10/11/2010 12:58 AM
Trái với những lời giới thiệu “hoành tráng” về chất lượng của các chủ đầu tư, nhiều chung cư mới đưa vào sử dụng đang nhanh chóng xuống cấp.

Tình trạng nứt, gẫy nền móng tại Khu chung cư Nam Trung Yên

Vừa sử dụng đã lún, nứt, thấm dột…

Dạo một vòng quanh khu nhà chung cư Dịch Vọng, Mỹ Đình, Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), các khu chung cư N4A, N4B – Khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Đại Kim – Định Công, Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) ở Hà Nội có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng lún, nứt, đứt gãy tại nền móng của nhiều toà nhà.

Điển hình như các khu nhà B3A, B3B Khu đô thị Nam Trung Yên; các khu nhà A5, B9A, B9B, CT7, CT8, CT9. Tại chân các khu chung cư này, phần nền móng của ngôi nhà nứt những vết rộng có thể đưa cả bàn chân người lớn xuống một số khe nứt giữa móng nhà với phần vỉa hè, bậc lên xuống. Tại một số điểm kết nối giữa cột đứng và dầm ngang cũng xuất hiện các vết rạn nứt ngang dọc...

Ông Đào Vĩnh Phúc, Tổ trưởng tổ dân phố 26, Khu đô thị mới Đại Kim cho biết, tòa nhà A5 được đưa vào sử dụng năm 2005, thì đến năm 2009 đã lún nặng. Hệ thống công trình ngầm của các khu nhà như đường ống nước, cáp viễn thông… có nguy cơ vỡ hoặc vùi lấp nếu tình trạng sụt lún tiếp tục xảy ra. Sau khi có một số thông tin trên báo chí phản ánh về tình trạng lún nứt nghiêm trọng, đơn vị quản lý toà nhà đã cho công nhân tiến hành vá các vết nứt, làm lại bậc thềm, bó vỉa quanh các toà nhà để che các vết nứt. “Nhưng với các sửa chữa ngoài da này, chắc chắn, chỉ một thời gian nữa, các vết nứt sẽ xuất hiện trở lại”, ông Phúc cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Văn Lương, sinh sống tại nhà B3A, Khu đô thị Nam Trung Yên, năm 2006, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã có đợt kiểm tra, phát hiện hàng loạt vấn đề tại khu chung cư này. Đó là các toà nhà đều có hiện tượng lún, sụt nền đất dưới hè, móng công trình, bong gạch lát nền, cửa kính cong vênh, thấm dột tại các công trình phụ... Tại một số công trình, đoàn kiểm tra đã phát hiện những vết nứt qua mạch vữa của khối xây gạch, bong gạch lát nền, thấm sàn khu vệ sinh, tắc đường ống thoát nước…

Sau đợt kiểm tra, các chủ đầu tư đã có những biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, việc sửa chữa chỉ khắc phục được những khuyết điểm “bề mặt”, xoa dịu nỗi bức xúc trong dư luận nhân dân sinh sống tại đây, chứ không giải quyết được một cách căn bản những khiếm khuyết của công trình. Từ đó đến nay, các toà nhà trong dự án này vẫn… “đều đặn xuống cấp”.

Đừng mơ tới chứng nhận hợp chuẩn

Theo Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 của Bộ Xây dựng về chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng, thì tất cả các dự án chung cư cao tầng đều phải có chứng nhận sự phù hợp về chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật. Đó là các tiêu chí: an toàn về khả năng chịu lực; an toàn sử dụng, khai thác vận hành; an toàn về phòng cháy, chữa cháy...

Thông tư này cũng quy định, các tổ chức thực hiện việc chứng nhận chất lượng phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động độc lập, không bị ràng buộc về lợi ích kinh tế, không có quan hệ về tổ chức hoặc các hình thức ràng buộc khác với chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng vật tư - thiết bị, tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát thi công xây dựng của chính đối tượng công trình được chứng nhận chất lượng. Tuy nhiên, đến nay, chưa có đơn vị nào đứng ra giám sát các nội dung này.

Ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, vài năm trước, Sở này đã tổ chức tập huấn cho hơn 500 cán bộ quản lý và chuyên viên của các sở, ban, ngành trực thuộc Thành phố, các phòng xây dựng – đô thị, Ban quản lý dự án quận, huyện, các tổng công ty và các công ty thành viên thuộc bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức tư vấn tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố về việc kiểm tra chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình. Tuy nhiên, thực tế là từ đó đến nay, các quận, huyện cũng ít khi tiến hành kiểm tra chất lượng các dự án chung cư cao tầng trên địa bàn thuộc quyền quản lý. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư khi bán căn hộ chung cư cao tầng cũng đã “lờ” không thông báo với khách hàng về chứng nhận sự phù hợp chất lượng của công trình.

Theo Ban Quản lý một số toà dự án chung cư cao tầng, một khó khăn khác trong việc quản lý, vận hành các khu chung cư cao tầng hiện nay là thiếu kinh phí. Nguồn kinh phí thu từ phí dịch vụ chung cư trung bình khoảng 120.000 đồng/hộ/tháng gồm phí trông giữ xe đạp, xe máy và thu từ dịch vụ cho thuê mặt bằng tầng 1. Theo tính toán của Ban Quản lý Khu chung cư Nam Trung Yên, các khoản thu trên chỉ đủ chi phí hoạt động của bộ máy dịch vụ và sửa chữa hư hỏng thường xuyên.

Tình trạng chung cư vừa mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp đang trở thành hiện tượng phổ biến và đáng báo động.
Cafeland.vn - Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland