Có nên giải cứu các hãng Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo hay không?
Trong khi đó vào dịp này những năm trước khi đặt vé trước một ngày thì giá vé máy bay có thể lên đến 1,5 đến 3 triệu đồng/chuyến. Hiện giá vé máy bay các tuyến đường dài nhiều thời điểm thấp hơn giá vé xe khách rất nhiều.
Tôi là người thường xuyên đi lại bằng máy bay nên được hưởng lợi khi giá máy bay trở nên rất rẻ. Tuy nhiên, đối với các hãng hàng không thì với mức giá vé đó thì chắc chắn họ sẽ bị thua lỗ. Như vậy, tôi chính là một trong những người được hưởng lợi trong khi các hãng hàng không thì đang gặp khó khăn.
Mới đây thông tin về việc Quốc hội đồng ý việc “giải cứu” Vietnam Airlines. Các hãng hàng không khác như Vietjet và Bamboo cũng xin gói “cứu trợ” tương tự để giảm bớt khó khăn. Trước vấn đề này đã có nhiều quan điểm trái chiều về các chính sách của Chính phủ đối với các hãng hàng không.
Những người phản đối thì cho rằng không thể dùng những đồng tiền thuế của người dân để giải cứu doanh nghiệp. Đặc biệt, khi giá cổ phiếu của các hãng hàng không hiện nay vẫn đang rất cao và không sụt giảm như kết quả kinh doanh. Chẳng hạn giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines hiện đang ở mức 26.750 đồng/cổ phiếu, tương đương với vốn hóa thị trường của công ty đang ở mức gần 38 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó giá cổ phiếu VJC của VietJet đang ở mức 119.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị thị trường của doanh nghiệp này là 62 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các cổ đông, nhà đầu tư vẫn đang tin tưởng vào tương lai của những doanh nghiệp do đó họ sẽ tự “giải cứu” hãng hàng không của họ.
Bên cạnh đó, nhóm này còn cho rằng nếu có quyết định giải cứu thì việc giải cứu nên công bằng, tức không thể chỉ giải cứu Vietnam Airlines mà còn phải giải cứu các hãng hàng không khác, các doanh nghiệp ở các ngành khác cũng đang chịu tác động nặng nề của Covid-19.
Tôi cho rằng những quan điểm đó không phải là không có lý nhưng lập luận đó là không đủ. Tôi là một trong những người ủng hộ việc Nhà nước nên hỗ trợ các hãng hàng không, không phải tôi là một trong những người được hưởng lợi từ chính sách này mà bởi lợi ích kinh tế và xã hội có thể lớn hơn nhiều so với chi phí mà nhà nước bỏ ra.
Thật vậy, những thiệt hại của hàng không là vô cùng lớn và có thể phá sản nếu không có sự can thiệp của nhà nước. Trên thế giới, hầu hết các chính phủ cũng đã phải sử dụng tiền ngân sách để giải cứu cho các hãng hàng không tư nhân. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, năm nay sẽ trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không". Có khoảng 2/3 trong số 24.000 máy bay phải dừng hoạt động. Ước tính, đại dịch Covid-19 sẽ khiến ngành hàng không thế giới chịu mức thua lỗ kỷ lục hơn 100 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021.
Theo thống kê của IATA, tính đến tháng 5/2020, khi đại dịch mới bùng nổ ở nhiều quốc gia thì các chính phủ đã phải viện trợ có tổng giá trị lên tới 123 tỷ USD cho các hãng hàng không để tránh nguy cơ phá sản. Tại Mỹ, chính phủ nước này đã phải hỗ trợ 50 tỷ USD cho các hãng hàng không. Thái Lan cũng phải cơ cấu, bảo lãnh gần 10 tỷ USD cho các hãng hàng không và hỗ trợ trực tiếp cho Thai Airways 1,8 tỷ USD. Tại Singapore, hãng hàng không quốc gia này cũng đã nhận được hỗ trợ 13 tỷ USD từ chính phủ. Hay All Nippon Airways của Nhật Bản cũng được chính phủ hỗ trợ 10 tỷ USD.
