Vào một buổi chiều tại sân ga Heuston (Dublin, Ireland), Chuck Feeney chậm rãi bước xuống tàu. Không một hành khách nào liếc mắt nhìn lại vị khách 81 tuổi trong trang phục giản dị. Họ đâu biết Feeney vừa trở về sau chuyến ghé thăm Trường Đại học Limerick, nơi ông cấp các suất học bổng trị giá xấp xỉ 170 triệu USD.

Tỉ phú Chuck Feeney.

Họ càng không biết rằng ông là người đồng sáng lập đế chế cửa hàng miễn thuế Duty Free Shoppers Group có mặt khắp các châu lục. Và điều đặc biệt hơn: trong khi những đại gia lo tích góp tài sản thì Feeney lại cố gắng hết sức để cho mình… rỗng túi.

Trong suốt 30 năm qua, Feeney đã đi khắp thế giới để trao tặng số tài sản 7,5 tỉ USD. Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập đến nay đã rót 6,2 tỉ USD vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế, bảo vệ nhân quyền… tại Mỹ, Úc, Việt Nam, Nam Phi và Ireland. 1,3 tỉ USD còn lại sẽ được chi hết vào năm 2016 và Quỹ sẽ đóng cửa vào năm 2020.

Feeney bắt đầu sứ mệnh “làm rỗng túi” vào năm 1984 khi ông chuyển toàn bộ 38,75% cổ phần sở hữu trong Duty Free Shoppers cho Quỹ Atlantic Philanthropies. Quỹ này là nơi ông thực hiện ước mơ cả đời của mình: làm những điều có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của người khác như mang lại hòa bình cho Bắc Ireland, hiện đại hóa hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam hay bơm 350 triệu USD để biến Roosevelt Island của New York trở thành một trung tâm công nghệ.

Operation Smile, một quỹ từ thiện chuyên tài trợ phẫu thuật hở hàm ếch cho trẻ em ở những nước nghèo, là một ví dụ điển hình cho quan điểm làm từ thiện của Feeney. Ông đã rót 19,5 triệu USD vào quỹ này.

Một điều đặc biệt ở Feeney là ông cho đi một cách rất lặng lẽ. Trong 15 năm đầu tiên, Feeney luôn giấu tên. “Tôi đã phải thuyết phục ban ủy thác rằng tiền Feeney quyên tặng là trong sạch”, Frank Rhodes, nguyên Chủ tịch Đại học Cornell, nhớ lại.

Mãi cho đến năm 1997, những hoạt động từ thiện của Feeney mới bị “đưa ra ánh sáng” sau khi ông bán cổ phần trong Duty Free Shoppers cho hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH.

Hai người đàn ông giàu nhất thế giới, Bill Gates và Warren Buffett, đã gọi ông là nguồn cảm hứng cho cả Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation lẫn Quỹ Giving Pledge, nơi có tới hơn 90 người giàu nhất thế giới chịu tặng 50% tài sản của mình để làm từ thiện.

Theo nhiều cách, Quỹ Atlantic chính là người mở đường cho Quỹ Gates Foundation, khi đề cao nguyên tắc “tối đa hóa hiệu quả từng đồng vốn”, nghĩa là chỉ tài trợ cho các dự án, chương trình tối đa hóa được hiệu quả của từng đồng vốn bỏ ra. Feeney buộc các tổ chức, quỹ từ thiện phải cạnh tranh nhau để được nhận tài trợ. Ông yêu cầu họ trình kế hoạch kinh doanh chi tiết với các cột mốc rõ ràng và công khai. Nếu một dự án đi chệch hướng so với ban đầu, ông sẽ cắt mọi khoản viện trợ.

Các dự án từ thiện của Feeney trải khắp nhiều lĩnh vực. Nhưng có lẽ giáo dục là nơi các dự án của ông tạo ra sức ảnh hưởng lớn nhất. Ông đã bơm hàng tỉ USD vào các dự án nghiên cứu ở đại học tại Ireland và Úc.

Hiện tài sản của ông chỉ còn khoảng vài triệu USD và ông thậm chí không sở hữu một chiếc ôtô. Cho đi hoàn toàn và Feeney sống rất giản dị. Ông ghét sự lãng phí. Ông luôn bay hạng phổ thông thay vì hạng thương gia vì nghĩ có ngồi ghế sang trọng cũng chẳng đưa ông tới nơi nhanh hơn. Ông mang đồng hồ Casio rẻ tiền vì nó cũng báo giờ như đồng hồ hạng sang Rolex.

Cách suy nghĩ này đã giải thích tại sao ông sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn vào các dự án, chỉ cần ông thấy rằng chúng mang lại hiệu quả cao. Lấy ví dụ về khoản tài trợ lên tới 350 triệu USD gần đây của ông. Khoản tài trợ này đã giúp Đại học Cornell và Viện Công nghệ Technion-Israel giành được hợp đồng xây dựng một viện công nghệ trị giá 2 tỉ USD tại Roosevelt Island, New York. Ông tin rằng điều đó sẽ giúp thu hút những kỹ sư và sinh viên ưu tú nhất đến khu vực này. Rồi các hãng công nghệ hàng đầu và những công ty mới sẽ theo chân, từ đó tạo ra hàng ngàn việc làm và hàng tỉ USD doanh thu cho Roosevelt Island.

Một bài học mà Feeney muốn truyền tải tới những thế hệ làm từ thiện sau này là hãy làm từ thiện ngay cả khi bạn đã già hay đã chết và hãy hiến tặng khi bạn vẫn còn sức, còn khả năng gây ảnh hưởng để tạo sự khác biệt cho cuộc sống của người khác. “Những người có tiền đều mang trong mình một nghĩa vụ. Tôi không có quyền bảo họ phải làm gì với số tiền của mình mà chỉ khuyên là nên sử dụng chúng một cách khôn ngoan và có ích”, Feeney nói.

Với những gì Feeney đã làm trong suốt cuộc đời mình, tỉ phú Bill Gates cũng phải thừa nhận: “Chuck Feeney là một hình mẫu đúng nghĩa và là tấm gương tột bậc về sự cho đi hoàn toàn trong khi đang còn sống”.

Theo Nhịp cầu Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.