Triền vọng kinh tế xấu hơn
Thế giới từng kỳ vọng đỉnh dịch sẽ qua đi khi bước vào những tháng cuối của năm 2021. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Các vấn đề cấp thiết trong đại dịch đang trở lại, bao gồm tiêm nhắc lại với các mũi vắc-xin, trì hoãn mở cửa các văn phòng, và tiếp tục đóng cửa biên giới.
Dữ liệu trong tuần qua chứng tỏ làn sóng dịch đang làm sụt giảm chi tiêu và du lịch, gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng và làm chậm hoạt động sản xuất, thương mại. Giá xăng tăng cao cũng đang nổi lên như một mối đe dọa cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tại Hoa Kỳ, số lượng việc làm mới vào tháng 8 đạt mức tăng thấp nhất trong vòng bảy tháng qua. Các lĩnh vực hàng không, khách sạn và nhà hàng đều chứng kiến nhu cầu đi xuống. Triển vọng kinh tế của Đức xấu đi, còn các ngành dịch vụ tại Trung Quốc lao dốc trong tháng 8. Trên toàn cầu, các hoạt động sản xuất bị ngưng trệ.
Theo Goldman Sachs Group Inc., các nền kinh tế lớn không đạt được kỳ vọng tăng trưởng đã đặt ra do làn sóng dịch mới. Còn Citigroup Inc. cảnh báo tốc độ phục hồi sẽ chỉ ở mức vừa phải với sự phân hóa ngày càng sâu sắc giữa các ngành và các khu vực.
Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, cho biết: “Sự lan rộng của biến thể Delta đang làm chậm quá trình mở cửa trở lại. Chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng trên toàn cầu trong năm nay từ 6,2% xuống còn 5,7%”.
Suy giảm kinh tế sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trung ương khi muốn chấm dứt các chương trình kích thích tăng trưởng thông qua mua tài sản hoặc tăng lãi suất. Ngày 28/8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cảnh báo rằng thị trường lao động của nước này đang chững lại do đại dịch vẫn tiếp diễn. Jens Weidmann, Chủ tịch ngân hàng trung ương Đức, cũng chỉ ra nguy cơ tăng trưởng thụt lùi vào hôm 1/9. Tại Trung Quốc, Quốc vụ viện đã phải yêu cầu đưa ra thêm gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ.
Phân hóa tốc độ phục hồi
Tốc độ tiêm chủng sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng do kinh tế tăng trưởng chậm. Các nền kinh tế có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể tiếp tục hoạt động, đồng thời ban hành các biện pháp phòng dịch có tính mục tiêu hơn như yêu cầu người dân phải tiêm vắc-xin mới được tới các khu vực công cộng.
Weidmann cho biết, tiêm chủng giúp kinh tế không bị ảnh hưởng nặng nề như các đợt dịch trước. Theo David Mackie, nhà kinh tế tại JPMorgan Chase & Co. ở London, các chính phủ cũng điều hành dễ dàng hơn bởi vắc xin giúp giảm tình trạng lây nhiễm, số ca diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi trên thế giới hầu hết đều đang phải vật lộn để có được quyền tiếp cận những phương tiện phòng chống dịch như các nước phát triển. Tỷ lệ tiêm chủng đạt 58% ở 39 nền kinh tế tiên tiến theo xếp hạng của Quỹ Tiền tệ Thế giới. Ở phần còn lại, tỷ lệ chỉ là 31% nhưng lại tập trung chủ yếu ở Trung Quốc.
Các nền kinh tế dẫn đầu tăng trưởng về sản xuất và du lịch như Việt Nam và Thái Lan đã buộc phải đóng cửa hàng loạt nhà máy và từ chối du khách quốc tế khi số ca lây nhiễm tăng. Đông Nam Á đang phải hứng chịu một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới. Các quốc gia tại đây chiếm năm vị trí cuối cùng trong Bảng xếp hạng khả năng phục hồi sau đại dịch của Bloomberg.
Những khó khăn trong sản xuất và hậu cần tại châu Á đang gây ra tình trạng thiếu hụt và gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Theo Janet Henry, nhà kinh tế trưởng phụ trách toàn cầu tại HSBC Holdings Plc ở London, những gián đoạn này có thể kéo theo giảm chi tiêu tiêu dùng và đẩy giá hàng hóa lên cao.
Henry nói: “Ở Hoa Kỳ và các nước châu Âu, nơi tỷ lệ tiêm chủng nói chung cao hơn và việc mở cửa trở lại tiếp tục diễn ra, tăng trưởng sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn. Nhưng họ vẫn bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn sản xuất ở những quốc gia khác khác, chẳng hạn như việc đóng cửa nhà máy ở Malaysia”.
Theo Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, tốc độ phục hồi giữa các nền kinh tế đang phát triển và tiên tiến có thể trở nên sâu sắc hơn.
“Khoảng cách giữa các nền kinh tế mới nổi và phát triển đang thực sự trở nên tồi tệ hơn”, bà cho biết.
-
IMF: Nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng từ bất động sản thương mại
CafeLand - Các tòa nhà văn phòng bị bỏ trống, các khu trung tâm thương mại hạn chế giờ mở cửa, giá phòng khách sạn sụt giảm một cách khó tin,… Tất cả đều là những hậu quả mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với lĩnh vực bất động sản thương mại.
-
Elon Musk hủy bỏ kế hoạch quan trọng của Tesla, “mở đường” cho VinFast?
Elon Musk vừa chính thức xác nhận Tesla sẽ không tiếp tục kế hoạch phát triển dòng xe điện giá rẻ, vốn là một trong những dự án được kỳ vọng lớn của hãng. Quyết định này có thể mở ra một cơ hội lớn cho các hãng xe khác, trong đó có VinFast của Việt N...
-
Tìm được nhà giá phải chăng ở Đức 'như trúng số'
Do nguồn cung khan hiếm, việc thuê căn hộ giá phải chăng hay sở hữu nhà ở xã hội tại Đức được chuyên gia đánh giá như "trúng xổ số".
-
Người châu Âu vẫn khó mua nhà
Được tăng lương năm nay nhưng khả năng mua nhà của người châu Âu vẫn khó cải thiện khi giá bất động sản tăng và lãi vay còn cao.