Đối với Việt Nam, dù dịch bệnh đã được khống chế nhưng thiệt hại của các hãng hàng không vẫn rất lớn. Theo số liệu từ Cục hàng không, tính đến tháng 10 vừa qua lượng hành khách thông qua cảng hàng không đạt 52,8 triệu khách, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 7,1 triệu khách, giảm 79,4% so với cùng kỳ năm 2019. 5 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, ViejJet Air, Jestar Pacifics, Vasco, Bamboo Airlines khai thác tổng 15.916 chuyến bay, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2019, vận chuyển 25,6 triệu hành khách, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, việc thiệt hại của các hãng hàng không trên thế giới và Việt Nam trước sự tàn phá của dịch bệnh Covid-19 là một điều không thể tránh khỏi và là một “tai nạn” bất ngờ. Nhìn về trung hạn thì hoạt động hàng không sẽ phục hồi, đặc biệt khi thông tin về việc sản xuất vacxin đang khá tích cực. Do đó, việc cứu trợ là cần thiết để đảm bảo cho ngành này vẫn tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, việc giải cứu Vietnam Airlines bằng cách nào và sao cho hiệu quả vẫn là một dấu hỏi lớn hiện nay. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chính phủ các quốc gia hỗ trợ tài chính bằng cách cho vay, bảo lãnh và góp thêm vốn vào các hãng hàng không gặp khó khăn. Bên cạnh đó còn hỗ trợ thông qua các chính sách phi tiền tệ khác. Cụ thể, theo IATA, tính đến nay các khoản hỗ trợ các hãng hàng không trên thế giới được phân bổ dưới dạng cho vay 50,4 tỷ USD, hỗ trợ việc làm 34,8 tỷ USD (không hoàn lại), cho vay có bảo đảm 11,5 tỷ USD và hình thức bơm mua cổ phần khoảng 11,2 tỷ USD.
Đối với Vietnam Airlines, phương án hỗ trợ mới được Quốc hội thông qua gồm khoản vay 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi 4%/năm theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thông qua một tổ chức tín dụng và tăng vốn thêm 8.000 tỉ đồng bằng cách bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước.
Như vậy, khoản hỗ trợ của nhà nước thực chất chỉ có khoảng 4.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi khoảng 4%. So với việc hỗ trợ của các chính phủ khác cho các hãng hàng không thì đây là một khoản hỗ trợ rất nhỏ. Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ lại là “nguồn vốn” từ chính NHNN không phải từ ngân sách Chính phủ.
Tôi cho rằng đây là một chính sách khá thận trọng và khá yếu ớt trước những thiệt hại của Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không nói chung. Thực vậy, báo cáo tài chính cho thấy, trong 9 tháng đầu năm VietNam Airlines đã lỗ 10.504 tỷ đồng, lớn hơn tổng lợi nhuận của hãng này 6 năm gần đây. Trong khí đó VietJet cũng lỗ lũy kế từ hoạt động kinh doanh 2.657 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ lỗ 924 tỷ đồng, nhờ có khoản lợi nhuận khác 1.775 tỷ đồng. Bamboo không công bố số lỗ cụ thể nhưng ước tính cũng đã lỗ 3.000 đến 4.000 tỷ đồng.
Chắc chắn năm 2021, vẫn tiếp tục là một năm khó khăn của các hãng hàng không Việt Nam. Số lỗ của VietNam Airlines ước tính trong 2 năm 2020-2021 có thể lên đến hơn 30.000 tỷ đồng, Vietjet và Bamboo Airways cũng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Với triển vọng ảm đạm đó, thì các ngân hàng thương mại sẽ rất khó đế trực tiếp cho các hãng hàng không vay nếu không có sự bảo lãnh từ phía Chính phủ. Nguy cơ mất thanh khoản và phá sản là điều hoàn toàn có khả năng diễn ra. Tất nhiên, không chỉ trông chờ từ phía nhà nước mà chính các hãng hàng không cũng phải thực hiện việc huy động tài chính từ các nguồn khác. Chẳng hạn, với mức giá cổ phiếu đang rất cao hiện nay Vietjet hoàn toàn có thể huy động vốn trên thị trường tài chính.
Mới đây, ngoài gói cứu trợ tài chính các hãng hàng không còn đề nghị Chính phủ tiếp tục giảm 50% phí cất hạ cánh, giảm dịch vụ điều hành bay, giảm thuế môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít xuống còn 900 đồng/lít cho đến hết năm 2021. Tôi cho rằng Chính phủ nên chấp thuận đề nghị này và áp dụng cho tất cả các hãng hàng không nội địa.