24/07/2025 7:15 AM
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố Kế hoạch Hành động về Trí tuệ nhân tạo (AI) tại một sự kiện ở Washington D.C. vào chiều tối 23.7 (giờ Mỹ).

Chính quyền tổng thống Trump chuẩn bị công bố Kế hoạch Hành động về Trí tuệ nhân tạo - Ảnh: AI

Sự kiện do các nhân vật trong giới công nghệ Thung lũng Silicon tổ chức. Đây sẽ là bài phát biểu lớn đầu tiên của Tổng thống Trump liên quan đến AI kể từ khi ông nhậm chức lần thứ hai hồi tháng 1.

Theo TechCrunch, kế hoạch Hành động về AI này sẽ đưa ra lộ trình cho các chiến lược, ưu tiên và quan ngại của chính quyền Trump đối với công nghệ AI — một lĩnh vực được cho là sẽ định hình nhiệm kỳ của vị tổng thống thứ 47 này.

Kế hoạch này sẽ thay thế sắc lệnh hành pháp về AI của chính quyền Joe Biden trước đó, vốn đặt trọng tâm lớn vào việc buộc các công ty AI nộp báo cáo về an toàn và bảo mật, cũng như cố gắng hạn chế thiên kiến về chủng tộc hay các thiên kiến phân biệt khác trong các mô hình AI tiên tiến. Ông Trump đã hủy bỏ sắc lệnh của người tiền nhiệm chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, với lý do các yêu cầu này có thể là gánh nặng cho các công ty AI và cản trở đổi mới của Mỹ.

Trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ, chính quyền Trump nhìn chung đã khuyến khích các nỗ lực thúc đẩy phát triển và phổ biến công nghệ AI của Mỹ. Ông Trump đã góp phần công bố dự án trung tâm dữ liệu Stargate trị giá nhiều tỉ USD giữa OpenAI, Oracle và SoftBank, đồng thời gỡ bỏ các hạn chế đối với việc Nvidia bán chip AI ra toàn cầu.

Cùng lúc, "Sa hoàng AI" của ông Trump, ông David Sacks, đã công khai đối đầu với các công ty công nghệ về vấn đề "AI thức tỉnh" (woke AI), cáo buộc rằng OpenAI, Anthropic và Google đang gieo rắc giá trị cánh tả vào chatbot AI và kiểm duyệt các quan điểm bảo thủ.

Một số nhóm đã bắt đầu phản đối kế hoạch AI của ông Trump vì cho rằng nó đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích công chúng. Hôm 22.7, hơn 90 tổ chức — gồm các nhóm lao động, hoạt động môi trường và bảo vệ người tiêu dùng — đã công bố một bức thư ngỏ mang tên “Kế hoạch Hành động AI của Nhân dân”. Văn bản này đề xuất một loạt chính sách AI nhằm đặt lợi ích của người dân Mỹ lên hàng đầu và đối trọng với những gì ông Trump dự kiến sẽ công bố.

TechCruch trích dẫn tâm thư của nhóm nêu: “Chúng ta không thể để các tập đoàn công nghệ lớn và các nhóm vận động hành lang năng lượng viết ra luật lệ cho AI và nền kinh tế của chúng ta, đánh đổi tự do và bình đẳng, cũng như phúc lợi của người lao động và các gia đình”. Ngoài ra, tâm thư cũng nhấn mạnh nhu cầu năng lượng khổng lồ của các trung tâm dữ liệu AI tại Thung lũng Silicon.

Kế hoạch Hành động AI của ông Trump được kỳ vọng sẽ làm rõ hơn nghị trình của chính quyền ông, nhưng các chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố. Ông Trump dự kiến sẽ tiết lộ thêm thông tin tại hội nghị thượng đỉnh “Chiến thắng trong cuộc đua AI,” một sự kiện do Hill and Valley Forum và podcast All In — nơi David Sacks là đồng dẫn — tổ chức.

