25/11/2023 5:41 PM
Xay đá thành cát, thay đổi kết cấu công trình, mở rộng giao thông đường thủy là các giải pháp thay thế cát phục vụ các công trình xây dựng trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm “Vật liệu nào thay thế cát sông” diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 24/11.

Khủng hoảng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: báo Đại Đoàn Kết

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, tổng nhu cầu vật liệu cát cần cho 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn là hơn 13 triệu m3.

Ngoài ra, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay cũng đang thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm và đặc biệt các đường giao thông để kết nối quốc tế và các tỉnh xung quanh.

“Chỉ tính riêng dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (giai đoạn 1), mới khởi công vào tháng 9 vừa qua, nhu cầu cát san lấp đã lên đến 9 triệu m3. Dự kiến giai đoạn 2 mở rộng khu công nghiệp này thêm 600 ha, cũng như thu hút thêm nhiều khu công nghiệp, thì cát càng trở thành một bài toán khó đối với địa phương”, ông Hiển nói.

Qua nghiên cứu đánh giá trữ lượng cát trên địa bàn thành phố còn khoảng 5,3 triệu m3 cát nhưng chất lượng hạt cát rất nhỏ, lẫn bùn nhiều, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật làm đường cao tốc. Vì vậy, TP Cần Thơ rất cần cát ở nơi khác cũng như ở các tỉnh tỉnh lân cận và nguồn cát khác để san lấp, ông Hiển nói.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù các bộ, ngành đã đưa ra các giải pháp, các địa phương cũng có cam kết trong việc đảm bảo nguồn cung cát sông cho các công trình trọng điểm cũng như quản lý việc khai thác hợp lý hơn. Tuy nhiên, đến năm 2025, ĐBSCL cần hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc, đồng nghĩa với việc cần tới 39 triệu m3 cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác.

Thực trạng hiện nay, nguồn cát tại ĐBSCL đang ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu cát để xây dựng các công trình hạ tầng, đặc biệt là công trình cao tốc tăng cao.

Xem thêm giá VLXD tại Cần Thơ năm 2023

Vật liệu nào thay thế cát sông?

Ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng vấn đề sử dụng cát hiện nay đang mất cân đối giữa cung và cầu.

“Nhu cầu tăng, cung giảm gây “tổn thương” không nhỏ đến sự phát triển của ngành xây dựng nói chung. Chúng ta có thể nghiên cứu phương pháp giúp giảm tổn thương chứ không thể giải quyết triệt để được và cũng không thể áp dụng vật liệu thay thế cho toàn bộ các công trình được”, ông Tuấn nói.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ

Để phần nào thay thế cát sông, ông Tuấn gợi ý có thể nghiên cứu, áp dụng một trong những phương án:

Thứ nhất, vận chuyển đá từ vùng khác về để xay thành cát rồi nghiền nát trộn bê tông. Tuy nhiên, phương án này có chi phí cao, bù lại tăng tuổi thọ công trình.

Thứ hai, có thể nghiên cứu thay đổi kết cấu công trình, làm sao để giảm lượng bê tông càng nhiều càng tốt. Ví dụ, có những bộ phận có thể thay thế bằng khung sắt hoặc nền công trình có thể giảm sử dụng lượng cát.

Thứ ba, phát triển giao thông đường thuỷ, giảm bớt việc xây dựng đường hoặc lưu lượng sử dụng đường cũng là cách giảm bớt phụ thuộc cát.

Thứ tư, ở Đại học Cần Thơ đã áp dụng trộn tro xỉ thay thế cát sử dụng ở một số công trình. Tuy nhiên, sử dụng tro xỉ cũng phải đồng bộ, nếu không sẽ sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

Thứ năm, có thể xem xét phương án nhập cát từ nơi khác. Mặc dù phương án này tốn kém hơn nhưng sẽ giúp giảm chi phí khác liên quan đến khắc phục môi trường, sạt lở, xây dựng công trình phòng, chống sạt lở.

“Đã đến lúc, các cơ quan, đơn vị liên quan cần ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, tìm ra một phương pháp phù hợp nhất để áp dụng”, ông Tuấn nói.

Hiện nay, việc sử dụng các vật liệu thay thế trong các công trình xây dựng là cần thiết và cũng là một cách để giảm khai thác cát sông và hạn chế tối đa tình trạng sạt lở.

Các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông trong công trình hạ tầng giao thông như cát biển, tro xỉ nhiệt điện… để tiết kiệm cát sông. Tuy nhiên, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái cũng như tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và môi trường đối với các vật liệu này.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.