Lợi ích của doanh nghiệp thì cũng là lợi ích phát triển kinh tế, không có gì xấu, nên cần phải nghĩ tổng thể ra.
Nên nhìn theo hướng lâu dài, toàn diện
Trước đề xuất làm dự án hầm chui vượt sông Hàn, không đồng tình với các chuyên gia quy hoạch khác phản đối hay còn nhiều băn khoăn, KTS Phạm Phú Bình - Phó Chủ tịch Hội KTS TP Đà Nẵng cho biết: "Vừa qua có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề có nên xây dựng hầm chui vượt sông Hàn, mà những ý kiến trên dựa vào phân tích của một số nhà quy hoạch, KTS quy hoạch, các kỹ sư giao thông, đó là những người có từng trải, kinh nghiệm.
Tuy nhiên, đó chỉ là ý kiến, quan điểm cá nhân tạo ra tâm lý đám đông, nhiều người cảm nhận ý kiến của chuyên gia là ý kiến của mình, đa số là ý kiến trái chiều với quyết định của lãnh đạo thành phố. Đó là ý kiến của công luận, của phản biện XH, còn ý kiến của tôi, tôi nhìn nhận ở một góc nhìn khác.
Tôi nghĩ rằng khi lãnh đạo quyết định một vấn đề gì họ cũng có cơ sở của mình, cũng có bộ phận tham mưu, có hiểu biết, có thông tin và họ cũng có tầm nhìn, tầm nhìn chiến lược, bền vững lâu dài của một đô thị phát triển, còn một số ý kiến mang tính xử lý cục bộ, nào là mở rộng cầu sông Hàn, chỉnh trang lại các nút giao thông, thậm chí cải tạo lại cầu Thuận Phước, các giải pháp đó với tôi chỉ là giải pháp tình thế, chứ không phải là giải pháp bền vững, lâu dài.
Bởi vì nó chỉ xử lý tình huống trong một giai đoạn trước mắt, giải quyết bức xúc giao thông, chứ không bền vững.
Mô hình hầm chui vượt sông Hàn
Còn đoạn từ cầu sông Hàn đến cầu Thuận Phước cần có một điểm qua sông, mà điểm qua đó thì bằng giải pháp nào, đa số muốn làm cầu, vì làm cầu tiền đầu tư ít, dễ làm, chi phí bảo hành, bảo dưỡng nhỏ.
Tuy nhiên, dưới góc độ của tôi, tôi thấy làm cầu là không nên, phải giữ lấy mặt sông để tổ chức các lễ hội sông nước, các sự kiện như bắn pháo hoa quốc tế. Nếu làm cầu nữa thì sẽ tạo sự dày đặc, tính chịu đựng của cầu mới là rất khó, vì các cầu cũ có biểu tượng, có thương hiệu hết rồi.
Đặc biệt, thời tiết, khí hậu của Đà Nẵng và miền Trung là thời tiết vùng bão lũ, tất cả đều qua sông, thì khi bão dân qua lại rất khó khăn, không an toàn.
Còn về giải pháp làm hầm chui, nó giải quyết mấy yếu tố: một là, đảm bảo vấn đề lưu thông, bài bản, đồng bộ, đảm bảo lưu lượng lớn một cách bền vững; hai là, định hướng cho được việc đấu nối tàu điện ngầm thứ 2 cho hệ thống tàu điện ngầm Đà Nẵng trong tương lai; ba là, an toàn cho người dân khi mưa bão xảy ra, vì hay có sự cố, tai nạn.
Trong giải pháp thì họ phải nghĩ đến tương lai, tức là đồng bộ hệ thống giao thông thành phố, cái này thì phương án làm cầu không giải quyết được. Chúng ta phải nghĩ đến vấn đề lớn hơn, Đà Nẵng là cửa ngõ của Biển Đông, cho nên vấn đề tình hình Biển Đông rất căng thẳng, liên quan đến an ninh quốc phòng, khi có sự cố thì đó cũng là đường vận chuyển an toàn, nhanh cho công tác an ninh quốc phòng.
Phải nghĩ vấn đề nữa, các chuyên gia khi phân tích vấn đề hiệu quả khi lưu thông, họ chỉ tính đến lượng dân cư bên bán đảo Sơn Trà hiện còn ít, diện tích đất nhỏ, nhưng họ quên mất 1 yếu tố cơ học, hiện nay bên phía biển, khách sạn du lịch, các khu nghỉ dưỡng, các khách sạn 3-5 sao dày đặc, mọc lên như nấm, chỉ riêng lượng khách cũng gấp mấy lần dân.
Đây là dân du lịch, luân chuyển theo cơ học, nó là chuyện tự nhiên, nên phải tính thêm lượng dân khách du lịch, tâm lý của khách là thích khám phá, thích đi tìm cái mới, cái độc đáo, khi có hầm, thì họ muốn đi lại qua hệ thống hầm đó. Chúng ta phải giải quyết được tính tò mò, thích khám phá của khách du lịch, tính đến vấn đề lưu thông, người dân ĐN cũng vậy, tắc đường thì cần phải có phương án khác.
Để thấy nếu làm hầm chui thì nó có nhiều ý nghĩa kể cả về thời tiết, an ninh quốc phòng, phục vụ khách du lịch và bền vững lâu dài dành cho một thành phố năng động, phát triển.
