Do thị trường bất động sản, xây dựng gặp khó khăn nên giá các loại thép, trong đó có thép xây dựng trong thời gian qua luôn ở mức khá thấp, sản lượng tiêu thụ cũng giảm sâu.

Thị trường ảm đạm, giá thép lao dốc

Giá thép xây dựng vừa hạ 270.000 đồng một tấn, nối dài mạch giảm liên tiếp, đưa mỗi tấn xuống 14 triệu đồng, thấp nhất hai tháng qua.

Cụ thể, Hòa Phát trong ngày 15/6 đã điều chỉnh giảm giá thép cuộn CB240 thêm 200.000 đồng/tấn, xuống còn 14,29 triệu đồng/tấn. Trước đó vài ngày, doanh nghiệp này cũng đã điều chỉnh giá thép thanh vằn D10 CB300 xuống 14,69 triệu đồng/tấn, giảm 200.000 đồng/tấn.

Các thương hiệu như Việt Ý, Việt Đức, Thép Miền Nam, Việt Nhật, Thép Pomina, cũng áp dụng mức giảm giá tương tự ở hai loại thép xây dựng phổ biến. Như vậy, giá thép đã hạ 11 lần liên tiếp tính từ đầu tháng 4 đến nay với mức giảm lũy kế gần 3 triệu đồng/tấn.

Ngành xây dựng ngưng trệ khiến ngành thép ảnh hưởng theo

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu trong nước yếu nên các nhà máy đã liên tục điều chỉnh giá để tăng tính cạnh tranh. Báo cáo của các công ty chứng khoán cũng lường trước việc giá thép đi ngang hoặc giảm trước tình hình tiêu thụ kém trước đó.

Dẫu vậy, động thái hạ giá bán các mặt hàng thép xây dựng đã phần nào giúp cải thiện tình hình sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Số liệu từ VSA cho thấy, trong tháng 5/2023, cả nước sản xuất hơn 2,2 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 2,3% so với tháng trước.

Trong khi đó, lượng tiêu thụ ghi nhận hơn 2,3 triệu tấn, tăng 13,6% so với tháng 4 và là mức tốt nhất từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường dần nhích lên.

Tính chung 5 tháng đầu năm, sản xuất thép của cả nước đạt hơn 11 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép các loại đạt 10,4 triệu tấn, giảm 19,3%, trong đó xuất khẩu thép đạt hơn 3,1 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Về tình hình xuất khẩu, số liệu cập nhật đến tháng 4/2022 cho thấy, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 973.000 tấn với trị giá 812 triệu USD, tăng 11,4% về lượng và tăng 18% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, dù lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong giai đoạn này tăng 0,4% nhưng lại giảm 19% về trị giá.

Sau 4 tháng, cả nước đã xuất khẩu khoảng 3,26 triệu tấn sắt thép, trị giá đạt 2,52 tỷ USD, tăng 0,5% về lượng và giảm 23,8% về trị giá.

Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang 30 thị trường. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 là ASEAN (36,38%), EU (24,15%), Mỹ (7,55%), Ấn Độ (5,72%) và Thổ Nhĩ Kỳ (3,21%).

Ở chiều ngược lại, trong tháng 4/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt hơn 1 triệu tấn với trị giá đạt 893 triệu USD, giảm lần lượt 20,8% về lượng và 16,44% về giá trị so với tháng trước đó. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu thép ghi nhận tăng 7,47% về lượng nhưng giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu khoảng 3,769 triệu tấn sắt thép với trị giá hơn 3,16 tỷ USD, giảm 5,15% về lượng và giảm 24,36% về giá trị.

VSA cho biết, các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam trong giai đoạn này bao gồm: Trung Quốc (54,71%), Nhật Bản (16,17%), Hàn Quốc (9,05%), Ấn Độ (6,59%) và Đài Loan (6,16%).

Nhu cầu thép của Việt Nam đến từ đâu?

Trong mùa Đại hội cổ đông năm nay, hầu hết ban lãnh đạo các doanh nghiệp thép đều cho rằng những gì khó khăn nhất đối với ngành này đã diễn ra trong nửa cuối năm ngoái, tình hình đã được cải thiện trong quý đầu năm và gần như chắc chắn sẽ có lãi ở quý 2/2023.

Tuy nhiên, Công ty chứng khoán VNDirect lưu ý nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ yếu trong suốt năm nay. Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ khả năng giảm lần lượt 9,2% và 7% so với cùng kỳ, xuống còn 9,5 triệu tấn và 3,9 triệu tấn. Do đó, các doanh nghiệp vẫn phải rất nỗ lực mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.

Thị trường bất động sản dân dụng chiếm hơn 60% nhu cầu ngành thép

VNDirect đánh giá triển vọng ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.

Thời gian gần đây, các tín hiệu tích cực hơn đối với ngành bất động sản đã dần xuất hiện khi hàng loạt chính sách liên quan đến thị trường được ban hành. Đây được cho là tín hiệu ban đầu cho quá trình phục hồi và tăng trưởng của không chỉ bất động sản mà còn tác động đến nhiều ngành nghề liên quan.

Tuy nhiên, VNDirect cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản liệu sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để.

Hiện tại, nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng đã tác động đáng kể tới tình hình tiêu thụ các mặt hàng sắt thép. Mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, dự báo nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Từ năm 2024 trở đi, nhu cầu thép trong nước có thể phục hồi mạnh mẽ khi thị trường bất động sản được khởi sắc trở lại. Theo VnDirect, nguồn cung bất động sản nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.

Theo VSA, nhu cầu thép yếu khiến doanh thu ngành thép nửa đầu năm 2023 ước giảm 70-80% so với cùng kỳ năm 2022. Trước những diễn biến xấu của thị trường, VSA đã đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, đồng thời xem xét lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.