Lewis Allsopp, CEO của công ty môi giới bất động sản Allsopp & Allsopp tại UAE, là người rất tin tưởng vào sức hấp dẫn và tiềm năng đầu tư của những khu căn hộ hàng hiệu.
Ông sở hữu nhiều căn nhà tại các dự án hàng hiệu như Atlantis The Royal Residences và One&Only One Za'abeel ở UAE cũng như W Residences ở Manchester, Vương quốc Anh.
“Một căn hộ hạng sang nằm ở vị trí tốt tại London sẽ không có giá trị bằng một căn hộ hàng hiệu ở vị trí và phân khúc tương đương, vì nó không được hỗ trợ bởi bất kỳ tiện nghi hay dịch vụ nào mà các dự án hàng hiệu có thể cung cấp”, ông nói.
“Những dịch vụ này, chẳng hạn như nhân viên trợ giúp đặc biệt và các nhà hàng chất lượng cao nằm trong khu dân cư đi kèm với một số dịch vụ khác, sẽ giúp kỳ nghỉ của chúng ta tại một thành phố trở nên thú vị hơn”.
“Người mua chấp nhận trả nhiều tiền cho sự tiện lợi mà các khu căn hộ hàng hiệu này mang lại”.
Căn hộ hàng hiệu thường là các bất động sản gắn liền với một thương hiệu đã có tên tuổi, điển hình là các nhà điều hành khách sạn hoặc thậm chí là một nhãn hiệu thời trang như Armani. Dự án mang thương hiệu của một nhà điều hành hoặc nhà mốt đồng nghĩa với việc được cung cấp các thương hiệu, dịch vụ và tiện nghi xứng tầm.
Thông thường - nhưng không phải luôn luôn - những căn hộ hàng hiệu sẽ được bán với giá cao hơn những căn hộ không có thương hiệu. Điều này là nhờ các đặc tính bổ sung đi kèm gồm an ninh và bảo mật, các tiện ích và dịch vụ, chất lượng tài sản được đảm bảo bởi thương hiệu, sinh lời nhờ chương trình ủy thác quản lý cho thuê (rental pool), và tài sản được quản lý toàn diện, chu đáo bởi nhà điều hành.
Theo Báo cáo Căn hộ Hàng hiệu Toàn cầu của Knight Frank, số dự án bất động sản hàng hiệu đang phát triển tại Mỹ hiện dẫn đầu thế giới với 36 dự án, theo sau là UAE (7 dự án), Mexico (7 dự án), Vương quốc Anh (5 dự án) và Ả Rập Xê Út (4 dự án).
Knight Frank cho biết thêm, nhu cầu về ngôi nhà thứ hai trong tương lai, bao gồm cả căn hộ hàng hiệu, dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi mức độ thịnh vượng ngày càng tăng, giao thông và giao thương ngày càng tăng và việc các nhà đầu tư giàu muốn có mở rộng danh mục đầu tư nhà ở.
Theo ông Allsopp, thu nhập và lợi nhuận từ việc đầu tư cho thuê những ngôi nhà có thương hiệu có thể dao động từ 4% đến 8%. Tuy nhiên, phí dịch vụ tại các dự án hàng hiệu luôn cao hơn do cơ sở vật chất đẳng cấp hơn.
Theo Alois Kugendran, Giám đốc mảng bất động sản tại công ty khởi nghiệp về công nghệ bất động sản và cho vay thế chấp Huspy, mặc dù tiền thường không phải là vấn đề đối với giới giàu có mua căn hộ hàng hiệu, nhưng họ cũng rất thông minh trong cách họ quản lý dòng tiền của mình.
“Đa phần họ thanh toán các khoản trả trước hoàn toàn bằng tiền mặt. Đây là một số tiền đáng kể”, ông nói.
“Hầu hết các dự án hàng hiệu là nhà ở hình thành trong tương lai và thường có thời gian xây dựng lên tới 3 đến 4 năm, nên người mua có thời gian để sắp xếp kế hoạch thanh toán thuận lợi nhất. Ở giai đoạn này, nhiều khách hàng sẽ kết hợp giữa tiền mặt và đòn bẩy tài chính”.
