Những trường hợp bị lừa đảo hoặc tiền gửi tiết kiệm giảm giá trị do lạm phát, khách hàng phải chịu trách nhiệm với tài sản của mình.

Dư luận đang xôn xao với thông tin một số cán bộ hưu trí chỉ nhận được khoản tiền tương đương 3 tô phở sau 20 năm gửi tiết kiệm. Điều đáng nói, trước đây, số tiền này có thể mua được một căn hộ. Không chỉ vậy, những vụ lừa đảo khách hàng của cán bộ ngân hàng cũng khiến người dân lo lắng.

Phóng viên đã trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng về hiện tượng tiền tiết kiệm mất giá cũng như lừa đảo trong ngân hàng.

- Nhiều người dân đang khóc dở mếu dở vì tiền gửi ngân hàng mất giá sau một khoảng thời gian dài. Ngân hàng chỉ chịu chi trả số tiền gửi ban đầu kèm theo lãi. Như vậy có hợp tình hợp lý không?

Về vấn đề pháp lý, khách hàng phải chịu sự mất giá của đồng tiền vì tiền gửi ngân hàng là món cho vay chứ không phải khoản đầu tư. Đầu tư có nghĩa là phải có giá trị gia tăng. Còn cho vay nghĩa là chỉ nhận về số tiền đã cho vay kèm theo lãi được thỏa thuận trước.

Như vậy, ngân hàng vay 50 đồng thì chỉ phải trả 50 đồng. Hợp đồng tiền gửi là hợp đồng cho ngân hàng vay.

Về mặt pháp lý, ngân hàng đã hành xử hoàn toàn hợp lý. Nhưng xét về mặt kinh tế, xã hội, đây là bức xúc lớn. Ví dụ, ngày xưa, 100 đồng có giá trị lớn, tương đương cả triệu bạc bây giờ. Khách hàng bỏ số tiền lớn đó vào ngân hàng tiết kiệm bao nhiêu năm nhưng đến khi rút ra, tiền mất giá, giá trị còn lại không được bao nhiêu.

Vì vậy, khách hàng bức xúc là điều dễ hiểu vì họ bị thiệt hại khi gửi tiền nhưng ngân hàng không có nghĩa vụ phải đền bù.


- Trong những trường hợp này, ngân hàng nên xử lý như thế nào? Ngân hàng có nên chia sẻ với người gửi tiền không thưa ông?

Rất khó đòi hỏi ngân hàng chia sẻ. Thứ nhất, ngay cả ngân hàng cũng là “nạn nhân” của tiền gửi mất giá. Ví dụ 20 năm trước, ngân hàng gửi 50 đồng vào một tổ chức tín dụng nào đó thì bây giờ họ cũng chỉ nhận được khoản tiền đó.

Thứ hai nếu bây giờ đòi hỏi ngân hàng chia sẻ thì chia sẻ theo mức độ nào, công thức nào. 50 đồng ngày xưa nếu tính theo lạm phát có thể tăng hàng ngàn lần tại thời điểm hiện tại, nếu tính cả lãi. Nhưng không có công thức chung đền bù thiệt hại. Rất khó yêu cầu ngân hàng chia sẻ được.

Trong những trường hợp này, người gửi phải chịu chấp nhận thiệt hại thôi.

- Ngân hàng Nhà nước có nên đứng ra hỗ trợ khách hàng không thưa ông?

Có thể là Ngân hàng Nhà nước nên có động thái nào đó mang tính đền bù thiệt hại cho người gửi tiền. Có thể, Ngân hàng Nhà nước dùng một công thức nào để biến 50 đồng ngày xưa thành 50 triệu đồng bây giờ. Các cơ quan chức năng cao nhất có thể áp dụng đại trà công thức đó để đền bù thiệt hại.

Nhưng cũng cần phải nói thêm nếu Ngân hàng Nhà nước làm như vậy thì đó là những nỗ lực hỗ trợ, đãi ngộ với khách hàng – những người đã tin tưởng ngân hàng và gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Còn muốn đòi hỏi về mặt pháp lý thì không có cơ sở.

