Theo South China Morning Post, các hành khách bay qua núi Changyao (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) sẽ nhìn thấy một công trường xây dựng khổng lồ, thay thế vùng đất xanh tươi cách đây hơn 10 năm.
Sườn đồi trên bờ đông của hồ Dianchi - vùng nước ngọt lớn nhất ở tây nam Trung Quốc - là kỳ quan thiên nhiên với nhiều loại động vật hoang dã như sóc, sói, gấu và tất cả loại chim.
Nhưng giờ nó đã trở thành núi bê tông. Những chiếc cần cẩu sừng sững trên hàng chục căn biệt thự xây dở dang. Xung quanh là các dãy chung cư đã hoàn thiện. Đất được đào lên chất đống, phủ bằng những tấm ni lông xanh.
"Núi bê tông" tại sườn đồi trên bờ đông của hồ Dianchi, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Núi bị 'bê tông hóa'
Vụ bê bối được đưa ra ánh sáng vào tháng 5, sau khi các thanh tra môi trường phát hiện 813 biệt thự và 294 lô căn hộ được xây dựng trái phép trên sườn núi, chiếm 230 ha đất, tương đương 92% bề mặt núi.
Theo các nhà môi trường và quan sát, ngọn núi bị hủy hoại là hình ảnh thu nhỏ của "mô hình phát triển ám ảnh với tăng trưởng" phổ biến ở Vân Nam và những vùng khác tại Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.
Sau cuộc điều tra, lãnh đạo tỉnh Vân Nam Ruan Chengfa đã ra lệnh "cải chính kiên quyết" nhằm khắc phục "vấn đề phát triển quá mức" càng sớm càng tốt.
Tính đến cuối tháng 5, ít nhất 47 biệt thự đang xây dựng và 36 biệt thự đã hoàn thiện bị phá bỏ. Các quan chức địa phương ra hạn đến tháng 9 để dỡ những tòa nhà được xây dựng trái phép khác trên núi. Cùng với đó là trồng cây trong khu vực để khôi phục hệ sinh thái.
Các nhà bảo vệ môi trường cho biết sự tàn phá môi trường quanh hồ Dianchi bắt đầu từ việc khai thác mỏ, đá và sản xuất hóa chất từ những năm 1980.
Hồ Dianchi bị ô nhiễm bởi các nhà máy hóa chất được xây dựng dọc hồ. Ảnh: SCMP.
"Nước hồ Dianchi rất trong, nhiều tôm cá, nhưng dần bị ô nhiễm bởi các nhà máy hóa chất được xây dựng dọc theo hồ vào những năm 1990", South China Morning Post dẫn lời một nhà môi trường địa phương giấu tên bình luận.
Theo ông, chất lượng nước ở hồ Dianchi hiện đã giảm xuống dưới mức V, mức thấp nhất trong tiêu chuẩn an toàn nước của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là nước của hồ không còn phù hợp cho nông nghiệp và công nghiệp vào những năm 1980. Đến thập niên 1990, hồ là một trong những vùng nước ô nhiễm nhất tại Trung Quốc.
Vào những năm 2000, chính quyền địa phương đã đóng cửa nhiều nhà máy để giải quyết tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, các nhà phát triển động sản bắt đầu làn sóng xây dựng thứ hai.
“Côn Minh có khí hậu tốt, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đó là lý do thành phố thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên đất nước, bao gồm cả những người muốn mua nhà và ở”, một nhà môi trường sống tại Côn Minh cho biết.
Vấn nạn lớn
“Các quan chức địa phương muốn phát triển kinh tế, và bất động sản là cách có lợi nhất. Nhưng họ cần cân bằng giữa phát triển và bảo tồn", người này nói thêm.
Nhà khoa học chính trị Gu Su tại Đại học Nam Kinh cho rằng những vấn đề trên rất phổ biến tại Trung Quốc.
"Vấn đề xây dựng trái phép luôn tồn tại vì chúng đem lại lợi ích lớn. Trong khi đó, sự nghiệp của các quan chức địa phương gắn liền với tăng trưởng kinh tế. Điều này tạo động lực to lớn để đặt tăng trưởng lên trên mọi thứ", ông Gu giải thích.
"Không quan trọng là khu du lịch nghỉ dưỡng, nhà máy gây ô nhiễm hay bất động sản, những nhà phát triển có thể bắt đầu xây dựng ngay sau khi nhận được sự chấp thuận của các quan chức địa phương, và rất khó để những nhà môi trường địa phương ngăn cản điều đó ”, ông nói thêm.