“Quy trình thế chấp hoàn toàn giống nhau và tuân theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khách mua căn hộ hàng hiệu có nhiều khả năng trả khoản tiền mặt lớn hơn so với các dự án thông thường”, ông Kugendran nói.
“Lãi suất cố định hoặc thay đổi không tạo ra nhiều khác biệt đối với họ, đặc biệt khi họ có lượng tiền mặt đáng kể để mua nhà. Tuy nhiên, các nhà phát triển cần đảm bảo khách hàng, vốn là những người thông thái, nhận được các gói thanh toán hấp dẫn nhất”.
Theo Oksana Semiletova, cố vấn khách hàng cá nhân cấp cao tại công ty môi giới bất động sản LuxuryProperty.com, năm 2022 có rất nhiều người quan tâm đến căn hộ thương hiệu tới từ Nga và các nước châu Âu khác.
Bà nói: “Phần lớn khách hàng của tôi là người Anh và đến từ khắp Trung Đông. Họ chủ yếu muốn chuyển cả gia đình đến sống và làm việc lâu dài tại UAE để tận dụng cơ sở hạ tầng và chính sách thuế tuyệt vời của quốc gia này. Nhiều nhà đầu tư cũng đang tìm cách tận dụng chương trình thị thực vàng”.
“Có rất nhiều người mua muốn trải nghiệm phong cách sống Dubai và biến nơi đây thành ngôi nhà thứ nhất. Nhiều người khác muốn đầu tư vào một bất động sản mang thương hiệu khách sạn nổi tiếng, đặc biệt là khi các thương hiệu này vẫn duy trì được giá trị của mình ngay cả trong điều kiện thị trường bất lợi”.
Bà cho biết, tại UAE, một căn hộ hàng hiệu hình thành trong tương lai thường được rao bán lại với mức giá cao hơn từ 10% đến 20% so với một căn nhà thông thường.
“Phí dịch vụ tại một khu dân cư hàng hiệu thậm chí có thể cao gấp đôi so với dự án không có thương hiệu nhờ chất lượng cơ sở vật chất và các dịch vụ 5 sao đi kèm, bao gồm, dọn phòng, phục vụ và trợ giúp khách hàng”, bà nói.
“Nhiều căn hộ hàng hiệu được trang bị đầy đủ nội thất, điều này cũng làm tăng thêm phí dịch vụ và giá chuyển nhượng”.
Bà nhấn mạnh, những căn hộ hàng hiệu có giá trị bán lại cao chủ yếu nhờ thương hiệu và chất lượng gắn liền với tổng thể dự án.
“Chúng có thể tăng giá khoảng 20% và mang lại lợi tức đầu tư trung bình từ 6,5% đến 9%, tùy thuộc vào việc chúng được cho thuê dài hạn hay ngắn hạn”.
-
Căn hộ hàng hiệu phục vụ giới siêu giàu vẫn đắt khách
Thị trường nhà ở thế giới đang trải qua giai đoạn suy giảm do lo ngại về suy thoái kinh tế và lãi suất tăng cao. Nhưng phân khúc căn hộ hàng hiệu phục vụ giới siêu giàu vẫn đang hoạt động khá tốt.
-
6 chiến lược đầu tư bất động sản kinh điển cho năm 2024
Bất động sản tiếp tục là một khoản đầu tư hữu ích trong năm 2024, có tiềm năng thu nhập thụ động và tăng giá lâu dài. Đây cũng là một cách thông minh để đa dạng hóa danh mục đầu tư bên cạnh cổ phiếu, trái phiếu và quỹ tương hỗ truyền thống....
-
4 dấu hiệu cho thấy bạn nên dừng giao dịch bất động sản
Trong quá trình giao dịch, nhiều nhà đầu tư bất động sản mới rất ngại việc phải dừng một thỏa thuận mua bán. Dù đã phát hiện ra vấn đề, nhưng phần lớn trong số họ vẫn quyết định tiếp tục giao dịch với tâm lý “được ăn cả, ngã về không”....
-
Nhà đầu tư bất động sản với chủ nhà: 4 điểm khác biệt chính tạo nên thành công
Thông thường, mọi người có xu hướng nhầm lẫn giữa hai vai trò đó là chủ nhà và nhà đầu tư bất động sản.