Những gì đã biết về Kế hoạch Hành động AI cho đến nay

Trước hết, thúc đẩy AI Mỹ phát triển. Theo một báo cáo từ tạp chí Time, chiến lược AI của ông Trump được cho là xoay quanh ba trụ cột — hạ tầng, đổi mới và ảnh hưởng toàn cầu.

Về hạ tầng, chính quyền Trump được cho là sẽ cải tổ các quy định cấp phép xây dựng để đẩy nhanh việc phát triển các trung tâm dữ liệu AI. Mục tiêu là giúp các công ty AI đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để huấn luyện và vận hành mô hình AI. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sự bùng nổ của các trung tâm dữ liệu AI — vốn tiêu thụ lượng lớn điện và nước từ cộng đồng địa phương — có thể gây ra tình trạng thiếu năng lượng vào cuối thập kỷ nếu không có sự gia tăng sản lượng điện đáng kể.

Ngoài ra, trụ cột hạ tầng của ông Trump cũng được kỳ vọng sẽ gồm một kế hoạch hiện đại hóa lưới điện quốc gia và bổ sung các nguồn năng lượng mới để cấp điện cho trung tâm dữ liệu.

Về mặt đổi mới, ông Trump dự kiến sẽ khơi lại tranh luận về việc chặn các đạo luật AI ở cấp tiểu bang (dù một dự luật liên bang về vấn đề này đã bị bác bỏ với tỷ lệ áp đảo hồi tháng trước). Đây là nỗ lực nhằm giảm rào cản đổi mới cho các công ty AI Mỹ, nhưng có thể làm suy yếu khả năng ban hành các tiêu chuẩn an toàn và bảo mật có ý nghĩa.

Về ảnh hưởng toàn cầu, ông Trump được cho là sẽ đề xuất chiến lược thúc đẩy việc áp dụng các mô hình và chip AI của Mỹ không chỉ ở trong nước mà cả trên trường quốc tế. Các quan chức liên bang đã bị “báo động” trước sự trỗi dậy của DeepSeek và các phòng thí nghiệm AI Trung Quốc khác như Qwen và Moonshot AI — những đối thủ đang trở nên đáng gờm với OpenAI. Ông Trump muốn công nghệ Mỹ trở thành tiêu chuẩn toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu, chính quyền Trump dự kiến sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp liên quan đến AI. Một số sắc lệnh sẽ tạo điều kiện xây dựng trung tâm dữ liệu nhanh hơn, số khác sẽ khuyến khích xuất khẩu công nghệ Mỹ.

Một mục tiêu của ông Trump là đối đầu với “AI thức tỉnh”. Theo Wall Street Journal, một trong các sắc lệnh hành pháp mà ông Trump được cho là sẽ ký sẽ nhằm vào các mô hình “AI thức tỉnh”. Sắc lệnh yêu cầu các công ty AI có hợp đồng liên bang — gồm OpenAI, xAI, Google và Anthropic — đảm bảo rằng các mô hình AI của họ có ngôn ngữ trung lập, không thiên kiến.

Việc siết chặt “AI thức tỉnh” phản ánh cuộc tấn công mới nhất từ đảng Cộng hòa nhắm vào cộng đồng công nghệ vốn được cho là có khuynh hướng cánh tả. Trong các năm gần đây, phe Cộng hòa đã điều tra các mạng xã hội vì cáo buộc chỉnh sửa thuật toán để kiểm duyệt quan điểm bảo thủ. Gần đây, Mark Zuckerberg đã nhượng bộ trước áp lực này, cải tổ chính sách kiểm duyệt nội dung của Facebook và Instagram để phản ánh nhiều tiếng nói hơn.

Một câu hỏi then chốt đặt ra là: ai sẽ là người xác định một mô hình AI có trung lập hay thiên kiến và tiêu chí đánh giá là gì? Ông Trump từ lâu khẳng định mình ủng hộ tự do ngôn luận, nên một sắc lệnh hành pháp đặt ra giới hạn về nội dung mà AI có thể phát ngôn sẽ có vẻ mâu thuẫn. Tuy nhiên, một thẩm phán ở Florida gần đây đã phán quyết rằng chatbot AI không được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất.

