25/06/2021 5:25 PM
Năm 2018, Tổng cục Thống kê đã công bố GDP được đánh giá lại thời kỳ 2010-2017. Nhưng từ 2018 đến nay, chưa công bố chính thức. Trong Niên giám thống kê 2019, Tổng cục Thống kê mới “hé lộ” (tổng số), nhưng chưa biết có công bố chính thức và đầy đủ trong Niên giám thống kê 2020 tới đây không?...

Từ năm 2018 đến nay, Tổng cục Thống kê chưa công bố chính thức số liệu đánh giá lại GDP.

Trên Vietnamnet gần đây đã có một số bài đề cập đến vấn đề này (như “Không thể đặt 30% GDP ra “ngoài vòng pháp luật”, “GDP và nỗi niềm của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê”, “Bà nội trợ, quyền lực ngầm kinh tế Việt Nam”, “GDP của Việt Nam phải vượt mốc 500 tỷ USD”, “Lạ lùng số liệu GDP”...). Người viết cũng đã có bài đề cập khá sâu, rộng về đánh giá lại GDP, nên trong bài này cũng chỉ đề cập đến một số vấn đề chủ yếu.

ĐÁNH GIÁ LẠI LÀ CẦN THIẾT

Sự cần thiết của việc đánh giá lại GDP xuất phát từ ba vấn đề chủ yếu.

Vấn đề thứ nhất là để “đính chính” lại một số sai sót trong việc thống kê về chỉ tiêu này trong thời gian trước. Tổng cục Thống kê đã đề cập đến 4 nguyên nhân chủ yếu: (1) Do năng lực điều tra, thu thập tư liệu thống kê; (2) Do không chủ trương thống kê phi chính thức; (3) Do không thừa nhận kinh tế bất hợp pháp; (4) Do sẽ làm tăng nghĩa vụ đóng góp của Việt Nam theo thông lệ vào các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, những nguyên nhân được đề cập ở trên chưa hoàn toàn đầy đủ, chính xác và cụ thể.

Về nguyên nhân thứ nhất, không hoàn toàn do năng lực điều tra, thu thập tư liệu thống kê, mà còn phụ thuộc vào các đối tượng cung cấp thông tin, người làm công tác thống kê và một số tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê.

Đối với doanh nghiệp, thông tin mà thống kê nhận được phụ thuộc vào mức độ chính xác của thông tin (nhất là lãi/lỗ) do kế toán cung cấp. Mà thông tin này đã được không ít người hài hước bằng câu hỏi 1 + 1 bằng mấy.

Khi tuyển dụng người làm kế toán, có 3 người là đối tượng: khi người tuyển dụng đặt câu hỏi 1 + 1 bằng mấy, một đối tượng trả lời ngay rằng 1 + 1 = 2, nhưng không được tuyển; một người khác trả lời 1 + 1 = 3 cũng không được tuyển dụng; người còn lại trả lời 1 + 1 = ý thủ trưởng, người này được đã được tuyển dụng ngay. Lý do là vì ý thủ trưởng thì biến hóa lắm: với cơ quan thuế thì phải lỗ, để không phải nộp thuế thu nhập, thậm chí còn được cấp bù; với ngân hàng thì phải lãi, bởi có lãi thì ngân hàng mới cho vay khi “trông giỏ bỏ thóc”; với thi đua thì phải lãi, bởi “thi đua là phải đi đầu, đi đâu không biết đi đầu cứ đi”.

Chẳng thế mà tỷ suất lợi nhuận bình quân chung của các doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 4-5%, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước còn thấp hơn - tức là thấp xa so với lãi suất gửi ngân hàng (hay lãi suất thực âm), lại càng thấp xa so với lãi suất vay ngân hàng - tức là “ăn vào vốn”.

