Đông vui như đi hội
Những ngày này, trên nhiều tuyến đường thuộc các xã An Khương, Tân Lợi (huyện Hớn Quản) người dân địa phương được chứng kiến cảnh tượng chưa bao giờ có trong đời họ.
Những nẻo đường quê vốn yên bình, quanh co qua những vườn điều, rừng cao su xanh bạt ngàn thì khoảng bốn ngày gần đây trở nên ồn ào bởi dòng người, xe cộ tấp nập từ nhiều nơi đổ về mua đất đông như đi lễ hội.
Ông Truyền, một người dân địa phương cho biết, hôm nay (25/2) là ngày thứ 4 diễn ra cảnh tượng này. Mấy hôm trước số lượng đông hơn khiến đường chật ních, kẹt xe. “Họ về mua đất sân bay sắp xây dựng”, ông Truyền nói.
Xe ô tô của người về mua đất kẹt cứng mọi nẻo đường
Ghi nhận thực tế, ngay từ sáng sớm hằng trăm chiếc xe ô tô mang biển số các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM… đã nối đuôi nhau trên những con đường nhỏ hẹp. Hai bên đường, nhiều nhóm người kê sẵn bàn ghế, sổ sách để sẵn sàng cho những giao dịch. Một số khác cầm các tấm giấy cát tông cắt nhỏ có ghi sẵn giá đất rồi đứng giữa đường vẫy chào khách mua.
Một khu đất nằm bên đường nhựa với những cây điều lâu năm đang bị chặt hạ, chủ đất huy động máy móc làm việc cả ngày lẫn đêm để san ủi mặt bằng, phân lô một cách nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu đang lên rất cao của nhà đầu tư.
Những quán nước “dã chiến” mọc lên dưới các gốc cây lớn trở thành trung tâm thông tin thu hút hàng chục người tụ tập trao đổi. Chủ quán vừa bán nước vừa kiêm luôn môi giới. Nhiều “cò đất” địa phương hoặc từ các khu vực lân cận ngồi chờ sẵn sàng để dẫn mối khi tìm được khách.
Để vào một quán cà phê gần UBND xã An Khương, chúng tôi phải rất vất vả để tìm được chỗ đậu xe. Bên trong quán không khí sôi nổi. Nhiều người mải mê nói chuyện đất đai mà quên luôn gọi nước khiến chủ quán phải nhắc đi nhắc lại hai ba lần. Tiếng chuông điện thoại thi nhau đổ. Những thông tin nóng sốt nhất liên tục được truyền tải giữa khách, chủ đất, cò đất. Ở một góc quán, một nhóm cò đất đang tranh cãi để chia lộc sau một vụ dẫn mối thành công.
Giá tăng chóng mặt
Xe chúng tôi vừa dừng bánh, một nhóm phụ nữ ăn mặc như “ninja” ngay lập tức tiếp cận. “Anh đã chọn được lô nào chưa? vào đây em giới thiệu cho”.
Chúng tôi thắc mắc về vị trí sân bay, người phụ nữ này khẳng định chắc nịch, vị trí anh đang đứng đây chính là con đường chính mở vào sân bay trong tương lai. Nói xong, người này chỉ luôn một lô đất bên cạnh.
“Lô này ngang 8 mét dài hơn 40 mét và đã có 100m2 đất thổ cư. Chủ đang ra giá 300 triệu đồng một mét ngang. Anh mua giá này là rẻ vì chính chủ, chứ trên kia đã 350 triệu rồi vì đã qua tay khách”, người phụ nữ cho biết.
Thấy chúng tôi có vẻ chưa tin, người phụ nữ lấy trong túi xách một bản photo sổ đỏ của miếng đất và bấm điện thoại gọi cho chủ đất để chúng tôi trao đổi trực tiếp. Nếu mua, khách phải đặt cọc 500 triệu và công chứng sang tên khoảng 20 ngày.
“Anh mua luôn đi xong rồi giao lại cho tụi em kiếm khách sang lại luôn. Nếu anh muốn nhanh thì ăn mỏng hơn chút. Có khi gặp khách thì trong ngày bỏ tủi vài trăm triệu rồi”, một người trong nhóm phân tích.
Giá đất tăng gấp 3 - 4 lần chỉ trong vài ngày
Cũng trên tuyến đường này, một khu đất đang được máy móc san san ủi rầm rộ. Môi giới ở đây cho biết, khu đất này có diện tích khoảng 25.000m2, đã có khoảng hơn 200m2 đất thổ cư. Hiện chủ đang tiến hành phân các lô mặt tiền đường nhựa có diện tích khoảng 500m2 (10x50) và 1.000m2 (20x50). Giá bán là 250 triệu đồng một mét ngang. Như vậy mỗi lô có giá từ 2,5 – 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, để mua đất thì khách phải đặt cọc lên đến 1 tỉ đồng. Nguyên nhân được môi giới giải thích là do những ngày qua họ liên tục bị “bẻ cọc” rất mệt, có lô một ngày “bẻ cọc” đến mười mấy lần.