Trong bối cảnh đó, OpenAI và các phòng thí nghiệm AI khác đã cố gắng khiến chatbot của mình phản ánh nhiều quan điểm hơn. Các công ty này đang phải cân bằng giữa việc làm hài lòng tất cả người dùng và không phát tán tư tưởng cực đoan hay thông tin sai lệch.

Elon Musk — từng là nhà tài trợ lớn nhất cho ông Trump, nhưng quan hệ giữa hai người đã xấu đi gần đây — đã lập ra xAI với mục tiêu tạo ra chatbot AI “phi thức tỉnh” mang tên Grok, nhằm đối trọng với ChatGPT. Tuy nhiên, nỗ lực này gặp khó khăn: gần đây xAI đã nhiều lần phải xin lỗi khi chatbot của họ có những phát ngôn bài Do Thái và trích dẫn ý kiến cá nhân của Musk về các vấn đề nhạy cảm.

Silicon Valley và các ông lớn công nghệ muốn gì?

Nhà Trắng đã thông báo hồi tháng 4 rằng họ nhận được hơn 10.000 ý kiến đóng góp công khai từ các công ty, chính quyền địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận liên quan đến Kế hoạch Hành động AI của ông Trump.

OpenAI, Google, Meta và Amazon về cơ bản đã nhân cơ hội này để gửi “danh sách điều ước” — những chính sách AI thân thiện mà họ mong muốn chính quyền Trump thực hiện.

Nhiều công ty phát triển mô hình AI hàng đầu của Mỹ đã yêu cầu ông Trump đảm bảo rằng việc huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn trên tài liệu có bản quyền được xem là "sử dụng hợp lý" và do đó được phép.

Sự bảo vệ này sẽ mang lại lợi ích lớn cho các công ty vì họ đang đối mặt với nhiều vụ kiện từ các chủ sở hữu bản quyền trong ngành âm nhạc, điện ảnh, báo chí và xuất bản sách. Các nhà xuất bản cáo buộc rằng các công ty AI đã vi phạm bản quyền khi dùng tác phẩm của họ để huấn luyện mô hình, làm mất giá trị nội dung gốc.

Trong khi đó, Meta kêu gọi ông Trump bảo vệ các mô hình AI mã nguồn mở — vốn có thể được tải về miễn phí. Việc công khai mô hình Llama đã giúp Meta cạnh tranh tốt hơn với các mô hình đóng của OpenAI và Google. Tuy nhiên, Anthropic đã bày tỏ lo ngại rằng các mô hình mở có thể vô tình để lộ công nghệ nguy hiểm cho các đối tượng xấu, gồm cả Trung Quốc.

Các nhóm lợi ích khác — gồm cả tổ chức phi lợi nhuận như Viện Tương lai của Sự sống (Future of Life Institute) — đã tận dụng giai đoạn tiếp nhận ý kiến để kêu gọi chính quyền Trump đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu AI ngoài khu vực tư nhân. Lời kêu gọi này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trump và Bộ Giáo dục (DOGE) đã cắt giảm tài trợ cho các trường đại học Mỹ — những cái nôi của nhiều đột phá khoa học trong nhiều thập niên qua.

Có vẻ như Kế hoạch Hành động AI của ông Trump sẽ không đưa ra các tiêu chuẩn báo cáo an toàn và bảo mật tương tự như của chính quyền Biden. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người dân Mỹ muốn các công ty AI phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.

Một số nghị sĩ cấp bang đang thúc đẩy các dự luật thiết lập nghĩa vụ báo cáo an toàn và bảo mật, nhưng họ có thể gặp sự phản đối từ chính quyền Trump và các nhà lập pháp Cộng hòa nếu các biện pháp đó đi ngược lại với kế hoạch AI của ông Trump.

Bùi Tú
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.