18/03/2021 10:04 AM
CafeLand – Những cơn sốt đất nền diễn ra chớp nhoáng tại nhiều nơi đang gây ra hệ lụy không chỉ đối với người “chậm chân” trong cuộc chơi mà còn cả những người dân và chính quyền địa phương.

Ôm nợ vì quá máu lửa

Đầu năm 2021, trong khi các phân khúc khác vẫn đang vật lộn với khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 thì đất nền vẫn “một mình một ngựa” cùng những cơn sốt ảo diễn ra ở nhiều địa phương.

Mở đầu là cơn sốt đất diễn ra tại các xã An Khương, Tân Lợi (huyện Hớn Quản, Bình Phước) ngay sau khi có thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao lại Sân bay quân sự Téc-ních để Bình Phước nghiên cứu lập quy hoạch Sân bay lưỡng dụng với quy mô 500ha.

Cơn sốt đất ăn theo sân bay ở Bình Phước đầu năm 2021

Ngay lập tức vùng quê bình yên bị khuấy động bởi dòng người, xe cộ tấp nập từ nhiều nơi đổ về đón sóng đất sân bay. Giá đất chỉ trong vài ngày được đẩy lên gấp 3 – 4 lần.

“Chỉ trong khoảng ba ngày giá đất mặt tiền ở đây đã tăng từ 100 triệu đồng mét ngang lên 300 – 400 triệu đồng, thậm chí ở một số vị trí đẹp cán mốc 450 triệu đồng”, một cò đất cho biết.

Trong cơn sốt đất, chuyện nhà đầu tư kiếm được tiền tỉ trong một ngày hay chỉ làm “cò” cũng bỏ túi chục triệu càng khiến cơn sốt càng bùng nổ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cơn sốt đất hạ nhiệt, những “tay chơi” sa lầy bắt đầu lo lắng.

Anh Định, một nhà đầu tư chia sẻ, cơn sốt đất sân bay Bình Phước nay đã nguội lạnh, giá đất cũng đã giảm mạnh so với thời điểm cao trào. Những ai lỡ ôm đất mà nay không thoát kịp sẽ thua lỗ nặng.

“Nhiều người máu lửa lao vào cơn sốt cứ nghĩ là dễ kiếm tiền. Họ thế chấp cả nhà cửa để vay ngân hàng, huy động vốn từ người thân, bạn bè nhưng nay mắc kẹt. Nhiều người đổ nợ vì ăn theo sốt đất”, anh Định nói.

Năm 2019, chị Bình mua một nền đất tại thành phố Đà Nẵng với giá 3 tỉ đồng. Thời điểm đó, đất nền thành phố biển được giới đầu tư săn tìm, giá cao nhưng nhiều người muốn mua cũng không được. Chị Bình nhẩm tính, với tiềm năng của thành phố du lịch nổi tiếng, thị trường cũng đang tốt nên khả năng chốt lời của suất đầu tư này là khả quan.

Tuy nhiên, đầu năm 2020, dịch bệnh Covid – 19 xuất hiện khiến hoạt động du lịch đình trệ, thị trường bất động sản cũng bị đóng băng không có giao dịch. Đến giữa năm 2020 thì giá bắt đầu lao dốc mạnh, nhiều khu vực giá giảm tới 30 – 40% nhưng không có người mua. Trái ngược với toan tính ban đầu, chị Bình hiện đang chịu áp lực vì khoản vay ngân hàng để mua đất.

Chặn “nguồn cơn” sốt đất

Cơn sốt đất ở Bình Phước chưa kịp lắng xuống thì ở xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết một cơn sốt đất khác lại được nhen nhóm. Hình ảnh quen thuộc với dòng xe ô tô nối đuôi nhau đổ về, giá đất tăng đột ngột cũng đã từng diễn ra ở đây cách đây 2 năm trước.

Thời điểm đó, thông xin sân bay Phan Thiết sắp được xây dựng khiến cơn sốt đất bùng nổ. Sau hai năm tiến độ xây dựng sân bay vẫn đang “dậm chân tại chỗ” thì cơn sốt đất lại được nhen nhóm.

Sốt đất săn bay Phan Thiết lặp lại

Ông Phương một người dân xã Thiện Nghiệp cho biết, đầu năm 2019, nghe thông tin dự án sân bay sắp xây dựng, cơn sốt đất ào tới. Mỗi ngày có trăm lượt ô tô của người ở đâu về mua đất. Những miếng đất vốn rẻ như cho được họ ra giá hàng trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng. Nhiều người dân bán đất nhưng sau đó phải xa xứ làm ăn vì không còn đất canh tác.

Cơn sốt đất cũng khiến tình trạng phân lô bán nền trái phép diễn ra tràn lan buộc chính quyền, thanh tra vào cuộc siết chặt. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

“Nhiều gia đình có miếng đất nên muốn tách thửa để sang nhượng lại cho các con làm nhà ở, hoặc bán để lấy vốn làm ăn. Lúc trước việc này rất dễ dàng, nhưng sau sốt đất chính quyền làm chặt khiến người dân gặp khó khăn”, ông Phương nói.

Lo ngại tình trạng sốt đất lặp lại, thời gian qua chính quyền xã Thiện Nghiệp đã ra các văn bản cảnh giác người dân, lắp đặt các bảng cảnh báo người dân, nhà đầu tư không sập bẫy nhóm các nhóm cò đất.

Chia sẻ về nguồn cơn của những cơn sôt đất sân bay gần đây, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, việc có sân bay tại địa phương không phải là yếu tố chính để thu hút đầu tư. Những yếu tố quan trọng hơn trong việc gia tăng giá trị bất động sản và tạo sức hút trên thị trường bao gồm các tiện ích xã hội như trường học, bệnh viện, giao thông thuận lợi, và cơ hội nghề nghiệp.

Ông Khương cho rằng, việc hình thành một khu dân cư không dễ dàng, nó liên quan đến bài toán kinh tế đô thị. Các địa phương cần có những sức hút khác biệt để khuyến khích di dân đến địa phương một cách cơ học.

Những cơn sốt đất ảo, không chỉ gây nhiễu loạn thị trường mà còn tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân địa phương. Chẳng hạn, ở Hớn Quản, Bình Phước, đa phần người dân địa phương sống nhờ vào nông nghiệp như là trồng cây cao su và thu hoạch mủ cao su để nuôi sống gia đình. Việc bán đi những mảnh đất này không khác gì bán đi cần câu cá khi giờ họ đã mất đi nguồn thu nhấp chính.

Theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng mới đây, trong thời gian qua thị trường xuất hiện giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính; giá cả thị trường nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí đầu vào dự án bất động sản tăng cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo.

Bộ Xây dựng sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch đẩy giá bất động sản lên cao.

  • Giá đất tăng “dựng đứng” nơi đề xuất sân bay ở Bình Phước

    Giá đất tăng “dựng đứng” nơi đề xuất sân bay ở Bình Phước

    CafeLand – Nhiều khu vực tại các xã An Khương, Tân Lợi huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đang trở thành “chảo lửa” của cơn sốt đất. Những cuộc ngả giá, đặt cọc diễn ra chớp nhoáng đẩy giá đất tăng chóng mặt, nhiều người bỏ túi tiền tỉ chỉ sau vài tiếng đồng hồ.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.