Nhiều người Trung Quốc đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán đầu tiên ở nước ngoài kể từ năm 2020. Làn sóng tìm mua nhà mới mạnh mẽ ở khắp châu Á của họ đã bị dập tắt đột ngột vào năm 2020 bởi đại dịch hoặc bị hạn chế xem và mua bất động sản trực tuyến.
Khi Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết các quy tắc nghiêm ngặt của chính sách zero-Covid và cho phép người dân ra nước ngoài, nhiều người dường như bắt đầu hành động theo các kế hoạch đã bị trì hoãn từ lâu, bao gồm việc lần đầu tiên đến thăm những bất động sản mà họ đã mua hoặc tìm những nơi ở mới ngoài Trung Quốc.
Sulochana Uthirapathi, người sáng lập Transform Borders, một công ty chuyên về các vấn đề nhập cư ở Singapore, cho biết trong tháng vừa qua, bà đã nhận được hàng loạt câu hỏi từ những khách hàng Trung Quốc về dự định chuyển đến sinh sống tại Singapore.
Bà ước tính số lượng yêu cầu đã tăng lên tới 30% – phần lớn là từ những công dân Trung Quốc giàu có đang muốn thành lập văn phòng gia đình của riêng họ tại đảo quốc này.
“Hầu hết họ là những cá nhân giàu có muốn chuyển cả gia đình đến Singapore. Để làm điều này, họ thường thành lập các văn phòng gia đình. Ngoài ra, họ cũng cho con cái đến đây học tập”, bà nói.
Nhưng cùng với việc lên kế hoạch cho kỳ nghỉ ở nước ngoài đầu tiền kể từ cuối quý đầu tiên của năm 2020, các đợt phong tỏa kéo dài trong vài năm qua đã để lại dấu ấn nhất định, ảnh hưởng đến việc định hình tương lai của những khách hàng có nguồn tài chính dồi dào. Nhiều người giàu có đang muốn chuyển khỏi Trung Quốc để bảo vệ khối tài sản của mình và tránh bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế đang khủng hoảng, đồng thời tìm kiếm nhiều quyền lợi và cơ hội hơn ở nước ngoài về nhà ở, chế độ y tế và giáo dục mà có thể rẻ hơn trong nước.
Chung Ting Fai, một luật sư tư vấn cho các văn phòng gia đình ở Singapore, dự báo làn sóng công dân Trung Quốc chuyển đến Singapore sẽ tăng tốc trong những tháng tới.
Các yếu tố thu hút người giàu Trung Quốc của Singapore bao gồm luật pháp, ngôn ngữ và các mối quan hệ văn hóa, cũng như khả năng kết nối của nước này với phần còn lại của Đông Nam Á.
Đối với người dân thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc muốn chuyển tiền ra nước ngoài, Đông Nam Á cung cấp rất nhiều khoản đầu tư hợp lý hơn với mức giá rẻ hơn trong nước.
Lĩnh vực bất động sản ở Malaysia cũng đang hưởng lợi từ điều này. Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, các công ty bất động sản lớn tại đây đều kỳ vọng khách hàng Trung Quốc giàu có sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng.
Theo Fifi Syafiza, một chuyên gia đàm phán bất động sản của công ty Keller Williams Malaysia, một loạt các giao dịch đã được hoàn tất sau khi lệnh cấm ra nước ngoài tại Trung Quốc được gỡ bỏ. Thị trường nhà ở tại Malaysia vốn là nơi mà khách Trung Quốc đã nhắm đến trước khi đại dịch xảy ra.
Cô nói: “Họ luôn quan tâm đến bất động sản tại Malaysia, nhưng đã phải tạm dừng giao dịch do lệnh cấm đi lại của chính phủ”.
Người mua từ Trung Quốc đại lục đã rót khoảng 2 tỷ USD vào thị trường này trong năm 2018. Fifi cho biết phản ứng tức thì của khách Trung Quốc đang cho thấy triển vọng tươi sáng cho lĩnh vực bất động sản tại Malaysia.
