Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam
Giá thuê nhà ở công vụ quá thấp khiến dư luận xã hội bức xúc. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam, hiện tại giá thuê nhà ở công vụ không cao, không thấp, phù hợp với thực tế. “Ngay như cấp thứ trưởng, bộ trưởng, nếu thuê nhà ở công vụ, mỗi tháng phải bỏ ra 20% tiền lương để trả tiền thuê nhà”, ông Nam dẫn chứng.
Theo ông, vì sao giá thuê nhà ở công vụ lại quá thấp so với giá thuê nhà thực tế trên thị trường?
Giá thuê nhà công vụ thấp có nguyên nhân do lịch sử để lại. Trước đây, đa số cán bộ, công chức, viên chức và cả công nhân làm việc tại khu vực nhà nước cứ đủ điều kiện đều được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước với giá thuê tượng trưng. Ngay như bản thân tôi, những năm 80 của thế kỷ trước, được thuê 16 m2 nhà ở phố Mai Hắc Đế (Hà Nội), tiền thuê nhà tính ra mỗi năm chỉ tương đương mây điếu thuốc Sông Cầu.
Mặc dù giá thuê nhà chỉ mang tính chất tượng trưng, thậm chí còn không đủ tiền để trả cho bộ máy quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước, nhưng vì là nhà của Nhà nước nên hàng năm đều được bảo dưỡng, sửa chữa, ít nhất tường nhà cũng được quét vôi ve, cánh cửa được sơn lại.
Trong cả một thời gian dài, lạm phát hàng năm rất cao, đời sống của người dân vô cùng khó khăn nên mặc dù giá cho thuê nhà quá thấp, nhưng Nhà nước không thể tăng được giá cho thuê nhà, nên cũng không có tiền để bảo dưỡng, sửa chữa, vì thế Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/1994/NĐ-CP về mua bán và kinh doanh nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho những người đang thuê với giá cũng rất thấp. Chính vì vậy, Nhà nước cũng không tăng giá nhà đối với người đang thuê theo giá thị trường.
Nhưng đó là kỳ thời bao cấp, nửa bao cấp, còn hiện tại, Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường gần 30 năm rồi mà giá cho thuê nhà công vụ (nhà thuộc sở hữu nhà nước) quá thấp khiến dư luận bất bình?
Mấy năm trước đây đúng là giá cho thuê nhà công vụ quá thấp so với giá thuê nhà trên thị trường, tuy nhiên, hiện tại, tôi cho rằng, giá cho thuê nhà ở công vụ phù hợp với thực tế, không cao mà cũng không thấp.
Cụ thể, giá cho thuê nhà ở công vụ hiện tại là từ 14.000 đồng đến 18.000 đồng/m2/tháng, tùy từng địa phương. Giả sử một vị thứ trưởng, bộ trưởng hoặc cấp bậc tương đương nếu được thuê nhà theo đúng tiêu chuẩn là 150 m2, với giá thuê bình quân là 16.000 đồng/m2/tháng thì mỗi tháng họ phải dành ra 2,4 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, không kể phí trông giữ xe và các dịch vụ khác. Lương của thứ trưởng, bộ trưởng hiện tại chỉ vào khoảng 10-12 triệu đồng/tháng, như vậy, mỗi tháng, nếu phải thuê nhà ở công vụ thì cấp thứ trưởng, bộ trưởng và tương đương phải mất 20% tổng số lương.
Kể từ ngày 1/7/2015, khi Luật Nhà ở có hiệu lực, giá cho thuê nhà ở công vụ phải tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết. Với quy định này, ông có cho rằng cần phải nâng giá cho thuê nhà ở công vụ?
Khác với thuê nhà ở của người dân, thuê nhà ở công vụ có đặc thù riêng nên không thể căn cứ vào giá thuê nhà trên thị trường để điều chỉnh. Mặc dù vậy, giá thuê nhà ở công vụ vẫn phải tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết để thực hiện quản lý, vận hành, bảo trì và quản lý cho thuê trong quá trình sử dụng nhà ở công vụ. Giá cho thuê nhà ở công vụ không tính tiền sử dụng đất, không tính chi phí khấu hao vốn đầu tư xây dựng hoặc chi phí mà Nhà nước bỏ ra mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ.
Căn cứ vào nguyên tắc này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ điều chỉnh giá cho thuê nhà công vụ phù hợp với từng thời kỳ.
Luật Nhà ở thu hẹp đáng kể đối tượng được thuê nhà công vụ. Thưa ông, khi Luật Nhà ở có hiệu lực, việc thu hồi nhà công với những trường hợp không đủ tiêu chuẩn tiếp tục thuê nhà công vụ sẽ được thực hiện thế nào?
Kể từ ngày 1/7/2015, chỉ có cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước được thuê nhà ở công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ. Ngoài ra, cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đến công tác tại các cơ quan Trung ương giữu chức vụ từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển về địa phương giữ chức vụ từ chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên mới được thuê nhà ở công vụ (ngoài một số đối tượng làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo).
Như vậy, ngoài các đối tượng kể trên, tất cả các trường hợp đang thuê nhà công vụ đều phải trả lại nhà trong vòng 90 ngày kể từ ngày 1/7/2015.
Quy định thì như vậy, nhưng ông thấy đấy, việc thu hồi nhà công vụ vô cùng phức tạp?
Tháng 2/2014, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao quản lý nhà công vụ thì đến tháng 4/2014, chúng tôi đã xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhà công vụ. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quy chế quản lý và sử dụng nhà công vụ (tháng 5/2014), Bộ Xây dựng đã ban hành hướng dẫn để các bộ ngành, địa phương quản lý nhà công vụ.
Khi xây dựng hướng dẫn quản lý nhà ở công vụ, chúng tôi có ý tưởng, sau 3 tháng kể từ khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà công vụ hoặc khi không còn nhu cầu thuê, nếu đối tượng đang thuê không trả lại, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ dùng các biện pháp cưỡng chế, kể cả sử dụng biện pháp mạnh là cắt điện, cắt nước.
Tuy nhiên, khi đó, ý tưởng của chúng tôi không được nhiều người có trách nhiệm ủng hộ vì cho rằng, làm thế là “cạn tàu ráo máng”, vì những người thuê nhà ở công vụ đều là cán bộ, công chức nhà nước, thậm chí là những người từng giữ cương vị xã hội cao trong cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể khi còn đương chức.
Rất may là ý tưởng cưỡng chế nhà ở công vụ với những trường hợp không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ hoặc không còn nhu cầu thuê được Quốc hội ủng hộ bằng việc luật hóa quy định này trong Luật Nhà ở. Khi Luật Nhà ở có hiệu lực, dứt khoát sau 90 ngày kể từ ngày đối tượng nào đó không được thuê nhà nữa (đã nghỉ hưu, chuyển công tác…) chúng tôi sẽ cưỡng chế bằng nhiều biện pháp khác nhau.