Đông) do Cty Cổ phần Coma 18 thuộc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (Bộ Xây dựng), dù đã đi vào sử dụng và hoạt động từ năm 2008 nhưng do không tìm được tiếng nói chung nên sau 7 năm vẫn không thể thành lập được BQT.

Từ việc không thành lập được BQT, không thống nhất được phí dịch vụ khiến những khúc mắc giữa cư dân và chủ đầu tư ngày càng bị đẩy lên cao. Người dân luôn phải sống trong cảnh bị chủ đầu tư dọa cắt điện cắt nước.

Đến ngày 22/6, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền quận Hà Đông, phường La Khê, Hội nghị thành lập Ban quản trị nhà chung cư NC1, NC2 La Khê đã được tổ chức.

Có thể nói, dù đã có quy định nhưng việc thành lập BQT tại các chung cư đến nay vẫn còn là hành trình dài.

TP phải chịu trách nhiệm

Trao đổi về việc thành lập BQT tại các chung cư hiện nay, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đáng lẽ ra sau khi có quy định về việc thành lập BQL chung cư, Sở Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm về lĩnh vực nhà ở này phải tập hợp và hướng dẫn kiểm tra thực hiện. Đó là pháp luật, không thực hiện thì phải có chế tài xử lý, không thể chấp nhận việc chỉ có 10% như một khách quan thế được.

“Theo tôi, ở đây trách nhiệm cao nhất là UBND TP Hà Nội. TP hỏi Sở Xây dựng đó là cơ quan giúp việc thôi. Còn chịu trách nhiệm trước nhân dân là UBND TP” – Ông Liêm nói.

UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các nhà chung cư, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc không thành lập Ban quản trị, báo cáo kết quả về UBND thành phố trong quý IV/2014.

Thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường hướng dẫn UBND các quận, huyện trong việc thành lập Ban quản trị; phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư như việc phân định sở hữu chung, riêng, nơi đỗ xe, sử dụng quỹ bảo trì…

Hồng Khanh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.