Malaysia cũng cung cấp thị thực dài hạn cho người nước ngoài sinh sống tại quốc gia này theo các chương trình Malaysia My Second Home và Silver Hair, cho phép người nước ngoài mua bất động sản nhà ở trị giá ít nhất 1 triệu Ringgit Malaysia. Theo dữ liệu của chính phủ, hiện có hơn 53.000 người tham gia tích cực vào hai chương trình này tính đến tháng 8 năm ngoái.
Ở nước láng giềng Thái Lan, vốn từ lâu đã là thiên đường ngập tràn ánh nắng cho nhiều công dân Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư, doanh số bán căn hộ cũng được dự đoán sẽ tăng khi khách Trung Quốc quay trở lại.
Các phương tiện truyền thông địa phương đã đưa tin về sự gia tăng nhu cầu đối với các trường quốc tế và viện dưỡng lão cho người già. Trong khi đó, các nhà hoạch định kinh tế Thái Lan cho biết lượng khách du lịch có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng vượt quá 4% vào năm 2023.
Một diễn đàn kinh doanh lớn, có thể thu hút 4.000 nhà đầu tư và doanh nhân Trung Quốc, sẽ được tổ chức tại Bangkok vào tháng 6 năm nay. Đây là một dấu hiệu cho thấy Thái Lan định vị quốc gia này là một trung tâm kinh doanh của khu vực và chắc chắn sẽ thu hút lao động nước ngoài từ Trung Quốc.
Nhưng kế hoạch định cư ở Thái Lan của nhiều người Trung Quốc có thể bị cản trở sau khi thị thực dài hạn cho công dân Trung Quốc bị đình chỉ do một vụ bê bối lớn về ma túy, rửa tiền và tham nhũng liên quan đến các băng nhóm xã hội đen Trung Quốc và các quan chức Thái Lan.
Một phần của vụ bê bối vẫn đang tiếp diễn, bao gồm cáo buộc về việc sử dụng các quỹ không có thật có trụ sở tại Thái Lan để cho phép hàng nghìn công dân Trung Quốc vào Thái Lan theo dạng thị thực giáo dục và các hoạt động tình nguyện trong đại dịch. Một số người Trung Quốc sau đó bị phát hiện là đã mua tài sản và làm việc cho tập đoàn tội phạm tại các điểm giải trí về đêm bất hợp pháp.
Điều này đã khiến các đại lý bất động sản Thái Lan gặp khó khăn vì họ rất kỳ vọng vào khách hàng Trung Quốc. Hiện tại, họ phải nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng những người chủ nhà mới có thể được ở lại Thái Lan sau khi kết thúc thời hạn 30 ngày của visa du lịch.
“Khách hàng Trung Quốc đang mua tới 25% tổng số căn hộ. Nhưng lo ngại về các băng nhóm xã hội đen Trung Quốc đang làm quá trình xin thị thực dài hạn trở nên hết sức khó khăn”, một luật sư về di trú tại Thái Lan cho biết.
-
Các nước Đông Nam Á đẩy mạnh cấp thị thực cho người nước ngoài để kích cầu bất động sản
Indonesia sắp công bố thêm thông tin về chương trình thị thực dài hạn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, ngành bất động sản và du lịch được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
-
Thị trường chung cư Đông Nam Á tăng trưởng kép 7,5%/năm giai đoạn 2023 - 2028
Thị trường chung cư và căn hộ ở Đông Nam Á được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,5% trong 5 năm tới, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung trên toàn cầu.
-
Làn sóng người mua nhà Trung Quốc tại Đông Nam Á “hạ nhiệt”
Làn sóng các nhà đầu tư trung lưu Trung Quốc mua bất động sản ở khu vực Đông Nam Á trước đại dịch hiện đang hạ nhiệt khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái khiến họ gặp khó về mặt tài chính.
-
Giá bất động sản hậu cần tại Đông Nam Á tăng nhanh trong nửa đầu năm 2023
Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank vừa qua đã công bố báo cáo về thị trường bất động sản logistics châu Á – Thái Bình Dương 6 tháng đầu năm, làm rõ về sự tăng trưởng bền vững của phân khúc này trên toàn khu vực....