12/03/2021 8:48 AM
CafeLand - Lúc mua nhà khách hàng được gọi là “thượng đế”. Đến khi dọn vào ở thì mỹ từ ấy không còn, thậm chí có nơi cư dân phải mệt mỏi với những xung đột không chỉ với chủ đầu tư mà còn với cả ban quản trị.

Bắt nạt “thượng đế”

Tại cuộc hội thảo “Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 11-3, bà Đỗ Thị Ngọc Oanh, cư dân chung cư Central Garden (328 Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM) phản ánh sự lộng quyền và thiếu minh bạch trong quản lý tài chính của ban quản trị chung cư này.

Bà Oanh cho biết ban quản trị hoạt động chưa được bao lâu thì chia rẽ, mất đoàn kết nghiêm trọng. Nội bộ của ban quản trị chia thành hai nhóm: một nhóm bảo vệ quyền lợi cư dân và một nhóm bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư cũ, được gọi là nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích cấu kết với chủ đầu tư, được đơn vị này hậu thuẫn nên lộng quyền.

Cụ thể, từ ngày thành lập ban quản trị vào năm 2018 đến nay, chưa bao giờ ban quản trị tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên theo đúng quy định, chưa bao giờ đối thoại với dân cư mặc dù nhiều lần cư dân yêu cầu.

Cư dân chung cư Central Garden phản ánh sự lộng quyền và thiếu minh bạch trong quản lý tài chính của ban quản trị chung cư này.

Theo lời bà Oanh, ban quản trị không họp, không có biên bản cuộc họp nhưng trưởng ban quản trị tự ý mang danh cá nhân ký các văn bản gửi cơ quan chức năng và ký các hợp đồng hợp đồng bảo trì thang máy, hợp đồng quản lý vận hành tòa nhà. Dân cư nhiều lần gửi văn bản lên phường Cô Giang, UBND quận 1 tố cáo nhưng không được giải quyết.

Khi dân bức xúc và yêu cầu tổ chức họp để đối thoại thì trưởng ban quản trị đã soạn dự thảo thay thế quy chế hoạt động của ban quản trị, đưa ra quy định người tham dự phải đóng tiền ký quỹ trước cho ban quản trị. Trong cuộc họp, cư dân chỉ được ngồi nghe, nếu phát biểu trái ý ban quản trị sẽ bị phạt tiền và trừ vào tiền ký quỹ.

“Dù chỉ là dự thảo và đương nhiên không được thông qua vì quá vô lý nhưng nêu ra như vậy để quý vị biết chúng tôi bị “bắt nạt” như thế nào”, bà Oanh nói và cho biết ngoài việc lộng hành thì ban quản trị tại chung cư này còn thiếu minh bạch về tài chính.

Theo đó, trưởng ban quản trị tự ý nâng giá bảo trì thang máy lên 40%, hợp đồng này cũng không thông qua ban quản trị và cư dân. Chưa hết, ban quản trị còn cấu kết với ban quản lý chủ đầu tư cũ thu tiền của dân lắp thẻ từ thang máy. Sau nhiều lần cư dân yêu cầu giải trình thì ban quản trị im lặng. Mỗi căn hộ phải nộp hơn 1,254 triệu đồng và buộc phải mua thẻ từ.

Bà Oanh còn tố chủ đầu tư chèn ép cư dân, cho rằng họ bán nhà, còn hành lang lối đi và khu vực chung là của chủ đầu tư, nên chủ đầu tư tùy nghi sử dụng. Khu đường chung trở thành bãi xe không còn lối đi, tiền vào túi chủ đầu tư.

“Bất đắc dĩ mới phải đi kiện ban quản trị, kiện hàng xóm của mình. Đây là việc chẳng đặng đừng”, bà Oanh nói và kiến nghị các cấp chính quyền phải sát sao, lắng nghe dân cư hơn nữa vì pháp luật hiện hành có đủ cơ sở quy định cho ban quản trị hoạt động hiệu quả.

