28/05/2022 9:44 AM
Với lợi thế có cảng nước sâu và quỹ đất còn nhiều, vùng duyên hải miền Trung sẽ được ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư mới các nhà máy sản xuất gang thép quy mô lớn, qua đó đáp ứng được nguồn cung thép chế tạo trong nước.

“Mỏ vàng” 310 tỉ USD

Mới đây, trong báo cáo Thủ tướng về chiến lược phát triển ngành thép đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Công Thương tính toán tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam có thể đạt tới 310 tỉ USD trong năm 2030.

Cụ thể, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp và ôtô hiện nay rất lớn, ước tính khoảng 120 tỉ USD, tiếp đến là giao thông đường sắt với 35 tỉ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỉ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỉ USD.

Nhu cầu từ ngành chế tạo là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong hoạt động sản xuất thép nội địa.

Vùng duyên hải miền Trung có lợi thế là cảng nước sâu và quỹ đất còn nhiều

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành thép có vai trò then chốt, quan trọng đối với tiến trình này, nên việc tự chủ về sản xuất thép trong nước là yêu cầu tất yếu. Việt Nam cần có định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến, chế tạo như thép cuộn cán nóng HRC, thép hợp kim khi những sản phẩm này đa phần đều phải nhập khẩu.

Bộ Công thương dẫn chứng, ngoài các khu liên hợp gang thép như Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, Formosa đầu tư đầy đủ công đoạn luyện cốc, lò cao, lò thổi oxy, cán thép, thì đa phần các nhà máy thép đầu tư từ trước đều có quy mô vừa và nhỏ, dưới 500.000 tấn/năm. Các nhà máy thép này đều sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, nên khả năng cạnh tranh thấp, gây ô nhiễm môi trường.

Ưu tiên phát triển tập trung ngành thép tại vùng duyên hải miền Trung

Phác thảo chiến lược phát triển ngành thép trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim quy mô lớn, tập trung sản xuất các loại thép có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất. Từ đó tiếp tục sản xuất các mác thép đặc biệt, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ đa dạng nhu cầu ngành cơ khí, chế biến chế tạo.

Ưu tiên đầu tư các Khu liên hợp sản xuất gang thép tại vùng duyên hải miền Trung

Theo Bộ Công Thương, khu vực thích hợp phát triển các dự án thép lớn là vùng duyên hải miền Trung, nơi có nhiều cảng nước sâu, nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, để tiêu thụ năng lượng tại chỗ, quỹ đất còn nhiều và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng thấp.

Tiếp sau đó là vùng Đồng bằng sông Hồng, nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu tiêu thụ lớn và hạ tầng giao thông đường biển, đường bộ, đường sắt phát triển dù quỹ đất hạn chế.

Việc định hướng sản xuất các loại thép cơ bản phục vụ ngành cơ khí, chế tạo được trong các khu liên hợp thép lớn, được xây dựng ở khu vực có cảng nước sâu sẽ giúp thuận lợi hơn trong việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào và thành phẩm. Đây là điểm trung chuyển lý tưởng cho vận tải nội địa và cũng là các cảng biển quốc tế hàng đầu cho giao thương với nước ngoài.

Chẳng hạn, dự án Dung Quất của Hòa Phát được đặt tại chính cảng Dung Quất - cảng biển tổng hợp quốc gia loại I và bên cạnh là cảng nước sâu Sa Kỳ làm bến vệ tinh.

Tương tự, Formusa đặt nhà máy gần hệ hống cảng nước sâu Sơn Dương là cảng hiện đại bậc nhất Việt. Các nhà máy thép của Hoa Sen cũng đặt gần các cảng biển lớn như Quy Nhơn, Cà Ná...

Để thúc đẩy đầu tư, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để khuyến khích, thúc đẩy các dự án thép phát triển, nhằm hình thành, phát triển mạnh ngành luyện kim, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với từng loại sản phẩm thép cụ thể, chiến lược đề xuất những định hướng phát triển nhất định. Đối với các sản phẩm như thép cuộn cán nóng HRC, cần phát triển thêm các dự án sản xuất quy mô lớn do đây là loại thép chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chế biến chế tạo.

Riêng về nguyên liệu sẽ tận dụng nguồn tài nguyên, khoáng sản hiện có để chế biến sâu các loại kim loại màu nhằm chế tạo các loại hợp kim chất lượng cao.

Bên cạnh đề xuất xây dựng nhà sản xuất thép thương hiệu Việt xứng tầm với quy mô trong khu vực cũng như trên thế giới, Bộ Xây dựng còn kỳ vọng mở rộng các thị trường nước ngoài đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và sản phẩm thép có giá trị gia tăng trong nước cao.

Với tình hình khó khăn chung của ngành thép hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam phải vươn lên làm vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời đóng vai trò trọng tài để góp phần bình ổn thị trường thép, bảo đảm quyền lợi của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.