27/10/2024 10:20 AM
Ngày 25/10, Công ty CP Tập đoàn KCN Việt Nam vừa chính thức khởi công giai đoạn 1 của dự án nhà kho xây sẵn tại Phân khu D, Khu công nghiệp Nhơn Trạch VI, Đồng Nai.

“Thủ phủ” khu công nghiệp khởi công Nhà kho xây sẵn gần 15ha- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án.

Dự án có diện tích 14,5ha và diện tích sàn cho thuê hơn 97.000m2. Đây là dự án mới nhất của Tập đoàn KCN Việt Nam trong chiến lược phát triển logistics tại khu vực Đông Nam bộ. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào quý 2/2025, cung cấp hơn 44.000m2 diện tích sàn cho thuê.

Đông Nam bộ được xem là trung tâm công nghiệp và logistics hàng đầu cả nước, chiếm gần 50% tổng lượng hàng hóa và 60% khối lượng container qua các cảng lớn như Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành đang xây dựng.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hạ tầng logistics vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu khi chỉ đạt 25-27% mức đầu tư so với mục tiêu chính phủ đề ra.

Trong bối cảnh này, Đồng Nai đóng vai trò tiên phong trong phát triển logistics của vùng với mục tiêu tăng trưởng 30-35% mỗi năm cho đến năm 2030, đóng góp 20-25% vào GDP ngành dịch vụ của tỉnh.

Hiện có nhiều dự án logistics lớn đang được triển khai tại Đồng Nai, nổi bật là các khu công nghiệp Nhơn Trạch, Long Thành và Amata, tập trung các kho bãi, nhà máy sản xuất và dịch vụ logistics nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI.

Logistics là một trong những ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế, hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang nhanh chóng phát triển hệ thống logistics để đáp ứng nhu cầu gia tăng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và gia tăng thương mại quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam có ba vùng logistics chính: phía Bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh), miền Trung (Đà Nẵng) và Đông Nam bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương).

Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics, giảm thiểu chi phí không cần thiết và khắc phục tình trạng thủ tục chồng chéo. Mục tiêu là giảm tỷ lệ chi phí logistics trên GDP từ mức 18% hiện nay xuống còn 14-16% vào năm 2025 và hỗ trợ các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, giúp gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Định hướng phát triển logistics của Việt Nam tập trung mạnh vào chuyển đổi số, thúc đẩy các công nghệ tiên tiến như IoT, Big Data, AI và Blockchain để cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Các trung tâm logistics thông minh đang được xây dựng, cho phép theo dõi, quản lý và tối ưu hóa chuỗi cung ứng một cách tự động, từ đó giảm chi phí và nâng cao tính chính xác. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng hệ thống quản lý kho bãi tự động, hệ thống định vị GPS để cải thiện năng suất và độ tin cậy trong vận chuyển.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.