Từ cử nhân luật trở thành môi giới
Năm năm kể từ khi bắt đầu làm nghề môi giới bất động sản, đến giờ nhìn lại, Vũ, 27 tuổi, vẫn thấy đó như một cơ duyên.
Đầu năm 2016, khi còn đang theo đuổi ngành Luật kinh tế, Vũ được nhận vào bộ phận pháp chế của một ngân hàng ở Hà Nội. Với một chàng trai mới ra trường, nghề luật với Vũ lúc đó vừa là niềm hãnh diện, vừa là ước mơ nuôi dưỡng từ ngày đi học.
Thế nhưng, sau gần một năm theo nghề, Vũ nhận ra dường như nó không phù hợp với một người thích sự tự do và xê dịch như mình.
Từ bỏ bàn giấy, Vũ bắt đầu tập viết lách và học thêm về báo chí. Một lý do đơn giản, nếu không nói là lãng xẹt, là vì có người nhà định hướng. Từ lúc còn đi học, Vũ được nhận xét là có chút năng khiếu viết lách. Cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản cũng bắt đầu từ đây.
Anh Ngô Văn Vũ - Giám đốc khu vực miền Trung Công ty TNHH Bất động sản V-Land.
Cơ quan Vũ xin vào thực tập là một tờ tạp chí chuyên đưa tin, phân tích, đánh giá về lĩnh vực bất động sản. “Thú thực, khi được người quen giới thiệu vào tòa soạn, tôi như một tờ giấy trắng, không hề có một nền tảng kiến thức nào về bất động sản. Tôi được một chị phóng viên hướng dẫn cách viết một bài báo, rồi sau đó mới đến các bài liên quan đến bất động sản. Tôi bắt đầu chạy ngược chạy xuôi để viết về các dự án, phỏng vấn chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản dưới sự hướng dẫn của chị”, Vũ kể.
Bốn tháng sau, Vũ có lịch hẹn phỏng vấn với một chuyên gia ở CLB Bất động sản Hà Nội. Sau gần hai tiếng trò chuyện, chàng trai mới chân ướt chân ráo vào nghề báo đã nhận được gợi ý về việc hãy làm môi giới. Và một thời gian ngắn sau, Vũ làm môi giới thật.
“Lý do tôi bước chân vào nghề cũng rất thực tế, chính là làm giàu. Lúc đó tôi nghe nói, hoa hồng nếu bán được bất động sản rất cao. Nhưng rồi có bắt tay vào làm mới thấy, nghề môi giới thực sự khó khăn và chông chênh nếu không có bản lĩnh, kiến thức và sự kiên trì”, Vũ nói.
Chuỗi ngày sau đó khá vất vả đối với Vũ. Mỗi lần đến công ty, anh phải đăng tin, nhặt dữ liệu khách hàng và gọi điện thoại. “Tất cả những ai làm nghề sale đều phải trải qua công việc gọi điện cho khách. Có khi gọi rồi nghe chửi, thậm chí bị doạ nạt do làm phiền người ta quá nhiều. Song, đó cũng là một điều hết sức bình thường của sale. Tôi còn nhớ cảm giác hoa mắt chóng mặt vì gọi điện quá nhiều và căng thẳng”, Vũ kể.
Dù biết nếu chạy quảng cáo trên Facebook hay Google sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, nhưng vấn đề của Vũ lúc ấy là... không có tiền. “Nhà tôi không nghèo, nhưng tôi xác định tự xây dựng sự nghiệp của mình nên không dựa vào bố mẹ. Do đó, tôi chỉ còn cách cố gắng kiếm thật nhiều số điện thoại của khách hàng và gọi. Nhưng đúng là chẳng có gì dễ dàng. Tôi thấy mọi thứ quá khó khăn, và càng khó khăn hơn khi tôi chọn khởi đầu bằng việc bán sản phẩm bất động sản cao cấp”, Vũ nhớ lại.
