Sau bốn phiên họp trong vòng hơn một năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã quyết phương án làm hầm thẳng vượt sông Hàn, dù chủ trương này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Chiều 27/12, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng họp quyết định làm "hầm hay cầu" vượt sông Hàn ở đoạn giữa cầu quay và cầu Thuận Phước.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Trung (Giám đốc Sở Giao thông vận tải, người được Bí thư Thành uỷ Nguyễn Xuân Anh uỷ quyền phát ngôn) cho biết, ban lãnh đạo thành phố đã quyết phương án làm hầm thẳng vượt sông Hàn của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- Bộ Giao thông Vận tải). Dự án có kinh phí 4.700 tỷ đồng; khoảng 210 hộ dân ở hai đầu nút vào hầm sẽ được đền bù giải tỏa để thi công.
"Dự kiến năm 2018 sẽ khởi công và hoàn thành trong khoảng 36 tháng", ông Trung nói và cho biết với quyết định làm hầm, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã cân nhắc rất nhiều yếu tố như muốn giữ lại mặt sông rộng 2,5km; giao thông qua hầm trong mùa mưa gió thuận lợi hơn cầu...
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định làm hầm chui vượt sông Hàn để giữ lại khoảng mặt sông từ cầy quay về cầu Thuận Phước. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trước đó từ giữa tháng 6/2016, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã nghe UBND thành phố báo cáo phương án làm hầm của BRITEC với tổng chiều dài 1.315 m (trong đó đoạn hầm chìm dài 900 m), quy mô 6 làn xe cơ giới.
Hầm nối tại điểm giao đường Đống Đa, Trần Phú, bờ Tây sông Hàn chạy theo hình chữ Z qua kết nối với đường Vân Đồn, Sơn Trà.
Do có nhiều ý kiến không đồng tình với phương án trên của các chuyên gia, Ban Thường vụ Thành ủy giao UBND TP Đà Nẵng tổ chức thi tuyển quốc tế phương án công trình vượt sông Hàn. 6 trong 7 phương án tham gia thi tuyển chọn làm cầu, duy nhất BRITEC tiếp tục đề xuất hầm với một số điều chỉnh. Tổng mức đầu tư dự án 4.100 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm. Đến nay không có thông tin về kết quả của cuộc thi.
Gần đây, Ban thường vụ Thành ủy quyết chủ trương làm hầm. BRITEC trình lên ba phương án, bao gồm thiết kế hầm thẳng và hầm cong. Lãnh đạo Đà Nẵng chọn làm hầm thẳng nhằm giảm độ dốc khi vào hầm để an toàn hơn khi lưu thông, dù chấp nhận phải chi ra một khoản tiền không nhỏ giải tỏa đền bù.
Chủ trương làm hầm của lãnh đạo TP Đà Nẵng đang nhận những dư luận trái chiều. Nhiều chuyên gia cho rằng thành phố chưa cần thiết phải làm hầm vượt sông vì phải chi ra một số tiền lớn, chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm rất lớn trong khi khu vực dân cư từ phía quận Hải Châu sang quận Sơn Trà không thực sự lớn, chỉ khoảng 150.000 hộ dân của 3 phường.
Một số ý kiến khác cho rằng nên làm cầu thay vì làm hầm, với chi phí khoảng 2.000 tỷ đồng, hoặc nâng cấp cầu quay hiện tại chỉ tốn khoảng 1.500 tỷ đồng.
Với quyết định làm hầm, Đà Nẵng là địa phương thứ hai ở Việt Nam sau TP HCM làm hầm vượt sông. Ảnh chụp từ thiết kế của BRITEC.
Với quyết định làm hầm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, quãng đường 12 km từ cầu Đỏ về cầu Thuận Phước có tổng cộng 11 công trình vượt sông, với khoảng cách gần 1,1km có một công trình. Hiện Đà Nẵng có khoảng 1,1 triệu dân với 60.000 ôtô, gần 800.000 xe máy, tỷ lệ tăng trưởng ôtô mỗi năm gần 12%, xe máy gần 8%.
Nguyễn Đông (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.