27/03/2017 10:53 AM
Theo Dự thảo Luật Quy hoạch sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, có 14 bộ, ngành được tổ chức lập 37 quy hoạch ngành quốc gia khác nhau. Quy hoạch gắn liền với sử dụng đất, vì vậy, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nếu quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) không tích hợp sẽ phá nát cả hệ thống quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ông nhận định ra sao về thực trạng một khu đất có tới 4-5 quy hoạch?
Tình trạng này người ta gọi là quy hoạch chồng quy hoạch. Tình trạng này không hiếm, nếu không muốn nói là phổ biến. Hiện nay không chỉ có quy hoạch chồng quy hoạch, mà còn có không ít khu đất quy hoạch chống quy hoạch. Tức là cùng một khu đất đã được quy hoạch để làm việc gì đó, nhưng thời gian sau lại có quy hoạch khác chống lại quy hoạch đã được phê duyệt trước.
Thậm chí, có vị lãnh đạo đã quyết định quy hoạch khu vực nào đó, nhưng chỉ 2-3 năm sau lại công bố quy hoạch khác trên chính khu vực đó, chống lại quy hoạch được chính vị đó quyết định trước.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ
Chính vì vậy mới có tình trạng các đô thị đã và đang bị “băm nát”, thưa ông?
Có lẽ hiện nay, ngoại trừ TP. Đà Nẵng, còn hầu hết các đô thị đang bị “băm nát”. Vì sao lại có tình trạng này? Theo tôi, thứ nhất là do quy hoạch chồng quy hoạch.
Thứ hai, quy hoạch thay đổi theo tư duy nhiệm kỳ, vì nhiệm kỳ nào cũng muốn để lại “dấu ấn”.
Thứ ba, quy hoạch bị điều chỉnh liên tục, cứ 5 năm một lần, thậm chí 2-3 năm người ta đã điều chỉnh quy hoạch vì mục đích gì thì chỉ có người điều chỉnh quy hoạch mới biết.
Thứ tư, quy hoạch đang bị nhà đầu tư “dắt mũi”. Tôi xin nói thẳng rằng, bất cứ nhà đầu tư nào có tiền đều có thể dẫn dắt quy hoạch bằng cách rất đơn giản là đề nghị “cấp có thẩm quyền” điều chỉnh quy hoạch với rất nhiều lý do thuyết phục và với rất nhiều mỹ từ như “đường cong mềm mại”, “điểm nhấn không gian đô thị”, “điểm hội tụ”…
Người dân không nhìn thấy mềm mại, điểm nhấn, hội tụ ở đâu và cũng không nhìn thấy việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch có sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững hay không, mà chỉ thấy đất đai đô thị bị băm nát; công trình xây dựng lố nhố, không tuân theo bất cứ không gian kiến trúc nào; quy hoạch đô thị không tuân theo quy luật phát triển.
Ai cũng biết rằng, rất nhiều bản quy hoạch sau khi điều chỉnh lợi ích chắc chắn không thuộc về xã hội, Nhà nước, mà rơi vào túi nhà đầu tư và một số rất ít người.
Tựu chung lại của tình trạng này là chưa có cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch nên bộ, ngành, địa phương nào cũng có thể quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch một cách ngẫu hứng hoặc vì lợi ích cục bộ.
Có 14 bộ được tổ chức lập 37 quy hoạch ngành theo Dự thảo Luật Quy hoạch. Như vậy thì tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch, thậm chí quy hoạch chống quy hoạch như ông nói vẫn không khắc phục được?
Trước hết phải hiểu, quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững do Nhà nước đặt ra cho từng thời kỳ đã được xác định trước.
Quy hoạch ngành cũng phải thực hiện mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững do Nhà nước đặt ra cho thời kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm, thậm chí tầm nhìn 30 năm đến 50 năm đối với quy hoạch kết cấu hạ tầng.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ; hệ thống cảng hàng không; điện lực; hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt; hạ tầng thông tin và truyền thông cấp quốc gia… đều phải được phân bố và khoanh vùng đất đai trên cơ sở tiềm năng đất đai mới thực hiện được. Muốn không chồng chéo, mâu thuẫn, thì quy hoạch sử dụng đất phải được tích hợp, nếu không quy hoạch ngành sẽ phá nát quy hoạch tổng thể quốc gia.
Nhưng thưa ông, vấn đề là bộ nào cũng cho rằng quy hoạch ngành mình quan trọng nhất, cần phải được ưu tiên về đất đai, quy hoạch của bộ khác phải đi theo?
Không quy hoạch nào quan trọng hơn quy hoạch nào, không quy hoạch nào được thực hiện trước quy hoạch nào, mà như tôi nói, quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian để khai thác nguồn lực một cách hiệu quả nhất, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, vì vậy cần phải tích hợp các quy hoạch lại.
Tích hợp quy hoạch là việc kết hợp các quy hoạch để hình thành một trong các quy hoạch thuộc Hệ thống quy hoạch gồm quy hoạch cấp quốc gia (quy hoạch tổng thể, không gian biển, sử dụng đất và quy hoạch ngành quốc gia); quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Quy hoạch ngành phải phù hợp với quy hoạch tổng thể.
Với việc tích hợp quy hoạch thì không bộ nào dám cho rằng quy hoạch của mình quan trọng hơn, cần được ưu tiên, vì tất cả các quy hoạch phải nằm trong một thể thống nhất nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực.
Ông nói rằng, nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng quy hoạch “bát nháo” hiện nay là do chưa có cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch. Vậy theo ông, nhiệm vụ này nên giao cho cơ quan nào?
Theo tôi, nên giao nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện nhiệm vụ tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch phát triển, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế chung.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch không có nghĩa là cơ quan này đứng ra tổ chức lập và thực hiện quy hoạch, mà chỉ chủ trì, điều phối các bộ, ngành, địa phương lập và thực hiện quy hoạch. Ví dụ, trong một khu vực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Bộ Giao thông - Vận tải có quy hoạch hệ thống cảng biển.
Nếu không có một cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch đứng ra điều phối, tích hợp các quy hoạch này, tích hợp với quy hoạch sử dụng đất, thì sẽ dẫn đến phá nát cả hệ thống quy hoạch tổng thể quốc gia.
Mạnh Bôn (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.