Để bán một sản phẩm, các môi giới phải trang bị đủ kiến thức, kỹ năng giao tiếp và sự chuyên nghiệp. Đó là chưa kể một dự án có tới cả hàng nghìn môi giới, đa phần đều là những người có nhiều kinh nghiệm, có tiền chạy truyền thông tìm kiếm khách hàng. “Tôi chẳng khác gì một chú gà non nớt, có thể bị các đối thủ “luộc” bất cứ lúc nào. Kinh doanh mà, thương trường là chiến trường và chiến trận của bất động sản rất tàn khốc”, Vũ cười.
Con đường gập ghềnh
Trong cuộc đua “bão táp” của thị trường bất động sản, để có thể cầm cự, không ít môi giới bất động sản đã tìm mọi cách, dùng đủ mọi chiêu để tranh giành khách hàng, với mục đích lấy doanh số và thưởng cuối tháng.
“Khi thấy tôi chốt được một số căn, nhiều sale đã theo khách hàng của tôi ra đến tận cổng để xin số, sau đó gọi điện rồi hứa hẹn trích 100% hoa hồng nếu mua căn hộ mà người đó bán. Thường thì khách hàng sẽ làm việc với bên nào có chiết khấu cao hơn”, Vũ nói.
Tám tháng lăn lộn trong nghề môi giới bất động sản, Vũ không bán được một sản phẩm nào. Hàng tháng, anh được công ty trợ cấp một triệu đồng, số tiền quá ít ỏi, không đủ để anh xoay xở tại một thành phố đắt đỏ như Hà Nội.
Trong kinh doanh bất động sản, không có doanh số thì chẳng ai trả lương cho bạn mãi được. “Tôi nghĩ nhiều người đã bỏ nghề nếu trong hoàn cảnh như tôi. Có lẽ do bản tính lì lợm, tôi cố gắng làm thêm việc khác để theo nghề. Tôi bán giày, quần áo online”, Vũ kể.
Thế rồi một ngày, Vũ gặp được một khách hàng từ dữ liệu nhặt được trên mạng. Vị khách này có ý định mua một căn hộ 8 tỉ đồng tại quận Tây Hồ. “Sau khi gặp nhau và chốt hết các vấn đề tại quán cafe, tôi về nhà chờ đợi trong tâm trạng thấp thỏm. Hôm sau, chị ấy nhắn cho tôi một câu: chồng chị không thích em à!
Bao nhiêu hy vọng sụp đổ. Hôm đó, tôi đi một mình lang thang dọc Phủ Hồ Tây, suy nghĩ về bản thân, về con đường mình đi có đúng hay không khi bao công sức đổ ra nhưng không có kết quả gì.
Bất ngờ là vài ngày sau, chính khách hàng đó đã trực tiếp liên hệ với tôi, nói có người em trai muốn mua căn hộ. Trong vòng một tuần, tôi bán được 8 căn đều do chị khách hàng đó giới thiệu. Một phần là do tôi may mắn, một phần là sự chân thành trong quá trình tư vấn cho chị. Dù không mua, nhưng chị ấy đã giới thiệu khách hàng cho tôi”, Vũ chia sẻ.
“Cảm giác tự mình chốt giao dịch đầu tiên rất tuyệt vời. Lúc tôi còn đang mông lung với con đường mình chọn thì cơ hội đã đến với tôi. Nên tôi tin rằng, mình đến với nghề môi giới là cái duyên thật sự”, Vũ nhớ lại thành công ban đầu. Cứ thế, một năm, hai năm rồi ba năm, Vũ tham gia bán nhiều dự án của nhiều chủ đầu tư khác. Khi đã có chút vốn, Vũ đổ tiền vào truyền thông để tìm kiếm khách hàng. Mọi thứ bắt đầu dễ thở hơn trước khi trình độ tư vấn, kiến thức pháp lý dự án và kỹ năng chăm sóc khách hàng của Vũ ngày một nâng cao. Vũ cũng đầu tư hơn vào marketing, học thuyết trình trước đám đông, phân tích và đánh giá thị trường, dự án. Đến năm 2018, từ trưởng phòng kinh doanh, Vũ được đề bạt lên làm Giám đốc chi nhánh của công ty tại Hà Tĩnh – quê của Vũ.
