4 nguyên nhân khủng hoảng
Nhìn lại thị trường bất động sản thời gian qua, ông Hà cho rằng, sau giai đoạn phát triển nóng 2005 - 2010, thị trường trải qua giai đoạn rất khó khăn, đặc biệt là năm 2011 - 2012. Giá bất động sản giảm, thậm chí, có thời điểm giá nhà giảm tới 30 - 50%; giao dịch đóng băng ở hầu hết các phân khúc; tồn kho bất động sản tại thời điểm năm 2012 lên tới trên 100.000 tỷ đồng.
Theo ông Hà, khó khăn này đã ảnh hưởng không chỉ đến các doanh nghiệp bất động sản, mà còn tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế, như vật liệu, xây dựng, lao động, ngân hàng… Trong đó, có 4 nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng này. Thứ nhất là thị trường những năm qua đã phát triển thiếu quy hoạch; thứ hai là cơ cấu hàng hóa bất động sản phát triển mất cân đối; thứ ba là hệ thống tài chính chưa hoàn thiện; thứ tư là do năng lực các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản còn yếu kém.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Kết quả, thị trường đã có những tín hiệu tích cực. Giá bất động sản ổn định trở lại; lượng giao dịch thành công tăng; tồn kho giảm mạnh. Theo ông Hà, những tháng còn lại của năm, thị trường tiếp tục có xu hướng tích cực. Cơ cấu sản phẩm sẽ được điều chỉnh phù hợp với thị trường.
“Con số dự báo trong chiến lược phát triển nhà ở đến 2020 đã chỉ ra là tốc độ đô thị hóa ở mức 31% hiện nay sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2025. Như vậy, nhu cầu về nhà ở để đáp ứng cho khoảng 30 triệu dân hiện tại sẽ tăng lên khoảng 46 triệu dân đến 2025”, ông Hà nói và nhận định, trong 10 năm tới, thị trường bất động sản vẫn có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Tái cơ cấu thị trường bất động sản
Ông Hà cho rằng, giải pháp để định hướng thị trường phát triển lành mạnh và bền vững trong thời gian tới, trước hết cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thứ hai là nâng cao công tác quản lý nhà nước, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, xác định quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa đặc biệt, được định giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước tham gia thị trường bất động sản với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai, để kiểm soát, điều tiết thị trường phát triển có kế hoạch. Thứ ba là hình thành và tạo điều kiện để các định chế tài chính phát triển, nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường bất động sản, điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường.
“Việc hoàn thiện chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan tới bất động sản sẽ khuyến khích mỗi phân khúc nhà ở cần phát triển, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả bất động sản, cũng như góp phần hạn chế đầu cơ, trốn lậu thuế, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, phát triển đa dạng các loại hàng hóa, nhất là nhà ở, cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục lệch pha cung - cầu hàng hóa cũng sẽ giúp bình ổn thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Hà, một trong những giải pháp được xem là cơ bản nhưng khó gỡ nhất là việc thu xếp nguồn tài chính cho các dự án nhà ở. Ở Việt Nam, hầu hết nguồn tài chính để phát triển thị trường bất động sản phụ thuộc vào ngân hàng. Trong khi nguồn vốn của các ngân hàng đi vay chủ yếu là ngắn hạn, nên cho vay lại cũng chỉ là trung hạn hoặc nếu cho vay dài hạn thì lãi suất cao, để hạn chế rủi ro cho ngân hàng. Vì vậy, ông Hà cho rằng, cùng với việc đổi mới trong công tác tín dụng, việc hình thành các quỹ sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển ổn định, đồng thời giúp người có nhu cầu về nhà ở có thể dễ dàng hơn trong việc tạo dựng chốn an cư.