Nó sẽ tạo ra một loại hình qua sông bằng công nghệ cao, làm phong phú các hình thức, thành phố năng động, hiện đại thì phải như vậy. Cho nên khi lựa chọn các phương án phải nghĩ đến tầm chiến lược, tầm nhìn an ninh quốc phòng, an ninh bão lũ và tầm nhìn vấn đề phát triển du lịch".
Bên cạnh đó, theo ông Bình, đúng là nếu xây dựng hầm thì các nhà đầu tư được hưởng lợi chỉ là một phần, còn đó là dân sinh, thời tiết, chuyển đổi hướng giao thông khi mà có các sự cố liên qua đến an toàn của con người.
Mà lợi ích của doanh nghiệp thì cũng là lợi ích phát triển kinh tế, không có gì xấu, nên cần phải nghĩ tổng thể ra. Cần có một hướng nhìn cho tương lai, tức là phát triển hệ thống giao thông ngầm, đầu tư thì phải nghĩ đến tính dự phòng cho tàu điện ngầm đi qua.
Quy hoạch bị phá vỡ ra sao?
Riêng về việc, lần đầu tiên 2 vị cựu chủ tịch UBND TP cùng lên tiếng phản bác chung 1 dự án, ông Bình nhận định: "Trước ý kiến của 2 cựu chủ tịch, chúng ta cần tôn trọng ý kiến, nhưng các bác cũng là công dân, là người dân bình thường, cũng có những phản biện xã hội, đương nhiên, những lãnh đạo mới có quyền của họ, không phải họ không nắm được, nhưng tầm của họ là chiến lược lâu dài.
Chúng ta nên có sự tôn trọng lãnh đạo đương chức, họ có tư duy, mong muốn tầm nhìn của họ, chứ họ không thể phớt lờ dư luận, không phải lúc nào tư duy đám đông cũng đúng, cũng chính xác, cần có sự tôn trọng lãnh đạo.
Trong vấn đề này, tôi thấy, dù làm gì thì làm chỉ cần không phá vỡ cảnh quan trên sông, vì bây giờ khi tâm lý đám đông, đi về 1 phía họ nêu quan điểm, khách quan, tôi thấy lãnh đạo tầm nhìn chiến lược, dám chịu trách nhiệm, khẳng định được thì nên suy nghĩ thấu đáo".
Còn vấn đề chi phí vận hành, tốn kém đầu tư thì theo vị KTS này, đây là điều tất yếu, nhưng tốn kém đó chưa bằng kinh phí của một bệnh viện tuyến trung ương, nên cần nghĩ vấn đề ở mức căn cơ hơn, tầm chiến lược bài bản hơn.
Cũng đừng nghĩ nới cây cầu sông Hàn ra, xử lý các góc ngã tư thì giải quyết được vấn đề giao thông ách tắc, đó chỉ là giải pháp tức thời trước mắt.
"Tôi không phủ nhận chuyện quy hoạch chung của thành phố đang đối diện với nguy cơ bị phá vỡ, nên nếu đã quyết làm giải pháp hầm chui thì phải quyết liệt, căn cơ, triệt để. HN có thể có đường cong mềm mại, nhưng Đà Nẵng khi cần xử lý trục qua sông theo hướng khẳng định thì phải cần bộ phận dân cư đang ở, họ chấp nhận vì còn liên quan vấn đề giải tỏa để tạo ra trục cảnh quan mới, rộng hơn, đàng hoàng hơn, vì thế phải tạo điều kiện cho dân cư đến điểm mới tốt hơn.
Nhưng đứng trước nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch, thì tham vọng thành Singapore thứ hai của Đà Nẵng sẽ mãi là chỉ ước vọng, mong muốn của lãnh đạo Đà Nẵng và cả nhân dân thành phố này, thậm chí là người dân cả nước.
Tuy nhiên, người ta nói nhân vô thập toàn, con người không phải là tuyệt đối, từ các thế hệ trước khi phát triển quy hoạch đô thị Đà Nẵng, không phải trọn vẹn hết, cần nhiều chỗ cần chỉnh trang đô thị, điều chỉnh quy hoạch theo tư duy, tầm nhìn về phát triển.
Để hướng tới một đô thị điển hình như Singapore, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm, phải chỉnh trang dần, như hiện tại TP tổ chức cuộc thi quảng trường trung tâm ĐN, kéo dài từ đường Trưng Vương chợ Hàn sang sông Hàn, đó cũng là phát triển đô thị ở dạng quyết liệt, dám làm, dám xóa bỏ chợ Hàn.
Nghĩa là từng bước để có những chiến lược chỉnh trang đô thị, cái gì làm được thì sau này tiếp tục làm, thế hệ trước chưa làm được thì thế hệ sau hãy tiếp tục, thay đổi tư duy theo hướng mới hơn. Còn khó khăn thì thành phố nào cũng khó khăn, còn Đà Nẵng có làm được hay không thì do ý chí của lãnh đạo, người dân thành phố.
Đà Nẵng cũng có một đặc thù, có thuận lợi là thành phố nhỏ, trẻ và năng động nên thuận lợi hơn so với các thành phố khác, nhưng nếu không biết tận dụng thì nguy cơ tụt lùi so với 20 năm trước là điều khó tránh được", ông Bình phân tích thêm.
Châu An (Đất việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.