12/10/2021 8:41 AM
Bất động sản hàng hiệu đã xuất hiện trên thế giới từ lâu, nhưng ở Việt Nam loại hình sản phẩm này vẫn còn mới. Đó là một trong những lý do khiến nhiều nhà đầu tư còn e dè.

Ảnh minh hoạ

Nhiều người chưa quen

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nhận biết xu hướng và tiềm năng phát triển bất động sản hàng hiệu” do VnEconomy tổ chức ngày 11-10, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển & Kinh doanh, cho biết trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh; đồng thời nhóm người giàu và người cực giàu cũng tăng tương ứng.

Nắm bắt xu thế này, nhiều chủ đầu tư cũng đã cho xây dựng những khu nhà ở cao cấp có giá lên tới hàng triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này vẫn tăng trưởng chậm.

Theo ông Nghĩa, điều đó cho thấy bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam chưa mạnh không phải do người dân không có tiền, mà chủ yếu do chưa thể thay đổi thói quen. Họ chưa tiếp nhận được những dự án cao cấp, mà ở đó bao gồm nơi làm việc, nhà ở, khu nghỉ dưỡng, tiện ích giải trí.

Mặt khác, chính chủ đầu tư dự án cũng tỏ ra e dè khi phải đầu tư một đống tiền nhưng rủi ro thanh khoản luôn thường trực.

Nếu nguồn vốn đầu tư được lấy từ các khoản vay ngắn hạn, vay ngân hàng thì sẽ khiến chủ dự án khó khăn về dòng tiền trong tương lai gần, khả năng thu hồi vốn chậm.

Cũng theo ông Nghĩa, bất động sản hàng hiệu cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Thực tế cho thấy dịch bệnh hay thảm họa ảnh hưởng đến người giàu rất ít, chủ yếu ảnh hưởng tới người nghèo.

Ông Gibran Bukhari, Giám đốc khối Kinh doanh Masterise Homes, cho biết ngay từ thời điểm trước khi đại dịch diễn ra, đơn vị này cũng đã ghi nhận nhu cầu về bất động sản hàng hiệu tại thị trường Việt Nam.

Đó là chuẩn mực sống siêu sang gần như không bị gián đoạn bởi giãn cách xã hội. Vì ở đó, cư dân đã có thể trải nghiệm những dịch vụ, tiện ích tiêu chuẩn cao nhất ngay trong khu căn hộ của mình.

Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho biết ở thời điểm hiện tại, nguồn cung trên thị trường hầu như không có. Hiện một số chủ đầu tư phát triển bất động sản hàng hiệu.

Trong khi đó, giới nhà giàu không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới đều có nhu cầu mua hàng hiệu nói chung và bất động sản hàng hiệu nói riêng.

Bà Dung cho biết tại Bangkok hay Singapore, những sản phẩm bất động sản hàng hiệu được chào bán giá top thị trường. Thời gian đầu người mua dè dặt, nhưng sau 10 năm mức tăng trưởng về giá tốt hơn.

Nghiên cứu những năm gần đây cho thấy trong cùng một vị trí, bất động sản hàng hiệu có mức giá khác biệt, tăng 20-30% trong vòng 5 năm.

Cách nào để thay đổi?

Ông Nghĩa cho rằng muốn phân khúc này phát triển, các chủ đầu tư không chỉ phô trương về sự xa xỉ mà còn phải mang lại thêm nhiều giá trị khác như phòng đọc sách, phòng hòa nhạc, khu giải trí, khu nghỉ dưỡng. Song song đó phải thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, khiến họ thích ở những dự án cao cấp.

“Làm sao để người dân ở cảm thấy không cần đi đâu xa vẫn có thể nghỉ ngơi, thuận tiện trong công việc, thuận tiện chăm sóc gia đình và đặc biệt có cộng đồng dân cư có nhiều điểm chung”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, nhà đầu tư không nên chọn khu đất xây dựng quá xa trung tâm. Nếu sau này muốn hút vốn đầu tư nước ngoài thì có thể nghĩ đến việc phát triển thêm tại các khu vực khác tuỳ theo tình hình lúc bấy giờ.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam, cho rằng nhiều người Việt có tính khiêm tốn cao nên không muốn khoa trương.

“Khi nào họ vượt qua được sự e dè, không sợ người khác nói mình giàu thì đó là thời điểm bất động sản hàng hiệu phát triển”, ông Bảo nhận định.

Ông Bảo cũng cho rằng bất động sản hàng hiệu phải dựa rất nhiều vào quy hoạch trong nước. Ví dụ, đã là hàng hiệu phải có biển hoặc có sông. Trong trường hợp cảng du lịch và các cầu cảng cư dân ít thì khó có thể phát triển phân khúc này.

  • Bất động sản hàng hiệu sẽ là xu hướng trong vài năm tới

    Bất động sản hàng hiệu sẽ là xu hướng trong vài năm tới

    CafeLand - Bất động sản hàng hiệu (branded residences) là phân khúc được nhắc đến nhiều thời gian gần đây. Dữ liệu mới đây của Savills cho thấy Việt Nam thuộc nhóm 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt trong lĩnh vực bất động sản hàng hiệu trên thế giới.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.