Hà Nội: Thông qua bảng giá các loại đất, áp dụng trong 5 năm
Đây là thông tin vừa được UBND Hà Nội công bố qua Nghị quyết về bảng giá các loại đất trên địa bàn Hà Nội, áp dụng từ 1/1/2015 đến 31/12/2019, vừa được HĐND Thành phố thông qua trong phiên họp chiều 3/12.
Cụ thể, giá đất ở tối đa thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ) có giá cao nhất là 162 triệu đồng/m2 (bằng khung giá tối đa Chính phủ quy định), thấp nhất tại địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông (3.960.000 đồng/m2);
Đất ở tại các phường của thị xã Sơn Tây có giá cao nhất là 16,7 triệu đồng/m2, thấp nhất là 1.260.000 đồng/m2;
Đất ở tại thị trấn thuộc các huyện có giá tối đa là 22 triệu đồng/m2, tối thiểu là 1,3 triệu đồng/m2.
Bung hàng đón người nước ngoài mua nhà
Bên cạnh nhu cầu mua nhà ở cuối năm, thị trường bất động sản quý cuối năm đón nhận một thông tin quan trọng đó là Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua, trong đó cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Ngay lập tức nhiều chủ đầu tư đã sẵn sàng tung hàng đón đầu nhu cầu khách hàng mới.
Dự kiến đợt đầu tiên mở bán các căn hộ tại tòa H2 dự án Hòa Bình Green City vào ngày 6/12 nhưng Công ty TNHH Hòa Bình đã dời ngày mở bán sớm hơn vào 29/11 vì có nhiều khách hàng quan tâm. Chủ đầu này tuyên bố chỉ bán 250 căn trong đợt này, giá bán sẽ tăng 10% vào đợt mở bán tiếp theo và dự kiến sẽ tăng đến 30% sau khi bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 7 năm tới. Doanh nghiệp tỏ ra rất tự tin về kế hoạch tăng giá bởi nguồn cung căn hộ nội đô khan hiếm và nhất là sau khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở chính thức được mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà.
Tại Tp.HCM, chủ đầu tư CapitaLand đang mở bán 21 căn hộ 4 phòng ngủ tại tháp 4 của dự án Vista Verde với mức giá khởi điểm từ 1.800 USD/m2.
“Cơ cấu tín dụng bất động sản có xu hướng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tín dụng đối với cầu bất động sản, giảm tỷ trọng đồi với nguồn cung.
Theo bà Huyền, dòng vốn thứ nhất cho thị trường bất động sản là vốn vay ngân hàng. Tính đến tháng 9/2014, dư nợ tín dụng bất động sản tăng 10,8% so với đầu năm. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình của cả hệ thống (xấp xỉ 7%). Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tính đến 20/9/2014 đã giải ngân được hơn 3.200 tỷ đồng, tăng khoảng 3,5 lần so với thời điểm đầu năm.
Dòng vốn thứ hai đến từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cũng đang tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 9/2014, nguồn vốn đầu tư FDI vào bất động sản đạt 1,224 tỷ USD, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm khoảng 11% tổng vốn FDI đăng ký trong 9 tháng đầu năm 2014.
Thu hồi nhà công vụ: Ưu tiên cho đối tượng có khó khăn
Trước đây, quản lý nhà công vụ do nhiều đơn vị đảm nhận và chính việc dàn trải các đầu mối đã khiến công tác quản lý quỹ nhà này chưa phát huy tác dụng đúng mục đích và ý nghĩa.
Với trường hợp các cán bộ không còn thuộc diện và không đủ điều kiện thuê nhà ở công vụ nhưng hiện vẫn đang ở khu nhà này mà có khó khăn về nhà ở, Bộ Xây dựng đã tạo điều kiện, giới thiệu cho mua tại một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội như CT1, CT4 - A1 và CT5 - A1, A2 cùng CT4 - B1, B2 tại Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội); dự án Khu nhà ở thu nhập thấp tại khu vực Bắc Cổ Nhuế-Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Các đối tượng này sẽ được ưu tiên lựa chọn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại khi trả lại nhà công vụ, đảm bảo thấu tình đạt lý.
Ông Nguyễn Văn Đực: Nhà ở xã hội đã thất bại
Có thể nói chương trình nhà ở xã hội của chúng ta đã thất bại, và đây là một thất bại được biết trước. Từ năm 2009, tôi đã nhiều lần kiến nghị và cảnh báo về cách thức thực hiện như hiện nay, tuy nhiên Chính phủ và Bộ xây dựng vẫn không thay đổi, để rồi sau nhiều năm triển khai xây dựng nhà ở xã hội, số căn hộ làm ra chỉ đạt vài phần trăm kế hoạch.
Đầu tiên đây là trách nhiệm của Nhà nước, không thể đùn đẩy cho doanh nghiệp dù là những doanh nghiệp quốc doanh thực hiện vài chung cư xây chen vài ngàn mét vuông đến vài ba hecta. Đáng ra, Nhà nước phải tổ chức và đầu tư hạ tầng khu dân cư hàng trăm hecta hay ít ra là vài mươi hecta, sau đó giao đất sạch cho doanh nghiệp thực hiện từng chung cư. Phải có chỉ tiêu làm sao hàng năm có chừng 30 – 50 ngàn căn hộ giá rẻ, việc kết quả chỉ dừng lại ở vài trăm thậm chí vài ngàn căn/năm là một thất bại.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiêm Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành chia sẻ với CafeLand như vậy khi nói về giải pháp nào cho nhà ở xã hội.
12.000 tỷ đồng 4 tuyến đường KĐT Thủ Thiêm
Sáng 1-12, tại trụ sở UBND TPHCM, CTCP Đầu tư Địa ốc và Tổ Công tác liên ngành đã ký kết chính thức Hợp đồng xây dựng- chuyển giao dự án 4 tuyến đường chính, dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong khu đô thị mới Thủ Thiêm
Dự án 4 tuyến đường chính, gồm: Đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn, đường vùng Châu thổ với tổng chiều dài 11,9km (bao gồm 10 cây cầu trong đó có 2 cầu cạn) với tổng vốn đầu tư 8.265 tỷ đồng (chưa tính chi phí dự phòng do trượt giá và chi phí lãi vay 3.917 tỷ đồng).
Dự án quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông đã được UBND TP phê duyệt quy hoạch 1/500 với tổng diện tích 29,1ha. Dự kiến các dự án trên hoàn thành và bàn giao cho TP trong năm 2016.
Thu hồi nhà của ông Trần Văn Truyền tại TP.HCM
UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi nhà, đất số 105 đường Nguyễn Trọng Tuyển (P.15 Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trước đây đã giải quyết bán cho con gái ông Trần Văn Truyền.
Theo quyết định được ký vào ngày 1-12-2014, lí do phải thu hồi được nêu rõ: việc giải quyết cho ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ) thuê căn nhà nói trên trong khi ông Truyền đã được hưởng chính sách về nhà ở, đất ở tại Bến Tre (đã được mua căn nhà số 6 Lê Quý Đôn P.1 thị xã Bến Tre - diện tích đất hơn 176 m2, diện tích nhà hơn 266 m2 theo nghị định 61 của Chính phủ) là chưa phù hợp.
Đồng thời, căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển (TP.HCM) được bố trí cho ông Truyền sử dụng, sau đó được giải quyết cho bà Trần Thị Ngọc Huệ (con ông Truyền) được thuê căn nhà này thay cho cha, nhưng khi bán nhà lại bán cho bà Huệ và cấp giấy chứng nhận nhà đất cho bà Huệ là không đúng đối tượng.