Khi các thanh tra môi trường trung ương đến Vân Nam vào năm 2016, họ đã chỉ ra rằng một số dự án bất động sản lấn vào khu bảo tồn chính. Nhưng sự can thiệp của họ cũng không đủ để dừng xây dựng.
Xây dựng trái phép là vấn đề lớn tại nhiều vùng ở Trung Quốc trong vài thập kỷ qua. Ảnh: SCMP.
Chỉ hai năm sau, hơn 160 biệt thự đã được xây dựng trong khu bảo tồn thứ cấp. Đồng thời, các quy định mới của địa phương cho phép phát triển những công trình “phục vụ mục đích du lịch, giải trí và văn hóa” ở khu bảo tồn thứ cấp.
Kunming Northstar Group - một nhà phát triển lớn của địa phương - đã xây dựng 437 biệt thự trong khu vực với tên gọi “nhà chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng”.
Khi vụ bê bối được đưa ra ánh sáng, quan chức cấp cao nhất phải chịu trách nhiệm là lãnh đạo Khu du lịch Quốc gia Hồ Dianchi. Không quan chức thành phố hay nhà đầu tư nào bị đổ lỗi.
Các quan chức tỉnh Vân Nam và thành phố Côn Minh sống gần hồ. Tại sao họ phải đợi đến khi ngọn núi trở thành "núi bê tông" và thanh tra môi trường xuất hiện?
Nhà bảo vệ môi trường Zhang Zhengxiang
"Các quan chức địa phương và những đối tác của họ có thể thoát tội, miễn là họ chứng minh cho Bắc Kinh thấy rằng họ đã giải quyết được vấn đề môi trường", ông Chen Daoyin, cựu giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, bình luận.
Ông Zhang Zhengxiang - một nhà bảo vệ môi trường địa phương - đã chiến đấu chống ô nhiễm ở khu vực Dianchi suốt 40 năm qua. Ông cho biết rất đau buồn khi chứng kiến núi Changyao bị tàn phá.
Dự án bất động sản nằm trong chương trình Vân Nam Sắc màu, một sáng kiến du lịch với tổng vốn đầu tư 22 tỷ NDT, trải dài trên 1.067 ha.
Theo ông Zhang, 30.000 cư dân địa phương đã phải dỡ nhà để có chỗ cho các cơ sở du lịch, nhà ở mới và công viên. Mỗi ngày, ông đều đến địa điểm này 3 lần, ghi lại quá trình phá hủy và gửi hơn 2.000 đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, nhưng không nhận lại được gì.
“Các quan chức tỉnh Vân Nam và thành phố Côn Minh sống gần hồ. Tại sao họ phải đợi đến khi ngọn núi trở thành ‘núi bê tông’ và thanh tra môi trường xuất hiện?", ông đặt câu hỏi.
-
Nhu cầu quá lớn từ thị trường bất động sản khiến Trung Quốc không thể hãm phanh sản xuất thép
CafeLand - Chính phủ Trung Quốc muốn giảm lượng khí thải carbon của ngành sản xuất thép, nhưng lại xuất hiện nhu cầu sử dụng thép quá lớn từ lĩnh vực bất động sản. Diện tích bất động sản xây dựng mới mỗi năm tại Trung Quốc tương đương với diện tích nước cộng hòa Lebanon (một quốc gia ở Trung Đông).
-
Nhà đầu tư huyền thoại Ray Dalio: Trung Quốc cần tái cơ cấu nợ xấu, tạo ra nhiều tiền hơn để tránh khủng hoảng nợ
Nhà sáng lập Bridgewater Associates Ray Dalio cho biết tại một hội nghị vào thứ Sáu 18/10 rằng, Trung Quốc phải áp dụng điều mà ông gọi là "giảm đòn bẩy đẹp đẽ" (beautiful deleveraging), ngoài các biện pháp kích thích mới nhất của mình để tránh khủng...
-
Giá nhà Trung Quốc vẫn giảm bất chấp hàng loạt nỗ lực kích cầu
Giá nhà tại Trung Quốc trong tháng 9 giảm gần như cùng tốc độ với tháng trước, bất chấp những nỗ lực ổn định ngành bất động sản của nước này.
-
Trung Quốc tăng ngân sách chương trình hỗ trợ các dự án bất động sản lên 562 tỷ USD
Trung Quốc cho biết họ sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ các dự án bất động sản "danh sách trắng" lên 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 562 tỷ đô la) từ khoảng 2,23 nghìn tỷ nhân dân tệ đã triển khai, bổ sung thêm để ngăn chặn sự suy giảm của lĩnh vực...