Ngân hàng không phải chịu trách nhiệm khi tiền gửi của khách hàng mất giá

- Hoạt động nhiều năm ở nước ngoài, ông đã chứng kiến những trường hợp như vậy chưa. Ngân hàng đã xử lý như thế nào thưa ông?

Ở nước ngoài có thể đã xảy ra những trường hợp như vậy, đặc biệt ở những nước có lạm phát cao nhưng mà tôi chưa từng chứng kiến ở một quốc gia nào đó Chính phủ đền bù thiệt hại cho khách hàng có tiền gửi tiết kiệm mất giá theo thời gian dài.

Ở bên Mỹ chẳng hạn trong mấy chục năm rồi cũng có lạm phát. Thế nhưng ở đây, tiền gửi tiết kiệm vẫn được xem là tiền gửi danh nghĩa, không phải khoản đầu tư.

Đó là trách nhiệm của người gửi tiền. Người gửi tiền cần biết giá trị đồng tiền thay đổi như thế nào theo thời gian dài. Nếu khách hàng không tự kiểm soát tiền gửi của mình thì không ai chịu trách nhiệm cho tài khoản của họ.

Tôi xin nhắc lại, tiền gửi là hình thức cho vay chứ không phải đầu tư. Đầu tư thì lời ăn lỗ chịu. Ví dụ mua khi mua 1 cổ phiếu, nhà đầu tư có thể lãi hoặc lỗ vì giá trị cổ phiếu tăng hoặc giảm theo thời gian. Còn cho vay 10 đồng sẽ nhận lại 10 đồng kèm lãi suất dù khách hàng có thể cho ngân hàng vay 10 năm, 20 năm hay thậm chí 100 năm.


- Sau khi qua đời, Nobel dành số tiền lớn lập quỹ để trao giải Nobel. Sau rất nhiều năm, đồng tiền trượt giá, tại sao giá trị giải thưởng Nobel vẫn rất lớn. Phải chăng Thụy Điển có chính sách hỗ trợ trượt giá cho những khoản tiền gửi dài hạn?

Thực ra những người quản lý quỹ Nobel bỏ tiền vào đầu tư. Tiền sẽ sinh ra tiền. Đó là nguyên tắc đầu tư. Tiền sẽ tăng theo thời gian. Thời gian là công cụ của đầu tư. Có thể so với thời điểm hiện tại, số tiền ban đầu của quỹ không quá lớn nhưng nhờ đầu tư mà nó phồng lên theo thời gian.

Nếu khoản tiền đó không được mang đi đầu tư mà chỉ gửi vào ngân hàng với khoảng thời gian lâu như vậy, giá trị của đồng tiền không những không tăng mà thậm chí còn giảm nhiều.

- Gần đây xảy ra một vài trường hợp nhân viên ngân hàng lừa đảo. Theo ông, ngân hàng phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Trong những trường hợp như vậy cần điều tra cặn kẽ trách nhiệm của ngân hàng, điều tra ngân hàng nhận tiền gửi đó như thế nào. Nếu ngân hàng nhận tiền gửi qua những quy trình đúng chuẩn mực của ngân hàng thì khi nhân viên lừa đảo, lấy tiền của khách, ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Nhưng nếu khoản tiền đó được gửi theo kiểu trao tay cho một cán bộ mà không theo quy trình chuẩn thì khi cán bộ đó thực hiện hành vi xấu, cần xem xét kĩ ngân hàng phải chịu trách nhiệm hay không. Chưa thể kết luận ngân hàng có “tội” được.

Vì vậy, khi gửi tiền, khách hàng cần xác định đó có phải nhân viên ngân hàng không. Ngay cả khi đó là nhân viên ngân hàng thì phải biết người đó có chức năng nhận tiền không. Giao dịch cần thực hiện tại ngân hàng và theo quy trình chuẩn. Nếu không thực hiện đúng điều này, khi tiền của khách bị thất thoát, ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bảo Linh (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.