Thị trường bất động sản thời gian gần đây trở nên sôi động khác thường. Ảnh: Đức Thanh
Chưa có dấu hiệu bất thường
Cơn sốt đất lan rộng từ Bắc tới Nam đang trở thành thỏi nam châm thu hút dòng tiền, trong đó có tín dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, tín dụng bất động sản đang tăng khá nóng. Cụ thể, tính đến giữa tháng 3/2021, tín dụng bất động sản tăng 2,13%, cao hơn mức tăng bình quân của tín dụng toàn hệ thống (2,04%). Mặc dù vậy, lãnh đạo NHNN cho hay, tín dụng bất động sản tăng cao chỉ tập trung ở một số ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều ngân hàng TMCP cho hay, hiện nay, tín dụng bất động sản nằm trong danh mục tín dụng rủi ro, nên bản thân các ngân hàng cũng rất thận trọng khi cho vay.
“Khi cấp chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng, NHNN cũng kèm định hướng rót vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên. Riêng với danh mục cho vay chứng khoán, bất động sản - những lĩnh vực rủi ro - năm nào NHNN cũng yêu cầu hạn chế, bản thân các ngân hàng thương mại cổ phần như chúng tôi cũng rất cân nhắc khi cho vay lĩnh vực này”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết.
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, như SHB, BIDV, MSB cũng cho hay đang giảm dần dư nợ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, cuối quý I/2021, tỷ trọng cho vay bất động sản của ngân hàng này chỉ khoảng 11% tổng dư nợ, giảm rất nhiều so với con số 21% năm 2019.
Phát biểu tại một cuộc tọa đàm gần đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, đến nay, dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM là xấp xỉ 350.000 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng dư nợ - tỷ trọng hầu như không đổi trong 5 năm qua và vẫn đang trong tầm kiểm soát.
“Tỷ lệ này là hợp lý, an toàn cho hoạt động của thị trường, kể cả thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Hoàng Minh nói.
Mặc dù tín dụng bất động sản có tăng trở lại, song chưa có yếu tố bất thường (thời kỳ bong bóng bất động sản năm 2011 - 2012, tín dụng bất động sản chiếm tới 40% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống), lãi suất cho vay bất động sản hợp lý, nguồn cung trên thị trường đang rất khan hiếm… Những yếu tố này cho thấy, chưa có dấu hiệu bong bóng bất động sản, nên rủi ro tín dụng bất động sản cũng chưa đến mức đáng ngại.
Siết tín dụng bất động sản không mấy hiệu quả
Những năm trước, tín dụng ngân hàng chiếm 80% tổng vốn đầu tư vào bất động sản, song từ cuối năm 2020 đến nay, nguồn vốn từ các kênh khác như “chốt lời” chứng khoán, từ rút tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp, kiều hối, vốn FDI, vốn M&A… đổ vào thị trường này ngày càng nhiều. Chưa kể, một lượng lớn vốn từ kênh phi chính thức cũng đang ào ạt đổ vào bất động sản.
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, nền kinh tế nước ta vẫn tồn tại một luồng vốn lớn chảy trong khu vực phi chính thức (người dân, doanh nghiệp tự vay lẫn nhau). Tuy nhiên, dịch Covid-19 xảy ra khiến luồng tiền này đang quay lại thị trường chính thức, nhất là thị trường bất động sản, góp phần tạo nên cơn sốt đất.
Chính vì nhiều luồng vốn đổ vào bất động sản, nên việc kiểm soát riêng tín dụng bất động sản là chưa đủ để ngăn chặn cơn sốt đất. Thực tế, cơ chế giám sát tín dụng bất động sản hiện nay đã tương đối chặt chẽ. NHNN chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay bất động sản phục vụ nhu cầu thực (nhà cho người thu nhập thấp, phân khúc thị trường nhà giá rẻ...), còn đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án… bị giám sát chặt chẽ. Hơn nữa, NHNN đang thực hiện cơ chế cấp hạn mức tín dụng từng quý, nên khó có chuyện ngân hàng dám mạnh tay cho vay phân khúc đầu cơ.
Nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt đất tại nhiều địa phương hiện nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước, chủ yếu là do các địa phương công bố ồ ạt quy hoạch về đất đai, quy hoạch về đô thị, quy hoạch xây dựng, khiến “cò” mặc sức tung tin, tạo sốt ảo, nhà đầu tư lại thường có tâm lý “ăn theo” quy hoạch, nghĩ rằng cứ có quy hoạch là giá đất sẽ lên.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú xác nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sốt đất, điển hình là tình trạng một số đối tượng cơ hội tung tin không chính xác để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức, Tổng giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, để chặn sốt đất, các địa phương phải công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, có khuyến cáo kịp thời với người dân về các dự án, kiên quyết thu hồi các dự án để hoang hóa, xử lý nghiêm các giao dịch bất thường, có cơ chế đánh thuế với người sở hữu nhiều bất động sản.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, giá đất tăng xuất phát từ nhu cầu có thật. Người dân kiếm lời từ đất cũng là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, bên cạnh việc chính quyền địa phương minh bạch thông tin, thì nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ, không phải quy hoạch nào cũng có thể hiện thực, không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện dự án đúng tiến độ. Thực tế vừa qua, một số tập đoàn lớn xin phép các địa phương lập siêu dự án, sau đó lại hủy, khiến nhà đầu tư lao đao.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro (trong đó có lĩnh vực bất động sản). ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là đầu tư, kinh doanh bất động sản, các Dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng. Thay vào đó, ngân hàng Nhà nước khuyến khích tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung nguồn tín dụng đầu tư vào các Dự án nhà ở xã hội, các Dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) |
-
Giải mã tình trạng sốt đất liên hoàn: - Kỳ V: Cắt cơn sốt đất
CafeLand - Tình trạng những cơn sốt đất diễn ra ồ ạt, lan rộng dù ở góc độ nào cũng đều để lại những hệ lụy khó lường, làm méo mó thị trường và ảnh hưởng tới nền kinh tế. Do đó, làm thế nào có thể cắt các cơn sốt, cơ quan nào có thẩm quyền là vấn đề cần phải bàn.
-
Giải mã tình trạng sốt đất liên hoàn - Kỳ IV: Khi niềm tin bị khuếch đại
CafeLand - Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, cho rằng sự kỳ vọng, háo hức của các nhà đầu tư cá nhân dường như đang bị khuếch đại quá mức. Việc thông tin tốt đến dồn dập làm cho người ta ở trong trạng thái hồ hởi, từ đó hình thành các nhóm kinh doanh đổ xô đi mua bán đất tìm lợi nhuận.
-
Vướng mắc giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản bao giờ mới giải toả?
Lãi suất, tiếp cận tín dụng, thủ tục pháp lý... là những vướng mắc vẫn chưa được giải tỏa giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.
-
Doanh nghiệp bất động sản kêu lãi suất cao, ngân hàng nói gì?
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng. Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấ...
-
Tín dụng bất động sản toàn cầu suy giảm nhưng vẫn có điểm sáng
Mặc dù lạm phát đã giảm nhưng lãi suất dự kiến trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023 vẫn ở mức cao, kéo theo lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản sẽ tiếp tục bị hạn chế.