Theo bà Oanh, quyền quản lý chung cư nếu giao vào tay chủ đầu tư không coi trọng danh tiếng thì thiệt thòi là dân cư, sự bảo vệ của chính quyền là quá chậm chạp.

Đẩy cư dân vào ngõ cụt

Cũng mang đến những bức xúc với ban quản trị chung cư, ông Nguyễn Tấn Bảo, cư dân chung cư Masteri Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) nêu hàng loạt nhưng sai phạm của ban quản trị chung cư này về Quy chế hoạt động, Quy chế thu chi tài chính được quy định tại Thông tư 02 của Bộ Xây dựng nhưng không có cơ quan nào giải quyết.

Những hành vi vi phạm có thể kể đến là không công bố quy chế hoạt động, quy chế thu chi tài chính cho cư dân được biết; không công bố báo cáo thu chi tài chính hàng tháng; không tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên trong 2 năm qua.

Đặc biệt, ban quản trị đã tự ý ra quy định một cách ngang ngược rằng những trao đổi, hoạt động giữa ban quản trị và ban quản lý là thông tin mật, không được phép công khai, thảo luận.

“Những sai phạm rõ như ban ngày. Tuy nhiên, trong suốt gần 1 năm qua, cư dân chúng tôi phản ánh nhiều nơi nhưng không được xử lý”, ông Bảo bức xúc.

Ban quản trị chung cư Masteri Thảo Điền tự ý ra quy định rằng những trao đổi, hoạt động giữa ban quản trị và ban quản lý là thông tin mật

Ông Bảo cũng đưa ra nhận định về sự bất cập trong quy định về việc bãi nhiệm ban quản trị khi có sai phạm. Chính quyền địa phương dù biết ban quản trị có sai phạm, thiếu trách nhiệm và không có năng lực nhưng họ không có cơ sở để bãi nhiệm ban quản trị theo nguyện vọng của cư dân.

Cụ thể, dù ban quản trị không tuân thủ, gây thiệt hại cho cư dân, nhưng muốn bãi nhiệm phải có đủ 50% chủ sở hữu căn hộ có đơn đề nghị tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường thì chính quyền địa phương mới có cơ sở thực hiện.

“Quy định này là bất khả thi, đưa cư dân chúng tôi vào ngõ cụt, khi mà phần lớn chủ sở hữu tại đây là đầu tư và cho thuê, không trực tiếp sinh sống nên không có thông tin”, ông Bảo nói và cho biết thêm tại chung cư Masteri Thảo Điền có chưa đến 25% chủ sở hữu căn hộ sinh sống, phần còn lại là khách thuê.

Ông Nguyễn Trung Tín, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản An Gia, cho rằng những khó khăn, bất cập trong việc quản lý, điều hành chung cư đến từ nhiều phía.

Đầu tiên, đó là sự hờ hững của người dân khi nhận nhà. Nhiều cư dân mời tham dự hội nghị nhà chung cư đã không tham gia, đến khi có chuyện mới nháo nhào lên. Về phía ban quản trị hiện nay cũng có vấn về năng lực khi người làm chưa hiểu được trách nhiệm của mình. Một yếu tố nữa là ban quản trị có tư lợi riêng nên chưa có trách nhiệm với người dân.

Ông Tín đề nghị, chính quyền nên có quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người làm ban quản trị. Họ phải đủ năng lực để hiểu được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong ban quản trị. Thù lao ban quản trị cũng phải tương xứng với công sức, để họ xem đây là một công việc chính thức thay vì tham gia cho vui.

  • Phải làm gì khi Chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư?

    Phải làm gì khi Chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư?

    CafeLand - Thực tế có nhiều trường hợp Chủ đầu tư (CĐT) chây ì trong việc bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư cho Ban quản trị (BQT) nhà chung cư làm ảnh hưởng đến việc sửa chữa, bảo trì nhà chung cư, gây thiệt thòi cho cư dân. Bởi vậy, Cafeland đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh nhằm làm sáng tỏ về vấn đề này.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.