Chiều 12.8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế tình trạng xuống cấp, nguy hiểm của các tòa nhà chung cư cũ nát ở Hà Nội và bàn các giải pháp xây dựng lại. Có nhiều vướng mắc khiến việc cải tạo, xây dựng mới gần như giậm chân tại chỗ và ở nhiều nơi, người dân mặc dù sống trong chung cư thuộc loại cũ nát, nguy hiểm nhất nước nhưng vẫn nhất định không chịu di dời!
Chung cư B1 Văn Chương (Hà Nội) có từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ảnh: Hải Nguyễn
“Vướng nhiều mặt”!

Đây là nhận định của ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng HN - khi đánh giá về tình hình giậm chân tại chỗ trong thực hiện cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ nát hiện nay. Hiện toàn TP.Hà Nội có 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 4-6 tầng và 10 khu nhà thấp tầng từ 1-3 tầng. Phần lớn những khu nhà này đều đã bán cho người dân sở hữu. Số nhà chung cư cũ tương đương với diện tích 1,7 triệu mét vuông đang cần được cải tạo hoặc xây dựng lại do xuống cấp nghiêm trọng, vì đã xây dựng 30 - 40 năm, như các khu chung cư cũ.

“Nhiều khu nhà đã xuống cấp ở mức độ báo động (mức độ D) như nhà C8 Giảng Võ, E6 Thành Công... nhưng chưa triển khai được, do vướng mắc lợi ích giữa ba bên là Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Người dân không muốn rời đi, do lo ngại không có cơ hội quay về nơi cũ sinh sống, hệ số đền bù thấp, ngại thay đổi môi trường sống... nên nhất quyết không chịu dời đi. Phía doanh nghiệp (DN) thì không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, Nhà nước thì lại không muốn gia tăng mật độ dân cư, thay đổi quy hoạch kiến trúc nên không cho phép xây cao tầng. Chính việc lúng túng không làm thế nào để hài hòa được lợi ích cả ba bên, nên việc cải tạo nhà chung cư cũ bị giẫm chân tại chỗ” - ông Tuấn khẳng định.

Riêng đối với đơn nguyên 3 chung cư C8 Giảng Võ – nơi Bộ trưởng Bộ Xây dựng đi thị sát ngày 12.8 - thì UBND thành phố đã có quyết định di dời các hộ dân đang sinh sống và bố trí tạm cư. Nhưng thực tế, sau khi chống đỡ tạm tránh sụp cầu thang, các hộ dân không đồng ý di chuyển, mặc dù đây là công trình được đưa vào sử dụng từ năm 1979, đã xuống cấp nghiêm trọng. Trao đổi với Bộ trưởng Dũng nhiều hộ dân cho biết, họ không muốn di dời đi chỗ khác vì đã định cư ổn định tại khu nhà này nhiều năm, nếu di dời đi nơi khác sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, việc học hành của con cái.


Chung cư C8 Giảng Võ thuộc diện nguy hiểm. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo ông Tuấn, theo chỉ đạo của Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ban hành vào tháng 12.2009 thì đến nay, các dự án cải tạo nhà chung cư cũ tại HN không có bước tiến nào đáng kể. Mục tiêu giảm mật độ dân số tại 4 quận nội thành từ 1,2 triệu người/km2 xuống còn 0,8 triệu người/km2 vẫn chưa có phương án khả thi!

Kiến nghị cho phép nâng thêm tầng trong nội đô
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tỏ ra hết sức bức xúc với thực trạng người dân không chịu di dời khỏi các chung cư này. Ông Thảo đề nghị Bộ XD kiến nghị với Chính phủ cho nâng thêm tầng khi thực hiện dự án cải tạo nhà chung cư cũ trong khu vực nội đô.

Đề xuất cơ chế tạo thông thoáng cho việc cải tạo nhà chung cư cũ, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, mấu chốt nhất là vướng quy hoạch chung HN và số tầng cao. Chính phủ nên cho phép DN được nâng cao số tầng khi thực hiện dự án cải tạo nhà chung cư cũ đảm bảo bài toán lợi ích, bên cạnh đó, người dân cũng sẽ được nâng cao hệ số bồi thường, sẽ dễ nhất trí hơn với việc cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ.

“Nếu không cho tăng tầng cao thì rất khó bố trí nguồn ngân sách lớn cho việc cải tạo nhà chung cư cũ. Hiện nay, sự đồng thuận, nhận thức đang là rào cản, thách thức cho quá trình thực hiện cải tạo chung cư cũ. Đề nghị, thống nhất quan điểm coi việc xây dựng, tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp và của người dân, không đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp” - ông Thảo nói.

Nhất trí với kiến nghị của thành phố, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ hết sức khó khăn, nhưng đặc biệt quan trọng vì liên quan đến an toàn của người dân, mỹ quan của đô thị. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay và thời gian tới. Tới đây bên cạnh tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện chung cư cũ, trước mắt sẽ phải gia cố ngay những công trình, những bộ phận công trình không an toàn. Cần đánh giá cụ thể, nếu công trình mất an toàn phải kiên quyết đưa người dân ra khỏi nhà nguy hiểm” - Bộ trưởng nói.
Chủ đề: Chung cư cũ,
Song Minh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Một quận Hà Nội muốn xây 3 toà cao ốc trên nền 5 nhà tập thể cũ

    Một quận Hà Nội muốn xây 3 toà cao ốc trên nền 5 nhà tập thể cũ

    Tối 6.3, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư Thành Công gồm các tòa: G6A, G6B, G22, G23, G24 (phường Thành Công). Trong đó, toà G...

  • Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để đẩy mạnh đầu tư chung cư cũ

    Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để đẩy mạnh đầu tư chung cư cũ

    Trong phiên thảo luận dự án Luật Thủ đô sửa đổi sáng 27.11, đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư vào các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay....

  • Những điều cần biết trước khi mua chung cư

    Những điều cần biết trước khi mua chung cư

    Chung cư đang dần trở thành lựa chọn được nhiều người có nhu cầu định cư tại các thành phố lớn ưa chuộng, phần lớn vì mức giá phù hợp hơn so với việc mua nhà mặt đất. Do đó, số lượng dự án chung cư mọc lên ngày càng nhiều, và điều này cũng khiến nhiề...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.