Đối với hộ gia đình, cá nhân có ghi chép đâu mà chính xác; trước đây, mọi thu nhập đều từ lương và do các bà mẹ giữ, nay trong cơ chế thị trường thì thu nhập từ nhiều nguồn (từ lương, từ chứng khoán, từ phong bì...), bằng nhiều phương thức khác nhau (tiền mặt, từ thẻ tín dụng, từ tài khoản...), được phân tán từ nhiều người trong gia đình, đến bản thân người đó cũng chẳng nắm được hết, thậm chí chẳng nói ra chính xác...

Người làm công tác thống kê nhìn chung là rất tốt cả về đạo đức, tác phong, nghiệp vụ chuyên môn, nhất là tính trung thực, khách quan nhưng gặp khó khăn về kinh phí, về bảo đảm tính độc lập, khách quan trong nghiệp vụ, tổ chức; một số cán bộ còn có hạn chế về nghiệp vụ, về bảo vệ tính khách quan, còn mắc bệnh “minh họa”...

Người sử dụng thông tin thì không ít người thích thành tích, lại có tư duy nhiệm kỳ, nên đã gợi ý, thậm chí còn “ép” người làm thống kê - người cân đong đo đếm - hoặc phải “minh họa” theo nghị quyết, hoặc “tô hồng” là vượt mục tiêu... Trong nguyên nhân thứ nhất này cũng cần nói thêm về đặc điểm của điều tra chọn mẫu, khi suy rộng từ điều tra ít ra toàn bộ, thì khoa học toán đã chứng minh sai số chọn mẫu ở mức ±5% đã là chính xác lắm rồi.

Về nguyên nhân thứ hai không hoàn toàn chính xác. Từ rất lâu rồi vẫn thu thập thông tin của khu vực này; nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường hoạt động của họ đa dạng, phong phú, không thu thập được đầy đủ, chứ không phải là không chủ trương.

Về nguyên nhân thứ ba cũng không hoàn toàn đúng, chẳng qua là không có khả năng thu thập được, nhất là tham nhũng, thất thoát, mại dâm... Tuy không thu thập được trực tiếp, nhưng khi đã chuyển thành đất đai, nhà cửa... thì cũng đã có phản ánh một phần không nhỏ rồi, nếu không thì làm sao tỷ trọng kinh tế cá thể có thể đạt trên dưới 30% GDP, thu từ công nghiệp dịch vụ ngoài nhà nước (tuy có cả một phần là kinh tế chính thức, nhưng cũng có một phần kinh tế phi chính thức đã được tính wor một số khoản thu khác) chiếm 15,4% tổng thu ngân sách.

Vấn đề thứ hai, GDP có liên quan đến rất nhiều chỉ tiêu khác/GDP, như vốn đầu tư, thu, chi, bội chi ngân sách, xuất/nhập khẩu, xuất/nhập siêu, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài... GDP đánh giá lại cao hơn GDP chưa đánh giá lại sẽ làm cho nhiều chỉ tiêu này so với GDP đánh giá lại bị thấp xuống so với trước đây, đặt ra vấn đề cần xác định lại mục tiêu cũng như có giải pháp để xử lý các chỉ tiêu này theo mục tiêu mới.

Vấn đề thứ ba, đánh giá lại để so sánh quốc tế về GDP, GDP bình quân đầu người và nhiều chỉ tiêu có liên quan khác. Hơn thế nữa, khi được đánh giá lại, GDP sẽ lớn lên, sẽ làm cho Việt Nam hấp dẫn hơn, sẽ có lòng tin cao hơn của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các nước và các nhà đầu tư nước ngoài...

ĐÁNH GIÁ LẠI GDP KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ "TO LÊN"

Về nhận thức, đánh giá lại GDP chỉ là về mặt tính toán, còn thực tế hoạt động kinh tế về cơ bản vẫn như cũ, không nên hiểu là tăng lên do sự phát triển của nền kinh tế, là thành tích tăng lên khi so sánh với thời kỳ trước đây khi so sánh chuyển vị thế so với khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

Cùng với việc đánh giá lại GDP sẽ có hàng loạt các chỉ tiêu có liên quan khi sánh với GDP đánh giá lại sẽ có sự thay đổi khi so với GDP chưa đánh giá lại. Sự thay đổi này theo cả 2 hướng: xấu đi hoặc tốt hơn trước, tùy theo chỉ tiêu cụ thể như sau.

