Sacombank, Eximbank và SCB cũng còn hàng chục nghìn lượng dư nợ vẫn chưa thu hồi được. Ảnh: Internet
Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) có giấy phép hoạt động ngoại hối được phép huy động vốn bằng vàng, chứng chỉ tiền gửi bằng vàng và tiền gửi bằng đồng nội tệ đảm bảo giá trị theo giá vàng. Điều đáng nói là TCTD còn có thể chuyển đổi tối đa 30% lượng vàng huy động được thành tiền để cho vay. Bên cạnh đó các TCTD cũng được phép phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng vàng và huy động tiền gửi bảo đảm bằng vàng. Việc chuyển đổi và phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng vàng rất hấp dẫn với các TCTD vì có sự chênh lệch rất lớn giữa lãi suất huy động vàng và tiền đồng.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi vàng thành tiền hay phát hành chứng tiền gửi bằng vàng và huy động tiền gửi bảo đảm bằng vàng tương đương với TCTD đã bán khống vàng. Đây không còn là một hoạt động tín dụng thông thường nữa mà các ngân hàng đang đầu cơ vàng. Điều này khiến cho TCTD chịu rủi ro rất lớn khi giá vàng tăng. Trên thực tế điều này đã diễn ra trong giai đoạn từ 2000-2011 giá vàng đã tăng lên rất nhanh từ mức chỉ có 279 USD/oz vào năm 2000 đã tăng vọt lên mức 1.571 USD/oz vào năm 2011, tức là giá vàng đã tăng trung bình 17% mỗi năm trong giai đoạn này. Trong khi đó, giai đoạn này tiền đồng cũng mất giá trung bình mỗi năm 3% so với USD. Như vậy, mỗi đồng vốn đươc chuyển đổi từ vàng hay từ chứng chỉ tiền gửi bằng vàng và tiền gửi đảm bảo bằng vàng thì ngoài lãi suất vàng TCTD đã phải trả thêm 20% mỗi năm cho biến động giá vàng và tỷ giá. Đây là mức lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất huy động trung bình trong thời gian qua. Điều này đã làm cho TCTD chuyển vàng thành tiền bị thiệt hại rất lớn.
Có lẽ NHNN đã nhận ra rủi ro này nên cuối năm 2010, NHNN đã ban hành NHNN ban hành Thông tư số 22/2010/TT-NHNN thắt chặt việc huy động và cho vay vốn bằng vàng. Theo đó thì TCTD không được chuyển đổi vàng thành tiền đồng và cũng chỉ được cho khách hàng chế tạo và kinh doanh vàng trang sức vay. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định số vốn chuyển đổi thành tiền này được giảm dần và tất toán chậm nhất là ngày 30-6-2011.
Trước thời điểm Thông tư 22 có hiệu lực theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 9/2010 có 23 tổ chức tín dụng huy động và cho vay vàng với tổng lượng huy động 92,6 tấn, trong đó 60% được cho vay. Như vậy, nếu 30% số vàng huy động đó đã chuyển đổi thành tiền đồng thì đã làm cho TCTD chịu một rủi ro rất lớn.
Bất chấp thực tế này vào ngày 06-10-2011, NHNN ban hành Thông tư số 32/2011/TT-NHNN cho phép một số NHTM được chuyển đổi tối đa 40% lượng vàng tồn quỹ thành tiền và đồng thời được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro biến động giá. Ngay sau quyết định này chỉ sau 4 ngày các ngân hàng đã bán ra hơn 10 tấn vàng ra thị trường với giá cao hơn giá thế giới 3-4 triệu đồng/lượng. Như vậy, các ngân hàng có thể kiếm lời hơn 1.000 tỷ đồng do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nếu được nhập khẩu vàng vật chất để bù đắp lượng vàng đã bán ra. Tuy nhiên, sau đó không biết có ngân hàng nào được nhập khẩu vàng hay không nhưng chúng ta đã chứng kiến việc các ngân hàng phải khó khăn như thế nào khi mua vàng với giá rất cao để trả lại cho người dân trước ngày 30-06-2013.
Tuy nhiên, dù thực sự đã trả hết vàng cho người dân thì giờ đây ngân hàng cho vay vàng cũng phải chịu một rủi ro rất lớn khi mà vẫn chưa thể thu hồi hết các khoản đã cho vay bằng vàng. Trước thời điểm 30-06, trả lời trên các phương tiện thông tin truyền thông đại diện Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết dư nợ cho vay bằng vàng của ACB hiện còn khoảng 100.000 lượng, với các kỳ hạn cho vay 5-10 năm. Một ngân hàng cũng có dư nợ lớn khác là Southern Bank (PNB), trả với số dư nợ là 118.000 lượng. Một số ngân hàng khác như Sacombank, Eximbank và SCB cũng còn hàng chục nghìn lượng dư nợ vẫn chưa thu hồi được.
Giả sử các ngân hàng đã trả hết vàng cho người gửi thì một lần nữa các khoản cho vay mà chưa thu hồi được lại biến ngân hàng thành một kẻ đầu cơ vàng. Trong trường hợp này các ngân hàng chịu rủi ro rất lớn khi vàng giảm giá. Thực tế điều này đang hiện diện khi giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn thế giới rất nhiều và giá vàng thế giới cũng đang trong xu hướng giảm.
Hiện nay, các ngân hàng đang tích cực thu hồi dư nợ bằng vàng tuy nhiên điều này là không hề dễ dàng vì rất nhiều hợp đồng cho vay vàng với kỳ hạn dài và chưa đến kỳ đáo hạn. Bên cạnh đó, chắc chắn có nhiều trường hợp người vay khó khăn trong vấn đề trả nợ do giá vàng tăng rất mạnh trong thời gian qua và sự khó khăn chung của nền kinh tế. Như vậy, rõ ràng chính sách một lần nữa đẩy TCTD vào một khó khăn mới và có thể khó khăn này nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.