CafeLand - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ký ban hành quyết định bãi bỏ 257 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN. Đáng chú ý, trong đó đã bãi bỏ 12 điều kiện kinh doanh vàng.

Mở cho doanh nghiệp vàng vay vốn ngân hàng?

Hồi đầu tháng 7, Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) đã có công văn kiến nghị lên Thủ tướng, đề xuất bãi bỏ các giấy phép con đang “siết” hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam.

bãi bỏ 12 điều kiện kinh doanh vàng

Cụ thể, trong công văn gửi Thủ tướng, VGTA cho biết, theo Thông tư 33 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thì các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc NHNN.

Tuy nhiên, theo VGTA, trong hơn 4 năm qua chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

VGTA cũng cho rằng, trên thực tế thì vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện. Nếu NHNN hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ thì sẽ trái với tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đó là Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh.

"Vì vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN bãi bỏ quy định tại Thông tư 33 cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng", văn bản nêu.

Và mở cho doanh nghiệp “huy động vàng”?

Trong văn bản kiến nghị, VGAT cũng nêu mong muốn “mở” huy động vàng đối với doanh nghiệp. Hiệp hội cho rằng Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định vấn đề này. Thông tư 11 chỉ chấm dứt huy động vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Hoạt động trên cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24 bởi “các doanh nghiệp chỉ vay vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, chứ doanh nghiệp không cho vay lại, không thu phí giữ hộ”.

VGAT lý luận rằng, hoạt động vay vàng của doanh nghiệp chỉ là một công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và nó không phát sinh lợi nhuận. Do vậy, hoạt động này không thể được coi như hoạt động kinh doanh vàng khác theo quy định của Nghị định 24. Vì vậy, hiệp hội đề nghị “không nên coi hoạt động huy động vàng của các doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh vàng khác để áp đặt doanh nghiệp phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước”.

Liên quan tới câu chuyện “mở huy động vàng” cho doanh nghiệp, trước đó, vào thời điểm tháng 6/2016, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Chủ tịch HĐQT Doji khi ấy là ông Đỗ Minh Phú, cũng là Phó chủ tịch VGAT đã mở hoạt động huy động vàng trong dân trả lãi.

Cụ thể, Doji đã ký văn bản gửi cho khách hàng với nội dung “thông báo về việc lãi suất vay vốn bằng vàng”. Khi đó, trong quy định về hoạt động kinh doanh vàng còn khá “mập mờ”, người cho rằng được, người lại bảo không.

Không là bởi, tại Thông tư số 11 ngày 29/04/2011 của NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động, cho vay vàng. Nhưng, Doji là doanh nghiệp, không phải tổ chức tín dụng, nên có thể nói “không thuộc diện điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật này”.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng lại quy định: Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6, 7, 8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được TTCP cho phép và được NHNN cấp Giấy phép.

Vì vậy, việc huy động vàng - trả lãi khi chưa được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và NHNN cấp Giấy phép là trái pháp luật.

Nếu việc “mở” huy động vàng cho doanh nghiệp được thông qua trong đợt bãi bỏ giấy phép con lần này, đây có thể là một bước đột phá, giúp thị trường vàng lấy lại phong độ bấy lâu đánh mất do các quy định “kìm kẹp” vì lo ngại vàng hoá trong dân của NHNN từ năm 2012 đến nay.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.