Gần đây, trên các diễn đàn đầu tư bất động sản xuất hiện nhiều bài đăng kêu gọi hình thức đầu tư “bất động sản sầu riêng”. Cụ thể, nếu bỏ ra 3 tỉ đồng để mua 1ha đất cùng với một vườn sầu riêng, nhà đầu tư sẽ có được thu nhập 1 tỉ đồng/năm mà không phải làm gì hết.

Nhà đầu tư sẽ chi khoảng 3 tỷ đồng để mua 1 ha đất nông nghiệp phục vụ cho mục đích trồng sầu riêng - Ảnh Phương Quỳnh.

Chia sẻ về hình thức đầu tư mới này, ông Trần Vũ – người sáng lập công ty nghiên cứu và khảo sát thị trường bất động sản miền Trung SPE.R cho rằng mức lợi nhuận mà môi giới đưa ra là bất khả thi.

“Cây sầu riêng là cây rất khó trồng và khó chăm sóc, phụ thuộc rất nhiều vào thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu và đặc biệt là thời tiết. Nếu điều kiện tốt hàng năm mỗi hec-ta tốn vài chục đến hàng trăm triệu tiền phân thuốc nhân công các loại, còn trong điều kiện xấu thì cây chết hàng loạt hoặc hoàn toàn không ra trái là chuyện hết sức bình thường vậy nên không làm gì cả và không có rủi ro là không chính xác”.

Theo ông Vũ, trước đây sầu riêng Việt Nam chủ yếu tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, chỉ riêng trong năm 2022 nước này đã nhập khẩu đến 4,2 tỉ USD sầu riêng. Có thể thấy Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường xứ Trung và dù đã được xuất chính ngạch nhưng điều kiện rất khắt khe. Mặt khác, Trung Quốc cũng đã triển khai trồng sầu riêng ở Lào và ở đảo Hải Nam từ 4-6 năm về trước và năm nay bắt đầu cho ra lứa quả đầu tiên để tự túc sản lượng.

“Trong khi đó, Hiệp định xuất khẩu sầu của Việt Nam với Trung Quốc ký vào tháng 7/2022 chỉ có hiệu lực trong 3 năm. Như vậy nếu tham gia bất động sản sầu riêng giai đoạn này thì liệu 5 năm sau khi cây ra quả có thể xuất khẩu thuận lợi hay không?” – ông Vũ phân tích.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp, hiện Việt Nam có hơn 100.000ha trồng sầu riêng, vượt xa định hướng 75.000ha năm 2030, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa trong tương lai.

“Chắc hẳn nhiều người còn nhớ hạt Macca từng đạt 200.000đ/kg, người người trồng macca để rồi khi rớt về 30.000đ/kg lại chặt bỏ. Năm 2015, cây hồ tiêu cũng đạt 180.000 đến 200.000đ/kg, nhưng đến lúc thu hoạch lại rớt về 40.000đ/kg, khiến người người bán tháo vườn tược để trả nợ” – ông Vũ lập luận.

Mức lợi nhuận hấp dẫn khi góp vốn đầu tư đất trồng sầu riêng.

Một hình thức huy động vốn?

Theo giới thiệu của môi giới, đất trồng cây là quỹ đất công ty sử dụng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trồng cây.

Diện tích mỗi vườn tiêu chuẩn 1.000m2. Trong đó, phần vốn góp của công ty là quỹ đất và vốn góp tương ứng của nhà đầu tư là 100 triệu đồng. Vốn góp của nhà đầu tư sẽ dùng để trồng mới vườn sầu riêng trên đất của công ty. Lợi nhuận được chia bình quân 34 triệu đồng/năm và kéo dài 20 năm. Ngoài các lợi ích, nhà đầu tư còn được cam kết chia lợi nhuận theo từng giai đoạn.

Theo bài toán mà người kêu gọi đưa ra, tổng thu nhập của nhà đầu tư trong 20 năm là 782 triệu đồng/sào. Trừ đi vốn ban đầu, nhà đầu tư “bỏ túi” 34,1 triệu đồng/sào/năm, lợi nhuận 34,1%/năm. Nhà đầu tư được đứng tên sổ đỏ mỗi sào của công ty để đảm bảo quyền lợi. Nếu công ty không thực hiện theo cam kết, sổ đỏ sẽ thuộc về nhà đầu tư hoặc bán thanh lý để hoàn tiền.

Sầu riêng là cây rất khó trồng, phụ thuộc rất nhiều vào thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu và thời tiết - Ảnh Phương Quỳnh.

Nhận định về hình thức này, ông Vũ cho rằng đây có thể là hình thức huy động vốn “trá hình”: “Các loại hình mời chào đầu tư với lợi nhuận siêu khủng lớn hơn 30% là một hình thức huy động vốn vì sự xuất hiện các mô hình này rất trùng hợp lúc lãi suất tăng cao. Một bộ phận không nhỏ ‘kẹt’ tiền ở các dự án khác nên ‘vẽ’ ra những dự án mới. Một số cá nhân hay tổ chức vụ lợi có thể lợi dụng thời điểm sầu riêng tăng giá để huy động vốn, sau đó sử dụng tiền vào mục đích khác vì dòng tiền huy động này có thời hạn lên đến 5 năm, tương ứng với thời gian cây sầu riêng cho thu hoạch quả. Khi tới thời hạn 5 năm thì lúc đó các vấn đề đã được xử lý xong, chu kỳ bất động sản cũng đang ở giai đoạn đi lên, lúc đó họ có thể bán vườn hoặc lợi dụng điều khoản bất khả kháng để chấm dứt hợp đồng góp vốn đầu tư”.

Điều khoản bất khả kháng mà ông Vũ nhắc đến là khi xảy ra trường hợp bất khả kháng hoặc các trường hợp ngoài khả năng kiểm soát của hai bên bao gồm: Dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, sự thay đổi của luật pháp, chính sách làm ảnh hưởng hoặc chấm dứt hợp đồng này, thì bên vi phạm hợp đồng sẽ không chịu trách nhiệm dân sự và/hoặc bị phạt vi phạm hợp đồng trước bên kia.

“Trong nông nghiệp việc dịch bệnh là không thể tránh khỏi. Lúc này doanh nghiệp viện cớ này thì nhà đầu tư sẽ mất trắng. Vậy nên các nhà đầu tư nên tỉnh táo vì hình thức “đưa tiền của mình cho người khác thay mình quản lý” này đã từng diễn ra trong quá khứ và đem lại nhiều hệ lụy xã hội, đẩy nhiều người vào cảnh trắng tay” – ông Vũ đưa ra lời khuyên.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.