Bỏ sổ hộ khẩu: “Vui sống” thế nào với thẻ căn cước công dân
Nếu quan sát kỹ, quy trình cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) mới được thực hiện gắn với điều kiện và công đoạn kiểm tra sổ hổ khẩu gắn với cá nhân. Đây là cách để cán bộ thừa hành kiểm tra lại thông tin trong hộ khẩu với thông tin định danh của cá nhân đang được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu. Đương nhiên, thao tác điều chỉnh hay bổ sung sẽ được thực hiện nếu thông tin giữa hai nơi có sự khác biệt hay khi có thông tin mới vừa được cá nhân đăng ký cung cấp.
Theo quy định, tuy việc dừng cấp mới nhưng các sổ hộ khẩu hiện thời được vẫn được trả lại để các cá nhân/hộ gia đình để tiếp tục sử dụng tạm thời trong giai đoạn chuyển giao. Trong thời gian sắp tới, các sổ hộ khẩu này sẽ lần lượt được thu hồi trong quá trình thực hiện các nội dung quản lý hộ khẩu, hộ tịch. Đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, nếu các sổ hộ khẩu chưa được thu hồi thì cũng không còn giá trị. Lúc này, mọi hoạt động quản lý về hộ khẩu và hộ tịch hoàn toàn dựa trên dữ liệu điện tử đầy đủ về cư trú.
Việc bãi bỏ và không tiếp tục phát hành sổ thường trú (sổ hộ khẩu) và sổ tạm trú được nhiều ý kiến, kể cả Bộ công an, cho rằng là một bước tiến mới trong quản lý nhà nước về cư trú ở nước ta. Ít nhất, sổ hộ khẩu sau mấy chục năm tồn tại với nhiều ca thán đã có thể chấm dứt “đúng thời điểm” sứ mệnh của mình. Từ thời điểm này, mỗi cá nhân chỉ cần mang theo bên mình thẻ CCCD. Trên thẻ đã có mã định danh cá nhân đính kèm, cần gì cơ quan quản lý chỉ quẹt mã thì có thể nắm bắt thông tin của cá nhân, kể cả hồ sơ tư pháp. Đương nhiên, theo quy định, việc quản lý dữ liệu cư trú gắn với dữ liệu dân cư là rất chặt chẽ và không phải cơ quan nào cũng được quyền tiếp cận.
Vấn đề quan trọng là liệu rằng, trong tương lai, thông tin cư trú của cá nhân có tiếp tục được yêu cầu trình xuất như một trong những điều kiện đáp ứng các loại thủ tục khác, ví dụ như nhập trường học hay xin việc… Nếu có, điều đó thật ra nằm ngoài vòng kiểm soát của cơ quan công an, và vì vậy cuộc thảo luận, hay thậm chí là cải cách, cần được xúc tiến theo đúng mục tiêu của nó. Nhưng nếu có, việc cung cấp thông tin này được diễn ra như thế nào? Như vừa nói, nếu bên cần thông tin là cơ quan, tổ chức, đơn vị không được quyền tiếp cận dữ liệu thì liệu người dân có nghĩa vụ cung cấp?
Tất cả những điều này hiện chưa có quy định cụ thể. Cả Luật cư trú 2020 cũng không đề cập, ngoài trừ một đôi chỗ có nhắc đến quyền được khai thác thông tin cư trú đối với mỗi cá nhân.
Mấy năm sống và học tập ở Nhật Bản có thể giúp tôi có được câu trả lời bằng những hình dung về một khung cảnh mới. Hiện tại, có cảm giác như Việt Nam đang sử dụng mô hình quản lý cư dân của quốc gia này. Không có và không cần hộ khẩu, mỗi cá nhân mỗi lần thay đổi nơi cư trú (thay đổi địa chỉ) là đến văn phòng Phường để đăng ký lại.
