21/06/2023 3:57 PM
Nhiều đơn vị môi giới bán ôtô, thu hẹp văn phòng, giảm nhân sự, tìm nguồn thu từ bán bảo hiểm, nội thất hay phát triển mảng cho thuê.

Sau gần chục năm làm môi giới, năm 2019, ông Hoàng Việt thành lập công ty riêng tại Hà Đông, Hà Nội. Nhờ thắng lớn tại một số dự án đất nền ngay sau đó, công ty này đã liên tục tuyển dụng, mở rộng văn phòng. Đến đầu năm 2022, công ty có hơn 200 nhân viên môi giới, nhưng đến nay nhân sự của công ty anh Việt chỉ còn khoảng 30 người bao gồm cả ban lãnh đạo sau những khó khăn trên thị trường từ quý cuối năm ngoái.

"Tồn tại được đến bây giờ đã là may mắn hơn nhiều sàn giao dịch cùng quy mô. Gần một năm qua, công ty đã phải bán ôtô, trả lại hai phần ba diện tích mặt bằng, cắt nhân sự để giảm tối đa chi phí vận hành và trả lãi ngân hàng để có thể trụ lại trong lúc thị trường tiêu cực, không bán được hàng", ông Việt chia sẻ.

Tương tự, một sàn giao dịch bất động sản ở Thanh Hóa chuyên phân phối sản phẩm nghỉ dưỡng Phan Thiết, Phú Quốc cũng đã phải gồng lỗ suốt thời gian qua khi không phát sinh doanh thu mà vẫn phải chịu áp lực từ các chi phí cố định, tiền hoa hồng cũ của môi giới. Theo chủ đơn vị này, nhân viên bắt đầu nghỉ việc hàng loạt từ cuối năm ngoái. Từ gần một trăm nhân viên, công ty đang chỉ còn lại 16 người.

Đây là tình trạng chung của các sàn giao dịch bất động sản từ cuối năm ngoái đến nay. Bà Phạm Thị Nguyên Thanh, Tổng giám đốc Đất Xanh Services (DXS) mô tả tại một sự kiện gần đây rằng nghề môi giới giai đoạn vừa qua chìm trong "một cơn đại hồng thủy, không ai thực sự khỏe mạnh".

Theo báo cáo công bố đầu tháng 6 của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hơn 95% doanh nghiệp được khảo sát phải thu hẹp quy mô lao động. Trong đó, một số doanh nghiệp môi giới quy mô dưới 50 nhân viên còn phải chấm dứt hợp đồng với trên 90% lao động, gần như dừng hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại vị trí trọng yếu. Về doanh thu, VARS cho biết hơn 90% sàn là hội viên được khảo sát ghi nhận doanh thu quý đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ. Với nhóm doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên, doanh thu giảm 70-80%.

Tỷ trọng cắt giảm nhân sự theo quy mô doanh nghiệp môi giới bất động sản theo khảo sát của VARS.

Ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes đánh giá ở thị trường phía Bắc, khoảng 70-80% sàn môi giới đã đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Trong số lượng 20-30% sàn còn hoạt động hiện nay phần lớn đều trong trạng thái cầm cự khi đã cho nhân viên nghỉ 80-90%. Theo ông, những sàn giao dịch tầm trung trước đây có 100-200 nhân sự thì nay còn khoảng chục người.

Với các công ty lớn như DXS, bà Thanh nói rằng tình hình cũng chỉ đỡ khó khăn hơn những đồng nghiệp gia nhập thị trường sau vì có tích lũy nhờ trước đây nắm 33% thị phần môi giới. Dù vậy, để vượt qua giai đoạn khó khăn, công ty vẫn phải cắt giảm nhân sự môi giới đến 60%, từ 10.000 người gồm cả cộng tác viên. Tại khối văn phòng, công ty cũng tinh giản để mỗi nhân sự nắm nhiều đầu việc cùng lúc.

Bà Thanh thừa nhận việc cắt giảm là "đau đớn", nhưng vẫn phải làm để giữ cho con thuyền doanh nghiệp đi tiếp. Cùng với đó, công ty cũng phải tập trung vào việc đi thu hồi công nợ của các chủ đầu tư, có công ty con của DXS phải lập riêng ban chuyên đi thu nợ. Việc chủ đầu tư chậm trả phí cũng là một phần nguyên nhân khiến doanh nghiệp môi giới bất động sản điêu đứng.

Để cầm cự qua giai đoạn này, ông Chung cho rằng các sàn có thể mở rộng kênh phân phối, tập trung vào dòng sản phẩm có thể thanh khoản trong thời kỳ này, đó là dự án nhà ở và bất động sản ven khu công nghiệp hay dòng sản phẩm có yếu tố vận hành để tạo ra dòng thu nhập thụ động như nhà phố, khách sạn cũng có thể cân nhắc. Theo tổng giám đốc SGO Homes, trong bối cảnh nguồn cung dự án mới nhỏ giọt, các sàn có năng lực cũng có thể linh hoạt chuyển sang mảng cho thuê, chuyển nhượng hoặc tư vấn giải pháp vận hành.

Tổng giám đốc Hoa Việt Land Lưu Thanh Tuấn gợi ý các đơn vị môi giới còn hoạt động nên ưu tiên qũy hàng giá rẻ, dễ bán, phục vụ nhu cầu ở thực. Đồng thời, ông cho rằng trong lúc thị trường vẫn khó khăn, các đơn vị vẫn cần đào tạo, nâng cao kỹ năng môi giới bởi khi thị trường phục hồi, chủ đầu tư tung ra quỹ hàng mới, sàn giao dịch không có đội ngũ nhân viên chất lượng sẽ rất khó để cạnh tranh và tồn tại.

Theo khảo sát của VARS, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục xấu, 23% doanh nghiệp môi giới được hỏi cho biết có thể hoạt động được đến hết quý III, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay. Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản BXS cho biết trước áp lực dòng tiền, một số đơn vị môi giới vừa qua cũng làm thêm các công việc như bán bảo hiểm, nội thất, cà phê hay phát triển mảng cho thuê, phát triển mảng dự án quốc tế.

Còn ông Việt dự tính sàn giao dịch ở Hà Đông của mình có thể trụ được đến đầu năm sau bởi trường hợp khó khăn hơn có thể bán nốt chiếc xe còn lại để trang trải chi phí hoạt động. Trả bớt mặt bằng, nhưng đơn vị này vẫn dồn gọn bàn ghế lại một góc văn phòng để chờ đến lúc có thể tuyển dụng trở lại. Hiện tại, bản thân ông cũng xuống đường phát tờ rơi cùng nhân viên để tìm khách mua một dự án chung cư vẫn đang còn quỹ căn mở bán ở Hà Nội.

Anh Tú - Ngọc Diễm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.