10/10/2020 7:06 AM
CafeLand - Không ít trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng (như là trần thấm nước, tường nứt, toilet bốc mùi hôi thối…) nhiều lần báo Ban quản lý nhưng chỉ được hứa hẹn mà không hề xử lý, làm ảnh hưởng đến đời sống của cư dân.

Chung cư mới vào ở được gần 1 năm mà trong toilet bốc mùi hôi thối, nhiều lần báo Ban quản lý nhưng chỉ hứa hẹn sẽ cho người lên kiểm tra rồi sửa nhưng chẳng thấy đâu. Vì không thể chịu được mùi hôi thối này nên tôi phải tự tìm hiểu nguyên nhân và sửa, thì ra là do xây dựng ẩu, không tô kín phần thoát hơi nên mùi hôi trong ống thoát quay ngược vào toilet – Anh Tân (ngụ quận 12) chia sẻ.

Anh Bình cũng sinh sống tại chung cư trên địa bàn quận 12 cho biết, lúc nhận nhà thấy trên trần nhà bị rạn nứt, tưởng rằng do lớp sơn không kỹ nên vậy, lúc về ở mới phát hiện là lớp hồ tô vào phần trần bê tông kém chất lượng nên bị bong ra ngoài. Khi báo Ban quản lý thì Ban quản lý cử người lên kiểm tra, người kiểm tra bảo khi nào sửa sẽ báo lại. Nhưng đợi mãi không sửa, hỏi thì bảo bận sửa nhiều nhà, và hứa bao giờ sửa sẽ báo lại sau cho anh.

“Mấy tháng sau xuống hỏi lại Ban quản lý thì Ban quản lý lại bảo anh làm đề xuất lại giúp em, anh không báo lại nên bên Ban quản lý không biết, tưởng là đã sửa xong rồi, mong anh thông cảm”, anh Bình ngao ngán.

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có một số chia sẻ để quý cư dân được biết nhằm đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho mình.

Thứ nhất, đối với chung cư còn thời hạn bảo hành thì Chủ đầu tư phải có trách nhiệm sửa chữa nhà chung cư khi bị hư hỏng.

Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở năm 2014, thời gian bảo hành đối với nhà chung cư tối thiểu là 60 tháng kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng. Như vậy, nếu trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư mà chủ đầu tư quy định thời gian bảo hành dưới 60 tháng thì áp dụng thời gian bảo hành là 60 tháng; trường hợp tại hợp đồng mua bán căn hộ chung cư quy định thời gian bảo hành trên 60 tháng thì áp dụng thời hạn này.

Lưu ý, theo khoản 3 Điều 85 Luật Nhà ở năm 2014, nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.

Thứ hai, đối với chung cư hết hạn bảo hành, nếu các hư hỏng thuộc phần diện tích sở hữu riêng thì chủ căn hộ chung cư phải tự sửa chữa. Các hư hỏng xảy ra ở phần diện tích, trang thiết bị thuộc sở hữu chung sẽ do Ban quản trị chung cư thực hiện bằng quỹ bảo trì.

Thứ ba, nhà chung cư bị hư hỏng mà thuộc các trường hợp được bảo hành và còn trong thời hạn bảo hành như đề cập ở trên thì cư dân phải thông báo với Ban quản lý nhà chung cư. Nếu họ cố ý chây lỳ, hứa hẹn nhưng không sửa chữa thì cư dân phải chủ động yêu cầu họ hiện thực hóa việc hứa hẹn đó bằng văn bản. Có như vậy, sẽ tránh được tình trạng “lời nói gió bay”, khi đó những cam kết bằng văn bản của họ với cư dân sẽ là nguồn chứng cứ để cư dân ý kiến việc làm sai trái của Ban quản lý lên Chủ đầu tư, và thậm chí là có thể kiện Chủ đầu tư ra Tòa án để yêu cầu họ thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, quy định của pháp luật. Chỉ khi nào cư dân quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình như trên thì khi ấy mới hết bị thiệt thòi, Ban quản lý, Chủ đầu tư sẽ bỏ dần tư duy chây lỳ, hứa hẹn.

Chủ đề: Quản lý chung cư
Thổ Kim
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.