25/10/2017 10:59 AM
Việc thu hút các nguồn lực tư nhân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) trong bối cảnh nguồn lực ngân sách ngày càng hạn hẹp, vốn ODA giảm mạnh khi Việt nam đã ở nhóm nước có thu nhập trung bình là điều vô cùng cần thiết.
Ông Naoyuki Yoshino
Và mấu chốt để làm được là tỷ lệ lợi nhuận cho nhà đầu tư (NĐT) phải cao hơn. Đây là quan điểm được ông Naoyuki Yoshino, Giám đốc Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) đưa ra trong trao đổi với TBNH.
Ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam hiện nay?
Việt Nam có lợi thế về chính trị ổn định và nhân công lao động có kỹ năng cao hơn ở nhiều nước trong khu vực. Nên tôi cho rằng các tiềm năng của Việt Nam vẫn có. Khi lương nhân công ở Trung Quốc tăng lên, nhiều DN đang chuyển đến Việt Nam, đó là một tín hiệu tốt.
Tôi nghĩ chính trị ổn định, chất lượng nhân công và chất lượng sản phẩm làm ra tốt là những yếu tố rất quan trọng. Và nếu duy trì được những yếu tố đó thì sẽ tiếp tục ngày càng có nhiều NĐT nước ngoài đến Việt Nam.
Nhưng với những lợi thế mà Việt Nam có như vấn đề nhân công có kỹ năng mà ông nói thì liệu có bị mất đi trước cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hay không?
Không hề. Bởi trong lịch sử vẫn luôn có các cuộc cách mạng như vậy. Sau mỗi cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thì cũng nhiều lao động bị mất việc, nhưng lại có những công việc mới được tạo ra. Như khi chúng ta có cuộc cách mạng về công nghiệp ô tô thì từ đó lại có thêm nghề sửa chữa ô tô.
Hơn nữa, đây cũng là vấn đề mà tất cả các nước đều phải đối mặt, không chỉ có riêng Việt Nam. Nên tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể tự điều chỉnh để có kỹ năng với những công việc mới.
Theo ông Việt Nam cần làm gì để có được tăng trưởng bền vững?
Để có được tăng trưởng bền vững thì có 3 yếu tố quan trọng: Cần tiếp tục đầu tư vào CSHT; Tập trung hỗ trợ các DNNVV, siêu nhỏ; Cải cách và hỗ trợ khu vực nông nghiệp.
Về vấn đề thứ nhất là đầu tư vào CSHT. Tại rất nhiều nơi, trong đó có Hà Nội, chúng ta thấy giao thông thường xuyên tắc nghẽn. Vì thế chúng ta cần có thêm các dự án nhưng đường cao tốc, đường sắt, hệ thống tàu điện ngầm… Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước đã thành công vì họ có được hệ thống giao thông công cộng rất tốt, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn thì làm sao Việt Nam có thể đầu tư nhiều hơn cho CSHT?
Để xây dựng được các hệ thống CSHT tốt thì việc thu hút được đầu tư tư nhân vào CSHT là rất quan trọng. Nhưng tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư CSHT hiện rất thấp bởi chủ yếu trông vào thu phí nên các NĐT tư nhân không mấy hào hứng khi đầu tư vào CSHT. Ý tưởng ở đây là làm sao phải tăng được tỷ suất lợi nhuận lên thì khi đó vốn từ các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí sẽ chảy vào lĩnh vực này.
Khi có các dự án CSHT như đường cao tốc, đường sắt ở khu vực nào đó thì kéo theo sự phát triển của các ngành nghề, khu công nghiệp… tức là sẽ có nhiều DN đi vào hoạt động hơn, họ sẽ tuyển dụng lao động nhiều hơn, giá BĐS cũng sẽ tăng lên… qua đó Nhà nước sẽ tăng thu được thuế DN, thuế thu nhập, thuế BĐS.
Trong quá khứ, các khoản thuế này được thu về ngân sách Nhà nước, các DN đầu tư CSHT không được gì mà chỉ trông chờ vào việc bán vé, thu phí sử dụng hạ tầng mà như thế thì tỷ suất lợi nhuận cho họ sẽ rất thấp.
