22/06/2023 9:26 AM
6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu xi măng Việt Nam tiếp tục sụt giảm vì một số quốc gia đã thực hiện áp thuế, trong khi đó thị trường Trung Quốc vẫn giảm nhập khẩu do bất động sản chưa hồi phục.

Thị trường bất động sản trầm lắng đang tác động trực tiếp đến hệ sinh thái toàn ngành, khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như xi măng gặp khó.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, ngoài khó khăn do nhu cầu thị trường giảm thì ngành xi măng đang đối mặt với khó khăn về giá năng lượng, chi phí vận tải tăng, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% kể từ 1/1/2023. Riêng đối với mặt hàng xi măng, do không có trong biểu khung thuế nên không chịu thuế xuất khẩu.

Xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo Bộ Xây dựng, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker trong 6 tháng đầu năm đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu ước đạt 700 triệu USD.

Hiện nay, 3 thị trường xuất khẩu xi măng chính của Việt Nam là Philippines, Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc). Còn với clinker, các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Bangladesh, Philippines.

Là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (ước tính khoảng 65% lượng xi măng, clinker xuất khẩu) nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc khá ảm đạm do thị trường bất động sản nước này chưa hồi phục hoàn toàn. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc giảm hơn 95% so với cùng kỳ năm ngoái.

VNCA nhận định, xuất khẩu xi măng và clinker thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn khi nhu cầu xây dựng của thị trường chính là Trung Quốc vẫn trầm lắng. Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng thị trường bất động sản nước này chưa khởi sắc, dẫn tới xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam vẫn gặp khó khăn.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Philippines mới đây cũng đã công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với sản phẩm xi măng từ Việt Nam. Theo đó, một loạt doanh nghiệp có tên tuổi lớn như Xi măng Long Sơn, Hạ Long, Thăng Long, Vissai Ninh Bình, Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng... đều trong diện bị áp thuế phá giá tạm thời. Đáng chú ý, có doanh nghiệp thương mại còn bị áp thuế cao lên đến hơn 23%.

Hiện tại, kênh xuất khẩu xi măng sang thị trường châu Âu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang vấp phải rào cản lớn bởi dự kiến từ tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, khi CBAM có hiệu lực, các sản phẩm xi măng của Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể bị ảnh hưởng.

Để gỡ khó cho ngành xi măng, VNCA kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xuất khẩu xi măng để điều tiết nguồn cung dư thừa, đồng thời thực hiện giảm hoặc tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10%.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng khuyến cáo các doanh nghiệp ngành xi măng cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để giữ giá bán ổn định.

  • Tìm đầu ra cho xi măng khi bất động sản đóng băng

    Tìm đầu ra cho xi măng khi bất động sản đóng băng

    Trong bối cảnh tồn kho tăng cao, việc tích cực sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam có thể giúp ngành xi măng giải quyết được bài toán tiêu thụ.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.