Tổng GDP của cả nước tính bằng VND theo giá thực tế sẽ tăng lên so với khi chưa đánh giá lại.

Theo đó, sau đánh giá lại so với trước đánh giá lại GDP đã cao hơn (năm 2010 là 27%..., 2015 là 23,83%..., 2019 là 26,79%, ước 2020 là 26,8%) - đó là các tỷ lệ tăng khá cao, bình quân cao hơn trên 25% (khi số doanh nghiệp bị sót khoảng 10% và chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ, khi xuất/nhập khẩu tiểu ngạch chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu...). Nhưng tỷ lệ trên vẫn thấp hơn một số nước (năm 2017, bình quân chung 158 nước tính lại đã tăng 31%, cao nhất là Zimbabwe trên 60%), nhưng cũng cao hơn của Thụy Sĩ 7%, Italia trên 19%, Tây Ban Nha 17%...

Khi đánh giá lại tính bằng VND giá thực tế tăng lên so với trước khi đánh giá lại, trong khi tỷ giá VND/USD không có thay đổi khi đánh giá lại, thì GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái cũng sẽ tăng lên.

Theo đó, tổng GDP của Việt Nam tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái trước đánh giá lại và sau đánh giá lại năm 2018 (chưa có số liệu mới) có thứ bậc tương ứng ở Đông Nam Á là 6/5, ở châu Á là 17/16. Trên thế giới là 45/40. Nếu tính cho năm 2020, thì thứ bậc cao hơn, vì năm 2019, Việt Nam GDP tăng trưởng cao, năm 2020 Việt Nam nằm trong Top 5-10 nước trên thế giới đạt tăng trưởng dương.

Đó là tính tổng GDP bằng USD theo tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Để so sánh với các nước thì phải tính tổng GDP bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương (PPP). Do nhiều lý do, chủ yếu là do giá nhân công rẻ, GDP tính theo PPP cao hơn GDP tính theo hối đoái.

Chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái so với PPP mặc dù đã giảm từ mức rất cao cách đây vài chục năm nay đã giảm xuống (từ 5 lần xuống còn khoảng 3 lần - tức là sức mua của 1 USD ở Việt Nam cao gấp 3 lần sức mua 1 USD tại Mỹ). Mặc dù đã giảm như vậy, nhưng hệ số trên của Việt Nam vẫn còn cao hơn hệ số tương ứng của nhiều nước (Trung Quốc là 1,87, Nhật Bản 1,09, Hàn Quốc 1,19, Singapore 1,57, Brunei 2,56, Thái Lan 2,62, Malaysia 2,8, Philippines 2,88, Campuchia 2,89, Lào 2,95...); chỉ thấp thua một số nước (như Myanmar 5,03, Đông Timor 3,76, Indonesia 3,36...

Nếu tính theo PPP, GDP của Việt Nam năm 2020 chưa đánh giá lại ước đạt 819 tỷ USD, nếu tính theo đánh giá lại sẽ đạt khoảng 1.039 tỷ USD- đứng thứ bậc cao hơn so với khi chưa đánh giá lại (ước ở Đông Nam Á sẽ vượt qua Singapore, Philippines, Malaysia lên đứng thứ 3 so với thứ 6).

Khi tổng GDP đánh giá lại và tính bằng USD thì GDP bình quân đầu người tính bằng USD cũng sẽ được tính lại và cao hơn khi chưa đánh giá lại. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái, GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam qua một số năm như sau.

Theo đó, khi đánh giá lại, Việt Nam đã vượt qua Philippines lên đứng thứ 6 khu vực ASEAN so với thứ 7 trước khi đánh giá lại.

