Startup Varda Space Industries ở Mỹ đã triển khai thành công vệ tinh đầu tiên W-Series 1 trên quỹ đạo, mở ra tương lai sản xuất hàng loạt vật liệu mới trong không gian.

Bất chấp sự suy giảm của dòng vốn đầu tư toàn cầu vào năm 2022, khu vực tư nhân của ngành kinh tế vũ trụ vẫn có những bước đi vững chắc nhờ vào các công nghệ mang tính đột phá như tên lửa có khả năng tái sử dụng và vệ tinh giá rẻ.

Bên trong nhà máy sản xuất vật liệu của Varda

Mới đây, công ty khởi nghiệp Varda Space Industries ở Mỹ vừa thông báo triển khai thành công vệ tinh đầu tiên W-Series 1 trên quỹ đạo.

Với các vệ tinh này, công ty muốn hướng đến việc sản xuất hàng loạt trong không gian các loại vật liệu đặc biệt, vốn không thể sản xuất trên Trái Đất hoặc cũng có thể không có được chất lượng và tốc độ sản xuất nhanh như trong môi trường vi trọng lực.

“Các tấm pin quang năng của nhà máy đầu tiên trong không gian đã tìm thấy hướng Mặt Trời và bắt đầu mở rộng”, Varda cho biết sau khi vệ tinh bay lên quỹ đạo trong nhiệm vụ Transporter-8 của SpaceX hôm 13/6 vừa qua.

Vệ tinh W-Series 1 mang theo khoang nhỏ nặng 90kg, được thiết kế để nghiên cứu thuốc. Theo Varda, khoang này sẽ tách ra và bắt đầu bay trong không gian trong khi vẫn gắn liền cấu trúc cung cấp năng lượng, lực đẩy và liên lạc cần thiết để định vị trong chân không vũ trụ.

Sau đó, thí nghiệm bắt đầu và được thực hiện bởi máy móc được tích hợp sẵn trong khoang. Được biết, nhiệm vụ của nhà máy này sẽ là tạo ra các thành phần chính của dược phẩm, dưới điều kiện vi trọng lực.

Hoạt động của Varda dựa trên nghiên cứu khoa học chứng minh tinh thể protein trong vũ trụ có thể hình thành cấu trúc hoàn hảo hơn so với trên Trái Đất, khi quá trình hình hành chịu tác động của trọng lực.

Nhiệm vụ đầu tiên của Varda sẽ tập trung vào nghiên cứu phát triển ritonavir trong không gian. Đây là loại thuốc thường dùng để điều trị HIV nhưng gần đây ứng dụng trong chữa trị Covid-19. Sau khi thử nghiệm của Varda kết thúc, các kỹ sư trên mặt đất sẽ đánh giá xem liệu khoang nghiên cứu đã sẵn sàng để quay trở lại mặt đất hay chưa. Nếu được thông qua, thiết bị vệ tinh sẽ đẩy khoang nghiên cứu về hướng Trái Đất. Sau đó, nó sẽ lao qua khí quyển và hạ cánh bằng dù, cho phép thu hồi vật liệu dược phẩm.

Công ty Varda được thành lập bởi cựu kỹ sư điện tử hàng không của SpaceX. Mục tiêu của họ là sản xuất hàng loạt sản phẩm ngoài không gian. "Từ sợi cáp quang mạnh hơn tới dược phẩm mới giúp cứu sống sinh mạng, có hàng loạt sản phẩm sử dụng trên Trái Đất ngày nay chỉ có thể sản xuất trong vũ trụ", Varda cho biết.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.