Như vậy nếu một phần thuế thu được từ những khoản thu tăng thêm này được trả lại cho các NĐT đã đầu tư vào CSHT (như có thể theo tỷ lệ 50 – 50) thì chắc chắn sẽ thu hút được các NĐT tư nhân tham gia nhiều hơn vào phát triển các dự án CSHT.
Vậy còn về vấn đề hỗ trợ các DNNVV, siêu nhỏ thì sao thưa ông?
Các đối tượng DN này thường gặp khó khăn trong huy động vốn để làm ăn nhưng giả thiết nếu nhiều dự án CSHT như đường sắt, đường cao tốc được triển khai thì sẽ giúp được nhiều người hưởng lợi. Có những người sẽ xây dựng các nhà hàng dọc theo các tuyến đường để phục vụ ăn uống; nhiều người nông dân có thể bán trực tiếp sản phẩm của mình dễ dàng hơn, trong khi những người khác có thể khởi nghiệp hoặc vận hành các DN đã có của mình tốt hơn.
Ngân hàng cũng rất khó để có thể cho vay những DN khởi nghiệp nhỏ như vậy được nên cần những “Quỹ quần chúng” để mọi người có thể bỏ tiền vào đó để vừa đầu tư, vừa có thể giúp đỡ lẫn nhau. Cách làm “tin tưởng để góp vốn giúp nhau” như vậy là rất quan trọng ở Việt Nam.
Các nước như Campuchia, Peru, Mông Cổ hay ngay cả Nhật bản… họ đã triển khai và thành công với các quỹ như vậy. Nhờ đó mọi người có thể đóng góp vốn đầu tư cho những người muốn khởi nghiệp.
Ông có thể nếu một vài ví dụ cụ thể?
Như tại Nhật Bản khoảng 15 năm trước đây đã bắt đầu triển khai mô hình “Quỹ tín thác đầu tư quê hương” (HIT). Mục tiêu của HIT là để kết nối các NĐT địa phương với các dự án ở chính địa phương mình, nơi họ am hiểu nhất.
Các NĐT cá nhân sẽ chọn những dự án ưa thích của họ và đầu tư thông qua Internet. Phương pháp hoạt động của HIT rất đơn giản: Ví dụ, một ai đó muốn bán những chiếc đồng hồ mới mà họ định chế tác thì các mẫu đồng hồ đó sẽ được quảng cáo trên Internet.
Nếu ai muốn mua thì sẽ trả tiền trước, nhà sản xuất nhận được tiền và bắt đầu sản xuất ra những chiếc đồng hồ này và trong một thời hạn, giả sử 6 tháng theo quy ước với nhau thì khách hàng sẽ nhận được sản phẩm mà họ đăng ký mua.
Một ví dụ khác là trong nông nghiệp. Những người nông dân có thể sản xuất ra một loại rượu rất ngon như rượu vang nho chẳng hạn. Họ sẽ quảng cáo mẫu rượu đó để mọi người thử.
Nếu thấy ngon thì mọi người sẽ đặt mua và một thời gian sau thì sẽ nhận được sản phẩm. Và nếu những sản phẩm như vậy thành công thì cũng đồng nghĩa với các DN hay hộ nông dân nhỏ bé kia sẽ có cơ hội thành công, trở thành những DN lớn trong tương lai.
Còn về nông nghiệp, đây là lĩnh vực rất quan trọng của Việt Nam vì một mặt sản xuất lương thực, thực phẩm phụ vụ nhu cầu trong nước, mặt khác để xuất khẩu. Muốn nông nghiệp phát triển thì vai trò của bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết vì đối với người nông dân, làm sao đảm bảo được thu nhập là rất quan trọng nên Chính phủ cần có được hệ thống bảo hiểm cho họ.
Ngành Nông nghiệp thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết, hạn hán, lũ lụt… nên tôi nghĩ tài trợ vốn và bảo hiểm trong ngành này rất quan trọng và cần được cung cấp bởi Chính phủ. Khi được mùa nhờ thời tiết tốt, người nông dân sẽ đóng góp tiền cho bảo hiểm. Và khi sản xuất gặp khó khăn như thất bát, mất mùa thì tiền bảo hiểm sẽ được chi ra để hỗ trợ.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lê (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.