Điền và nộp phiếu kê khai, sau một lúc chờ đợi (tuỳ thuộc vào số lượng người dân có mặt vào thời điểm đó), phiếu yêu cầu sẽ được nhân viên văn phòng xử lý, và nhập trực tiếp vào hệ thống. Sau khi được nhân viên ghi bổ sung dòng địa chỉ mới vào mặt sau của thẻ cư trú, người dân nhận thẻ và ra về. Thực tế, nếu cần, người dân còn có thể ghé qua một bưu cục bất kỳ, điền phiếu thay đổi địa chỉ để yêu cầu chuyển tiếp thư từ. Chỉ cần thao tác này, từ đó trở về sau, thư và các bưu phẩm có địa chỉ nhận là địa chỉ cũ sẽ được chuyển thẳng về địa chỉ mới của người đăng ký.
Có một điểm đáng là trong thời gian tới, tương tự như Nhật Bản, cơ quan đăng ký cư trú ở Việt Nam là Công an xã, phường, thị trấn. Chỉ có các cơ quan công an cấp huyện ở những địa phương không có đơn vị hành chính cấp xã mới phải thực hiện công việc này.
Điểm khác biệt là, ở Nhật Bản, nếu cá nhân có nhu cầu xác nhận về địa chỉ lưu trú đã được đăng ký cũng như một số thông tin khác thì có thể quay lại Văn phòng Phường để xin trích xuất và xác nhận. Nếu có thể nêu rõ mục đích sử dụng thông tin cho các thủ tục hành chính phổ biến nào, việc trích xuất sẽ có thể gắn các thông tin kèm theo đủ để đáp ứng các yêu cầu cần thiết cho loại thủ tục đó. Chỉ có điều, nếu việc đăng ký cư trú là miễn phí thì mỗi lần nhận giấy xác nhận địa chỉ, người yêu cầu đều phải trả phí. Có thể sắp tới, Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận phương thức này.
Tất cả điều này có thể giúp mỗi chúng ta hình dung về dòng chảy của thông tin cư trú khi người dẫn không có hộ khẩu trong tay. Tuy nhiên, cũng đã có người nhìn ra một viễn cảnh mới: Sổ hộ khẩu giấy không còn nhưng sổ hộ khẩu điện tử sẽ xuất hiện. Hay nói cách khác, từ bây giờ, cơ quan quản lý sẽ vẫn tiếp tục duy trì sổ hộ khẩu trên… hệ thống. Căn bản, điều đó là đúng, vì theo quy định của Luật cư trú, trong thời gian tới mô thức đăng ký cư trú theo hộ vẫn tiếp tục được duy trì và áp dụng.
Có hai vấn đề cần phải được phân định rõ. Thứ nhất, cho dù thế nào thì người đăng ký cư trú cũng không buộc phải nhận, lưu giữ và thậm chí phải buộc phải xuất trình khi có yêu cầu sổ hộ khẩu của mình. Ngoài trừ những trường hợp có thể phải bổ sung giấy xác nhận thông tin cư trú như ở Nhật Bản nêu trên, mọi thủ tục cần thông tin định danh cá nhân đều có thể được kiểm tra và đính kèm với thông tin minh định trên thẻ CCCD.
Thứ hai, việc quản lý dữ liệu cư trú theo bộ thông tin theo hộ là công việc nội bộ của nhà nước và cơ quản lý cư trú. Về nguyên tắc, việc lựa chọn sắp xếp dữ liệu theo mô hình nào là câu chuyện nội bộ và thuộc quyền của cơ quan quản lý. Theo logic, phương án đó được lựa chọn nếu có thể mang lại hiệu quả cho hoạt động quản lý cư trú trong thời gian tới.
Thực tế, theo Luật cư trú, quản lý thông tin dữ liệu điện tử theo hộ sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, như đã nói, khác với trước đây, cách thức mới sẽ không tiếp tục tạo ra gánh nặng cho người dân. Có thể chưa hoàn hảo, nhưng việc cắt bỏ gánh nặng cho dân chúng đã làm một lựa chọn đáng được hoan nghênh.