Nếu tính bằng USD theo tỷ giá PPP, thì ước năm 2020 trước khi đánh giá lại là 7.397 USD/người, sau khi đánh giá lại sẽ đạt 10.653 USD/người.

Với tổng GDP và GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái và tỷ giá PPP tăng lên sau khi đánh giá lại GDP, đã làm cho Việt Nam trở thành hấp dẫn hơn, thu hút hơn đối với các nhà đầu tư, thương mại nước ngoài.

Khi GDP đánh giá lại, trong khi phần chênh lệch thu nhập từ nước ngoài so với phần chi ra nước ngoài về cơ bản tính như cũ, thì tổng thu nhập quốc gia (GDN), tỷ lệ GNI/GDP và GNI bình quân đầu người cũng tăng lên theo. Với GDP đánh giá lại tính bằng VND năm 2020 đạt 7.980 tỷ đồng; với thu nhập thuần túy từ nước ngoài là -346,1 nghìn tỷ đồng, thì GNI tính theo GDP đánh giá lại sẽ là 7.634 nghìn tỷ đồng, bằng gần 95,7% GDP, cao hơn tỷ lệ tương ứng khi chưa đánh giá lại là 94,5%.

GNI tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái VND/USD đạt 331,4 tỷ USD và GNI bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái VND/USD đạt 3396 USD/người. Theo đó, chỉ số và thu nhập trong chỉ số phát triển con người (HDI) sẽ cao hơn so với trước khi đánh giá lại GDP (năm 2018 đạt 0,693, đứng thứ 118 thế giới; năm 2019 đạt 0,7 và đứng thứ 115). Nếu tổng GNI và GNI bình quân đầu người tính theo tỷ giá PPP, thì chỉ số về thu nhập trong chỉ số HDI cũng sẽ cao lên.

GÓP PHẦN TÍNH LẠI CHẤT LƯỢNG NỀN KINH TẾ

Việc đánh giá lại GDP cũng góp phần làm cho việc tính một số chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng kinh tế cao hơn trước khi đánh giá lại.

Hiệu quả đầu tư được đo lường bằng hệ số ICOR. ICOR được tính bằng cách chia vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (tính theo giá so sánh) cho mức tăng GDP (tính theo giá so sánh) - thể hiện để tăng 1 đồng GDP thì phải đầu tư bao nhiêu vốn đầu tư phát triển xã hội - tức là ICOR cao và tăng thì hiệu quả đầu tư thấp và giảm, ICOR thấp và giảm thì hiệu quả đầu tư cao và tăng. Khi đánh giá lại, GDP sẽ cao lên, còn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có thể tăng thấp hơn nhiều, nên ICOR đều thấp hơn trước khi đánh giá lại (năm 2011 là 5,5 so với 5,72, năm 2015 là 5,6 so với 5,8, năm 2019 là 6 so với 6,07).

Một chỉ tiêu quan trọng về chất lượng tăng trưởng là tốc độ tăng và mức năng suất lao động. So với trước khi đánh giá lại, số lao động đang làm việc gần như không thay đổi, trong khi GDP và tốc độ tăng GDP cao lên, do đó năng suất lao động sau khi đánh giá lại đã cao hơn cả về tốc độ tăng, cả về mức năng suất lao động. Mức năng suất lao động tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái sau khi đánh giá lại đã cao hơn trước khi đánh giá lại (năm 2010 là 2.865 USD so với 2.257 USD, năm 2015 là 4.506 USD so với 3.639 USD, năm 2019 là 6.778 USD so với 4.791 USD).

Khi đánh giá lại, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa/GDP sẽ thấp xuống so với GDP trước khi đánh giá lại (năm 2010 là 51,4% so với 64,7%, năm 2015 là 67,7% so với 83,8%, ước năm 2020 là 81,6% so với 103,5%). Ở đây cần lưu ý tỷ lệ trên chỉ có tính tham khảo, cao hơn thực tế, bởi GDP là tính giá trị tăng thêm (không bao gồm C2 - giá trị nguyên nhiên vật liệu), trong khi giá trị xuất khẩu lại bao gồm cả C1 - khấu hao, C2, V, M - nếu loại trừ để so sánh thì tỷ lệ chỉ còn khoảng một nửa các tỷ lệ trên.

