02/03/2020 11:12 AM
CafeLand - Thực tế có nhiều trường hợp Chủ đầu tư (CĐT) chây ì trong việc bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư cho Ban quản trị (BQT) nhà chung cư làm ảnh hưởng đến việc sửa chữa, bảo trì nhà chung cư, gây thiệt thòi cho cư dân. Bởi vậy, Cafeland đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh nhằm làm sáng tỏ về vấn đề này.

Theo luật thì CĐT nhà chung cư có phải bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT nhà chung cư hay không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào Điều 36 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, người mua, thuê mua nhà ở, CĐT phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp. CĐT phải mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư nộp; khi mở tài khoản, CĐT phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn.

Sau khi BQT nhà chung cư được thành lập và có văn bản yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì mà CĐT đang tạm quản lý thì CĐT và BQT nhà chung cư thống nhất lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì; căn cứ vào số liệu quyết toán do hai bên thống nhất, CĐT có trách nhiệm chuyển kinh phí bảo trì thuộc diện phải chuyển giao theo quy định của pháp luật về nhà ở sang cho BQT nhà chung cư quản lý thông qua hình thức chuyển khoản.

Sau khi bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT nhà chung cư, CĐT phải có văn bản báo cáo cho Sở Xây dựng nơi có nhà chung cư biết để theo dõi.

Trường hợp CĐT vẫn cố tình chây ì, không bào giao thì phải làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào điểm a và b khoản 1 Điều 37 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, trường hợp CĐT không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định nêu trên hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định thì BQT nhà chung cư cần làm văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu CĐT bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo đúng quy định.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của BQT nhà chung cư, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kiểm tra; nếu các bên đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo đúng quy định mà CĐT vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì thì UBND cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu CĐT bàn giao kinh phí cho BQT chung cư. Trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, CĐT phải bàn giao kinh phí bảo trì này.

Nếu nhận văn bản của UBND cấp tỉnh mà CĐT vẫn không bàn giao kinh phí bảo trì thì phải làm sao, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào điểm c, d, đ khoản 1 Điều 37 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, trường hợp quá thời hạn nêu trên mà CĐT vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho BQT nhà chung cư và gửi quyết định này cho CĐT, BQT nhà chung cư và tổ chức tín dụng nơi CĐT mở tài khoản; trong quyết định cưỡng chế, UBND cấp tỉnh phải ghi rõ số kinh phí CĐT phải bàn giao sau khi trừ kinh phí mà CĐT phải sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung (nếu có), thời hạn bàn giao, biện pháp cưỡng chế và trách nhiệm của các bên liên quan để thực hiện quyết định này.

Biện pháp cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì bao gồm việc buộc CĐT phải chuyển giao kinh phí bảo trì được gửi từ tài khoản đã lập hoặc chuyển kinh phí từ tài khoản khác của CĐT sang tài khoản do BQT nhà chung cư quản lý hoặc xử lý tài sản của CĐT. Việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế. Kinh phí phải bàn giao là toàn bộ số tiền bảo trì (cả gốc và lãi) theo số liệu kinh phí mà các bên đã quyết toán; nếu các bên không thống nhất quyết toán số liệu thì bàn giao theo số liệu ghi trong quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh.

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư hoặc quản lý tài khoản khác của CĐT theo quyết định cưỡng chế có trách nhiệm chuyển kinh phí sang tài khoản do BQT nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở và quyết định cưỡng chế; trường hợp phải xử lý tài sản của CĐT để thu hồi kinh phí bảo trì cho BQT thì trong quyết định cưỡng chế, UBND cấp tỉnh phải nêu rõ biện pháp xử lý tài sản, trách nhiệm của đơn vị xử lý tài sản, hình thức xử lý và việc chuyển giao kinh phí thu hồi cho BQT nhà chung cư.

Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện CĐT có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vâng, xin cảm ơn luật sư!

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.