23/10/2023 11:18 AM
Tình trạng thiếu cát làm cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ngày càng trầm trọng. Để bảo đảm tiến độ các dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đang nghiên cứu các vật liệu mới thay cát sông làm cao tốc.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp về việc tìm các vật liệu thay thế cát sông để thi công các công trình giao thông, nhằm hạn chế việc khai thác cát, gây sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL.

Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh ở khu vực ĐBSCL để triển khai các giải pháp về cơ chế chính sách khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng, chủ yếu là cát.

Bên cạnh đó, các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng các tiêu chuẩn về cát biển, nghiên cứu tác động môi trường, sạt lở bờ sông, bờ biển đối với các hoạt động khai thác cát sông, cát biển…

Sắp có thêm nhiều vật liệu mới thay cát sông đắp nền đường cao tốc

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về vật liệu xây dựng cát biển, cát nghiền đã được sử dụng ở nhiều nước như Anh, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt ở Nhật Bản, tỷ lệ cát biển sử dụng làm cốt liệu bê tông ở Nhật Bản chiếm 30% lượng cát xây dựng, vùng ven biển lượng cát chiếm tới 91,5%.

Với thông tin về tiềm năng sử dụng của cát biển như vậy, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành có nghiên cứu về sử dụng cát biển nhằm mục đích thay thế cát sông trong xây dựng công trình.

Chính phủ giao Bộ GTVT triển khai dự án thí điểm sử dụng cát biển để có thể sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Theo đó, Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thí điểm sử dụng cát biển cho đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Đến nay, các đoạn tuyến thí điểm đã hoàn thành công tác thi công hiện trường, đã cho các phương tiện lưu thông.

Kết quả bước đầu cho thấy, cát biển lấy tại mỏ tỉnh Trà Vinh có các chỉ tiêu vật liệu cơ học, vật lý đáp ứng yêu cầu đắp nền theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9436:2012 Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu.

Mẫu cát biển cũng có các chỉ tiêu môi trường nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 43:2017/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích (trầm tích nước mặn, nước lợ).

Ngoài ra, kết quả quan trắc môi trường tại các vị trí quan trắc cho thấy, chưa có biểu hiện rõ ràng việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.

Bên cạnh cát biển, các vật liệu khác nhằm thay thế một phần cát sông trong xây dựng công trình giao thông trọng điểm cũng đang được Bộ GTVT tích cực nghiên cứu và triển khai như: Công nghệ cào bóc tái chế nguội mặt đường bê tông nhựa tại chỗ, cào bóc tái chế nóng bê tông nhựa tại trạm trộn. Mặt khác, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu và triển khai đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng và san lấp.

Thời gian tới, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh ĐBSCL và các Bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu sử dụng cát biển đắp nền đường.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy việc nghiên cứu các vật liệu mới thân thiện với môi trường, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để đẩy nhanh việc áp dụng cho các công trình dự án tại khu vực này.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.