Vũ rời Hà Nội, không còn nay đây mai đó khắp các tỉnh chào dự án nữa mà về quê để lập nghiệp. Thế nhưng, áp lực lại xuất hiện với Vũ ở một vai trò mới.
“Một mình tôi vừa hỗ trợ bán hàng để đẩy doanh số công ty, vừa quản lý nhân sự, đào tạo kỹ năng, kiến thức về dự án và ngoại giao tiếp khách. Lúc đó, tôi mới 27 tuổi. Có nhiều lúc tôi không biết công việc quản lý liệu có phù hợp với mình không khi dưới tôi còn có các anh, chị 7x, 8x. Song tôi may mắn vì có những người anh, người chị hết lòng giúp đỡ, động viên để có thể hoàn thành được nhiệm vụ”, Vũ nói.
Đến nay, ngoài lĩnh vực môi giới, Vũ đang học thêm về phát triển dự án và đầu tư bất động sản. “Từng ấy năm, trải qua không ít thăng trầm
vất vả, chốt thành công hàng trăm giao dịch, so với các đồng nghiệp đi trước hay khởi đầu cùng thời điểm, thành tích của tôi có thể chưa xuất sắc. Nhưng nếu so sánh một cậu sinh viên mới ra trường cách đây 5 năm và tôi hiện tại, ở tuổi 27 đã mua được nhà riêng, xe riêng phục vụ công việc dù vẫn đang trả góp, tôi coi đó là niềm khích lệ cho bản thân. Riêng việc không còn nhút nhát khi đứng trước đám đông hay dễ nản khi thất bại đã là một thành công rất lớn rồi”, Vũ cười.
Có thể nói Vũ là một trong những trường hợp thành công trong nghề môi giới bất động sản. Tuy nhiên, trước khi đạt được thành công đó, anh cũng đã phải trải qua một giai đoạn thử thách gian nan. Nếu không có sự quyết tâm kiên trì và may mắn, chắc chắn Vũ cũng không thể đạt thành quả đó.
Hiện nay, nhiều sinh viên ra trường đã chọn nghề môi giới để “khởi nghiệp” vì đây là nghề rất dễ xin việc. Tuy nhiên, cạnh tranh trong nghề này là cũng vô cùng khốc liệt, tỷ lệ đào thải rất cao. Do đó, để thành công trong nghề môi giới bất động sản, người đó không những phải có tố chất kinh doanh mà phải không ngừng rèn luyện, trau dồi kỹ năng bán hàng, xây dựng các mối quan hệ, học hỏi kiến thức về bất động sản và đặc biệt phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp thì mới có thể thành công.
Có thể nói Vũ là một trong những trường hợp thành công trong nghề môi giới bất động sản. Tuy nhiên trước khi đạt được thành công đó, anh cũng đã phải trải qua một giai đoạn thử thách gIan nan. Nếu không có sự quyết tâm kiên trì và may mắn, chắc chắn Vũ cũng không thể đạt được thành quả đó. |
-
Kỹ năng cơ bản giúp định hình tương lai của một nhà môi giới
CafeLand - Trên con đường kinh doanh bất động sản, bạn phải học hỏi nhiều thứ để có thể phát triển sự nghiệp cũng như tránh gặp phải những thất bại cuối cùng.
-
Siết chặt hoạt động môi giới bất động sản
Thực tế hiện nay, dù có các quy định xử phạt, việc quản lý hoạt động môi giới vẫn bị “bỏ ngỏ", môi giới BĐS vẫn là ngành nghề gần như không có rào cản khi gia nhập hay rút lui....
-
Cần bao lâu để “nâng cấp” chất lượng môi giới bất động sản?
Trong lúc chờ luật mới có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng môi giới bất động sản cần tận dụng thời gian này để nâng cao kỹ năng, bồi dưỡng kiến thức…
-
Ba chiến lược để làm chủ nghệ thuật bán nhà hạng sang
Từ việc tận dụng các kỹ thuật tiếp thị nhắm mục tiêu đến phát triển mạng lưới quan hệ cá nhân, bài viết này sẽ cung cấp kim chỉ nam đi đến thành công cho các nhà môi giới bất động sản hạng sang....