Dù sao, tỷ lệ xuất khẩu/GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao trong khu vực và trên thế giới (năm 2018, tỷ lệ tương ứng của Hồng Công là 188,3%, của Singaporre là 176,4% chủ yếu do 2 nơi này là thương cảng lớn, Malaysia 68,8%, Thái Lan 66,8%, Campuchia 61,5%, Philippines 31,7%, Indonesia 21%, Trung Quốc 19,5%, Nhật Bản 18,4%, Hàn Quốc 44%, Mỹ 12,2%, Ấn Độ 19,7%, Anh 30%, Đức 47,4%...). Tuy nhiên, độ mở rộng chủ yếu về số lượng, dựa trên giá nhân công rẻ, nhờ khu vực có vốn ĐTNN chiếm tỷ trọng lớn...

Từ 2016-2020, do xuất khẩu có quy mô và tốc độ tăng cao hơn nhập khẩu, nên Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu lớn trước đó sang xuất siêu lớn liên tục kỳ này. Tuy nhiên, do công nghiệp hỗ trợ còn rất yếu, tính gia công lắp ráp còn cao, nên nhập khẩu/GDP trước khi đánh giá lại còn rất cao, mặc dù tỷ lệ này sau đánh giá lại đã thấp xuống (2010 là 60,3% so với 76,6%, 2015 là 53,4% so với 79,4%, ước 2020 là 75,9% so với 96,2%).

Song tính từ đầu năm đến 15/6/2021, Việt Nam đã chuyển sang nhập siêu 1,95 tỷ USD, do xuất khẩu có quy mô và tốc độ tăng thấp hơn nhập khẩu (143,36 tỷ USD, tăng 29,7% so với 145,32 tỷ USD, tăng 36,4%). Nhập khẩu tăng cao có một phần do bù đắp tình trạng “đứt gãy” trong năm trước, do nhu cầu sản xuất cao hơn, do nhiều doanh nghiệp phòng ngừa giá thế giới tăng hơn nữa...; nhưng nhập siêu khi giá cả thế giới tăng sẽ dễ dẫn đến “nhập khẩu lạm phát”, tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá...

Đánh giá lại GDP sẽ làm cho thu ngân sách/GDP thấp hơn khi chưa đánh giá lại (2010 là 21,9% so với 27,5%). Nếu GDP là hiệu quả của nền kinh tế, thì thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả, là cơ sở để chi ngân sách nuôi bộ máy, đầu tư, trả nợ lãi, vốn gốc... Các tỷ lệ thu ngân sách/GDP thấp xuống, trong khi tỷ lệ chi ngân sách/GDP còn cao, nên bội chi ngân sách liên tục diễn ra, dù khi đánh giá lại thấp hơn khi chưa đánh giá lại (2010 là 3,9% so với 4,9%, 2015 là 4,8% so với 5,9%, 2019 là 2,6% so với 3,4%). Diễn biến trên, nhất là bội chi, là thách thức, thậm chí nguy hiểm, khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao hơn tỷ lệ tích lũy/GDP, khi các tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài/GDP còn cao...

Tỷ lệ nợ công/GDP trước và sau đánh giá lại qua một số năm: 2010 là 40,7% so với 50,9%, 2015 là 49,2% so với 61,8%, ước năm 2020 là 44,4% so với 56,8%. Nợ chính phủ, nợ quốc gia/GDP sau khi đánh giá lại cũng thấp xuống so với trước đánh giá lại. Điều đó đòi hỏi phải xác định lại trần mới và thực hiện để có giải pháp phù hợp.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
TS. Đỗ Văn Huân (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.