“Đặt cọc một lô luôn đi. Có khách sáng mua 250 triệu gửi lại đã bán được 290 triệu đồng rồi. Đặt một lô kiếm vài trăm triệu thôi, cơ hội không có nhiều nữa đâu”, môi giới mời chào.
Cơn sốt đất chóng mặt đang cuốn theo nhiều người tham gia. Bên cạnh những cò đất “chuyên nghiệp”, nhiều người dân địa phương quanh năm chỉ quen với nương rẫy cũng lao ra dẫn khách bởi nghe đâu có người đã kiếm được cả trăm triệu mỗi ngày.
Ăn vội bông bắp vừa mới mua, bà Hoa – người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, gắng gượng một nụ cười với khách. Bà cho biết, mỗi lần giới thiệu nếu khách đặt cọc thì chủ đất cho vài chục triệu. Hôm nay khách giảm bớt bà mới có thời gian để ăn trưa chứ hai hôm trước người mua chật đường, ham tiền quá mà quên cả ăn.
Người phụ nữ này hào hứng, cách đây hai ngày, có người mua mảnh đất do bà giới thiệu giá 150 triệu đồng một mét ngang thì đến chiều tối đã có người khác mua lại với giá 200 triệu đồng.
“Cả nhóm mua bia với hai con gà rồi bật đèn xe ô tô ngồi nhậu luôn”, Bà Hoa nói.
Bà Hoa bật mí, hiện nay giá đất đã cao nhưng vẫn còn tăng nữa vì đang đợi nhóm khách từ Sài Gòn xuống. “Cứ đặt cọc mua đi rồi sang lại bán cho. Bây giờ là đang chờ dân từ Sài Gòn lên. Chiều tối nay tôi có ba xe từ Sài Gòn lên nè. Yên tâm đi”, Bà Hương nói.
Theo chân anh Bình – một nhà đầu tư ở địa phương chúng tôi được biết, giá tăng mạnh nhất là các lô đất mặt tiền đường nhựa, người mua cũng chủ yếu săn đất mặt tiền đường vì dễ giao dịch. Chỉ trong khoảng ba ngày giá đất mặt tiền ở đây đã tăng từ 100 triệu đồng mét ngang lên 300 – 400 triệu đồng, thậm chí ở một số vị trí đẹp cán mốc 450 triệu đồng.
Anh Bình chia sẻ, một khu đất kéo dài 260m mặt tiền đường nhựa ban đầu được giao dịch với giá khoảng gần 10 tỉ nhưng chỉ sau vài ngày nhiều người sang tay qua lại và người cuối cùng đã chốt giá 28 tỉ đồng. Hiện nay, chủ đất đang tiến hành phân khu đất thành nhiều lô mặt tiền và bán với giá 250 triệu đồng một mét ngang. Nếu bán thành công sẽ thu về khoảng 70 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhà đầu tư này, với những ai muốn đầu tư lướt sóng thì thời “điểm vàng” là cách đây khoảng 2 – 3 ngày, còn thời điểm nay là đã muộn. Do đó, với những mối quen anh khuyên không nên nhảy vào.
Trời đã nhá nhem tối, nhưng dòng người xe vẫn chưa vãn. Cơn sóng đất ăn theo sân bay vẫn đang “nóng hổi” trong tâm trí của nhiều người.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Phước xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc giao lại Sân bay quân sự Téc-ních tại huyện Hớn Quản để nghiên cứu lập quy hoạch Sân bay lưỡng dụng với quy mô 500ha và đã được Thủ tướng chấp thuận. Ngày 19/2, đoàn lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã có đợt khảo sát thực tế để có cơ sở làm việc với các bộ, ngành có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. |
Bài 2: “Cục lửa” sẽ vào tay ai?
-
Thông tin loạt dự án hạ tầng Bình Phước vừa đề nghị với Bộ Giao thông vận tải
CafeLand –Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vào chiều ngày 11/11, Đoàn công tác của tỉnh Bình Phước do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi dẫn đầu đã có những đề nghị về các dự án hạ tầng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
-
Bắt giám đốc công ty bất động sản tự ý phân lô, bán dự án khi chưa đủ điều kiện
Dự án khu nhà ở tại Bình Phước chỉ mới được duyệt chủ trương đầu tư, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa xin phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã tự ý phân lô rao bán, thậm chí xây nhà trái phép....
-
Quy định mới về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Bình Phước từ ngày 29/10/2024
Quyết định số 30/2024/QĐ/UBND ngày 15-10 của UBND tỉnh Bình Phước quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh....
-
Bình Phước yêu cầu công trình từ 9 tầng trở lên phải dùng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung
Từ nay đến năm 2025, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên tại Bình Phước phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung (VLXKN) trong tổng số vật liệu xây. Trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn....