CafeLand – Có những dự án đất nền không hề tồn tại trên thực tế, được một số cá nhân và công ty bất động sản “tưởng tượng” để chào bán cho khách hàng. Điều đáng nói là những “dự án ma” này đều được quảng bá rầm rộ và thu hàng trăm tỉ đồng từ những khách hàng bị “sập bẫy”.

Hàng loạt “sếp” bất động sản bị khởi tố

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt Nguyễn Thị Diệu Thúy (36 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM), Giám đốc Công ty Tiên Phong Land, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Được biết, từ năm 2018, bà Thúy đã nhận chuyển nhượng một lô đất có diện tích 2.462m2 tại phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM. Phần lớn diện tích lô đất là đất nông nghiệp, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, chưa lập thủ tục xin thành lập dự án.

Tuy nhiên, bà Thúy đã thông qua Công ty bất động sản Eagle Land để vẽ ra dự án ảo mang tên “Khu dân cư mới Gò Cát - Phú Hữu, quận 9” với 29 nền đất có diện tích 50-80m2 rồi rao bán cho 22 khách hàng, chiếm đoạt số tiền hơn 41,5 tỉ đồng.

Người mua đất nền tại "dự án ma" của Tiên Phong Land căng băng rôn cầu cứu

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cũng đã nhận được đơn tố cáo của nhiều khách hàng mua nền đất tại dự án khu dân cư An Điền 1 và An Điền 2 (thị xã Bến Cát) do công ty Cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc SP Land làm chủ đầu tư.

Theo phản ánh của người mua, từ năm 2018 họ đã đặt cọc để mua các nền đất tại dự án An Điền 1, 2 và được SP Land cam kết sẽ bàn giao nền đất sau 9-12 tháng. Tuy nhiên, cam kết này đã không được thực hiện, khu đất của dự án hiện vẫn chỉ là bãi cỏ mọc um tùm.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, trước đây Công ty SP Land có xin chủ trương đầu tư dự án An Điền 1 và 2, nhưng cả hai dự án này chưa được cơ quan chức năng cấp phép, do đó chưa đủ điều kiện để bán.

Tại tỉnh Đồng Nai, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này cũng vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đình Chính, Giám đốc Công ty bất động sản Rồng Đất (có trụ sở tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, ông Chính với danh nghĩa là giám đốc Công ty Rồng Đất đã quảng bá rầm rộ và rao bán cho nhiều khách hàng nền đất tại dự án khu dân cư tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa.

Tuy nhiên, sau khi nhận đặt cọc hàng chục tỉ đồng của khách, ông Chính đã không thể bàn giao nền đất cho người mua. Sau đó, khách hàng phát hiện dự án mà công ty này rao bán không có trên thực tế.

Nhận thấy dấu hiệu dự án ảo, bị lừa đảo nên nhiều khách hàng sau đó đã gửi đơn tố giác đến cơ quan công an.

Biết nhưng vẫn bị lừa

Trong những năm gần đây, làn sóng đầu tư bất động sản tại các vùng ven TP.HCM như Bình Dương, Long An hay Đồng Nai diễn ra rầm rộ. Bên cạnh những dự án được đầu tư bài bản, uy tín thì cũng có không ít dự án đất nền manh mún, thậm chí lừa đảo khiến rất nhiều người mua chịu cảnh tiền mất tật mang.

CafeLand từng nhận được rất nhiều đơn cầu cứu của của bạn đọc lâm vào tình cảnh tương tự tại nhiều dự án ở Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Có trường hợp người mua đặt cọc nhưng sau đó muốn rút lại không được, có trường hợp khác là đã đóng tiền đầy đủ nhưng mãi không được chủ đầu tư giao sổ đỏ, nhưng đau khổ hơn cả là các trường hợp đã đóng tiền nhưng sau đó tá hoả vì phát hiện dự án không có thật, bị lừa đảo…

Có một chiêu thức chung thường được các công ty bất động sản, môi giới giăng ra để dụ người mua sập bẫy là tên doanh nghiệp. Những công ty này thường có tên gọi na ná với nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Cách làm này giúp họ “dựa hơi” thương hiệu của các doanh nghiệp bất động sản lớn để gây dựng lòng tin với khách hàng.

Cùng một chiêu thức lặp đi lặp lại nhưng nhiều người mua vẫn sập bẫy các "dự án ma"

Một số quảng cáo rao bán dự án tại khu vực vùng ven TP.HCM nhưng khi khách hàng lên xe họ đưa thẳng đến Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…Trong quá trình đó, họ tìm mọi cách như chiết khấu khủng, tặng vàng, tặng xe, cam kết lợi nhuận cao… để người mua ký hợp đồng đặt cọc.

Phản ánh đến CafeLand, nhiều khách hàng cho biết, trước khi đi họ đã tìm hiểu và đọc nhiều thông tin về các chiêu thức lừa đảo trên nhưng không hiểu sao họ vẫn bị lừa.

Anh Trung, một nhà đầu tư bất động sản có hơn 10 năm kinh nghiệp, cho rằng có 3 lý do phổ biến khiến cho nhiều người mua đất nền bị sập bẫy.

Thứ nhất là tâm lý đầu tư theo đám đông. Nhiều người dù chưa tìm hiểu kỹ thông tin về dự án nhưng thấy số đông đồn thổi, hám lợi trước mắt khi thấy cam kết lợi nhuận cao, ra hàng nhanh chóng nên bị lừa. Họ không biết rằng phần lớn những khách hàng mua cùng mình đều là người “nội bộ” của các công ty bất động sản.

Thứ hai, người mua thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm. Nhiều người mua nhà đất vẫn chỉ quan tâm lợi nhuận mà chưa chịu khó tìm hiểu kỹ càng thông tin về dự án, chủ đầu tư cũng như quy hoạch, pháp lý dự án.

Thứ ba, không tìm hiểu hoặc không nắm vững các điều khoản trong hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán.

Cách nào để soi một dự án?

Theo luật sư Đàm Bảo Hoàng, Đoàn luật sư TP.HCM, dù hiện nay tình trạng lừa đảo bất động sản có nhiều thủ đoạn tinh vi nhưng nếu người mua cẩn thận thì sẽ có những biện pháp để hạn chế rủi ro trong quá trình đầu tư.

Luật sư Đàm Bảo Hoàng

Đầu tiên, người mua cần kiểm tra lý lịch và tên tuổi của chủ đầu tư xem doanh nghiệp có từng bị kiện tụng tranh chấp gì hay không. Sau đó, lên Internet để kiểm tra sơ bộ thông tin dự án.

Bước thứ hai cần đến UBND phường/xã nơi có dự án để kiểm tra xem dự án có giấy tờ gì chưa, có sổ đỏ chưa, đã được phê duyệt chưa, có giấy phép xây dựng hay chưa. Sau đó, đến UBND quận nơi có dự án xem quy hoạch của dự án.

Sau khi tiến hành xong các bước trên, người mua mới đến gặp chủ đầu tư. Trước khi đặt cọc xuống tiền, người mua cần yêu cầu chủ đầu tư cho xem dự án đã được ngân hàng bảo lãnh chưa. Hiện nay, nhiều người không chú ý việc này dù Luật kinh doanh bất động sản đã có quy định.

Nếu là dự án xây dựng hình hành trong tương lai phải xem dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng (đường xá, điện nước,...) hay chưa. Nếu chưa thì rủi ro cho người đi mua là rất cao vì nhiều chủ đầu tư chưa làm cơ sở hạ tầng nhưng đã mang dự án đi kinh doanh trong khi quy định là phải làm cơ sở hạ tầng mới được bán.

Nếu sau khi ký hợp đồng rồi mới biết chủ đầu tư sai phạm thì nhà đầu tư phải đi thu thập chứng cứ để khẳng định rằng chủ đầu tư sai phạm và làm việc với chủ đầu tư. Cần lập biên bản cam kết sẽ xử lý sai phạm trong bao lâu. Nếu quá thời gian đó mà vẫn chưa khắc phục thì chế tài như thế nào, cần phải liệt kê rõ trong văn bản này và yêu cầu phía chủ đầu tư ký vào.

Trong trường hợp chủ đầu tư không hợp tác, nhà đầu tư phải làm đơn khiếu nại và khởi kiện ra tòa. Có thể yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc thanh lý hợp đồng. Nếu không đủ khả năng thu thập chứng cứ thì cần nhờ các đơn vị tư vấn pháp luật như luật sư để tránh rủi ro tiền mất tật mang hoặc khiếu nại kéo dài.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.